Tin tức
Sẹo phì đại là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Từ khóa: sẹo phì đại
Sẹo phì đại là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Sẹo phì đại có khả năng xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào có vết thương mới lành trên cơ thể. Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng loại sẹo này gây mất thẩm mỹ hoặc một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động. Vậy sẹo phì đại là gì và điều trị dạng sẹo này có khó không?
1. Đặc điểm sẹo phì đại
Sẹo phì đại là dạng sẹo hình thành khối nhô lên tại vị trí vết thương trên bề mặt da. Loại sẹo này thường xuất hiện ngay sau vết thương lành và thường có màu nâu hoặc hồng nhạt, ửng đỏ. Khi sờ vào vùng sẹo này thường cảm giác mềm và không lan ra khỏi ranh giới vùng da bị tổn thương.
Sẹo phì đại không lan rộng ngoài vùng da bị thương
Sẹo phì đại có thể chuyển từ dạng sẹo nhô lên bề mặt da thành sẹo thâm thông thường và tự biến mất theo thời gian nếu được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp sẹo thâm để lại có thể kéo dài trên 1 năm, vì thế nên việc chăm sóc sẹo sớm, ngay khi mới hình thành để giảm thiểu tình trạng sẹo thâm gây mất thẩm mỹ là rất cần thiết.
2. Cơ chế hình thành của sẹo phì đại
Sẹo phì đại có cơ chế hình thành tương tự như sẹo lồi: là do sự tăng sinh collagen quá mức trong quá trình hồi phục vết thương hở, trong khoảng 3 - 6 tháng khi vết thương hình thành. Cụ thể hơn, ở giai đoạn hồi phục vết thương trên da, lượng collagen dưới dạng nguyên bào sợi trong cấu tạo da có hiện tượng tăng sinh tại chỗ quá mức, gây tích tụ và tạo thành khối nhô lên khỏi bề mặt da.
Tăng sinh nguyên bào sợi có trật tự gây hình thành sẹo
Lượng collagen ở sẹo phì đại ở mức gấp 3 - 5 lần so với bình thường, vì thế kết cấu sẹo thường mềm và không lan rộng ra vùng xung quanh.
3. Nguyên nhân gây sẹo phì đại
Khi da chịu tác động từ bên ngoài gây ra vết thương hở trên bề mặt da đều có khả năng để lại sẹo. Một số nguyên nhân phổ biến có thể gây sẹo phì đại như:
Bỏng, tai nạn, mụn,... đều có khả năng để lại sẹo trên da
● Vết thương bỏng sâu mức độ II - III do nhiệt độ cao hoặc bỏng lạnh ở các vị trí da trên cơ thể.
● Tai nạn tạo ra tổn thương trầy xước sâu ảnh hưởng đến lớp trung bì của da.
● Vết thương sau phẫu thuật xâm lấn trên da thường xuất hiện sẹo phì đại sau khi cắt chỉ hoặc chỉ tự tiêu.
● Các vết mụn viêm, mụn trứng cá, mụn nhọt,... hoặc vết côn trùng đốt sau quá trình viêm cũng có khả năng gây sẹo.
● Cơ địa da chậm lành vết thương dễ gây nhiễm trùng và từ đó tăng nguy có hình thành sẹo phì đại trên da.
4. Điều trị sẹo phì đại bằng cách nào?
Sẹo phì đại thường được đánh giá có khả năng đáp điều trị tốt hơn so với sẹo lồi. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sẹo, tùy thuộc vào tình trạng cũng như giai đoạn hình thành sẹo, cụ thể như:
4.1. Điều trị trong giai đoạn sẹo mới hình thành
● Bôi kem, gel làm giảm, mờ sẹo. Các sản phẩm này thường chứa một số thành phần như: silicone, vitamin E, hoạt chất thuộc nhóm peptide,... hoặc chứa tinh chất lô hội, nghệ vàng. Bạn thoa kem hoặc gel ngay sau khi miệng vết thương lành hoặc khi sẹo mới hình thành từ 1 - 2 tháng sẽ giúp tăng hiệu quả cải thiện sẹo.
Các loại thuốc bôi chứa silicone giúp cải thiện làm mềm, mờ vết sẹo
● Dùng miếng dán hoặc gel silicone trên vùng da hình thành sẹo trong vòng 2 - 3 tháng để làm mềm và làm phẳng bề mặt da bằng cách tăng lượng nhiệt, tạo môi trường hydrat hóa lớp sừng và giảm tác động của oxy lên bề mặt mô,... Lưu ý không sử dụng miếng dán hoặc gel silicon trên vết thương hở hoặc nếu da có bất kỳ phản ứng kích ứng nào sau khi dùng thì nên dừng ngày.
4.2. Điều trị khi sẹo tiến triển
Đối với tình trạng sẹo đã hình thành và phát triển, việc điều trị sẹo sẽ cần can thiệp bằng các phương pháp chuyên sâu hơn như:
● Tiêm corticosteroid dưới dạng hoạt chất triamcinolone acetonide (TCA) theo nồng độ 10 - 40mg/ml trực tiếp vào sẹo, giúp làm ức chế tăng sinh nguyên bào sợi, làm mềm sẹo từ đó làm phẳng bề mặt da bị sẹo phì đại. Tác dụng phụ thường gặp của phương pháp này như: giảm sắc tố da, teo da,... nhưng có thể phòng ngừa hoặc cải thiện khi được chăm sóc đúng cách, theo hướng dẫn của bác sĩ.
● Liệu pháp ép lạnh ở nhiệt độ thấp tạo ra sự đông cứng tức thời trên bề mặt sẹo, gây thiếu máu từ đó giúp các mô bên dưới sẹo hoại tử và tự phân hủy. Phương pháp này thường dùng cho vùng sẹo nhỏ, có độ dày vừa phải hoặc chỉ định kết hợp với phương pháp tiêm corticoid để tăng hiệu quả điều trị.
● Laser PDL với bước sóng 585nm hoặc 595nm giúp giảm oxy và phá hủy liên kết mô sẹo do nhiệt độ cao, đồng thời hạn chế sự tăng sinh nguyên bào sợi. Sau thời gian điều trị bằng laser, vùng sẹo sẽ mềm và giảm độ dày hơn, từ đó giúp da mịn màng hơn. Tuy nhiên, phương pháp này thường có chi phí cao và đòi hỏi thực hiện lặp lại nhiều lần theo liệu trình để đảm bảo hiệu quả điều trị.
● Phẫu thuật sẹo: là phương pháp loại bỏ trực tiếp mô sẹo được chỉ định khi tình trạng sẹo không đáp ứng hiệu quả điều trị đối với các phương pháp bảo tồn như bôi, tiêm, laser,... Hoặc đối với các loại sẹo co rút ở diện tích rộng và đáy sẹo nhỏ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng vận động cũng được khuyến cáo điều trị bằng phương pháp này.
5. Cách phòng ngừa hình thành sẹo phì đại
● Vệ sinh vết thương hở đúng cách bằng nước muối sinh lý, thuốc sát khuẩn.
● Giữ vết thương khô thoáng để tránh hình thành ổ vi khuẩn gây viêm hoặc nhiễm trùng.
● Sử dụng các loại thuốc bôi ngăn ngừa sẹo sau khi vết thương lành và đóng vảy. Khi thoa kem, gel trị sẹo có thể kết hợp massage nhẹ để làm mềm sẹo giúp thẩm thấu hoạt chất điều trị tốt hơn.
Nên sử dụng kem ngừa sẹo ngay sau khi vết thương lành hoặc sẹo mới
● Hạn chế tác động ma sát, gãi hay tạo áp lực mạnh lên vị trí của sẹo phì đại điều này có thể khiến vùng sẹo bị chai sần ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
● Hạn chế sử dụng thực phẩm tăng nguy cơ gây sẹo như rau muống, hải sản, thịt bò,... thay vào đó nên bổ sung các loại rau củ chứa nhiều vitamin E, kẽm,... để vết thương mau lành.
● Đối với người có cơ địa sẹo khó điều trị nên theo dõi thường xuyên tình trạng sẹo để kịp thời can thiệp các phương pháp làm giảm sẹo.
● Nên đến cơ sở y tế hoặc chuyên khoa da liễu nếu đã sử dụng biện pháp cải thiện sẹo tại nhà nhưng không hiệu quả để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp
Có thể thấy, sẹo phì đại có thể tự biến mất khi không can thiệp nhưng vẫn có tỷ lệ tồn tại lâu trên da và cần can thiệp điều trị chuyên sâu trong một số trường hợp. Vì thế, việc chăm sóc trong quá trình vết thương phục hồi rất quan trọng, tác động trực tiếp đến việc hình thành sẹo trên da. Tốt nhất, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Da liễu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị sẹo hiệu quả, an toàn. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ thêm.
BS Vân đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!