Tin tức
Siêu âm phụ khoa
- 27/10/2022 | Bác sĩ Sản phụ khoa giải đáp: Tại sao chưa quan hệ lại mất trinh?
- 17/10/2022 | Chia sẻ kinh nghiệm: Khám phụ khoa có cần cạo lông hay không?
- 16/10/2022 | Cập nhật mới nhất về 2 nhóm xét nghiệm bác sĩ sản phụ khoa thường xuyên sử dụng
- 01/11/2022 | Tìm hiểu chi phí khám phụ khoa và địa chỉ khám uy tín hiện nay
- 14/11/2022 | Phái nữ gặp rắc rối do dùng thuốc đặt viêm phụ khoa sai cách
1. SIÊU ÂM PHỤ KHOA LÀ GÌ?
Siêu âm phụ khoa là kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm để ghi nhận hình ảnh các cơ quan trong khung chậu, bác sĩ thường chỉ định kỹ thuật này để chẩn đoán các bất thường của tử cung, buồng trứng, hoặc để kiểm tra tình trạng thai nhi trong quá trình mang thai của bạn.
Ở phụ nữ, siêu âm phụ khoa được dùng để quan sát hình ảnh các cơ quan như:
- Cổ tử cung
- Vòi trứng
- Buồng trứng
- Tử cung
- Âm đạo
- Bàng quang
Hình: Các cơ quan trong khung chậu nữ
Siêu âm phụ khoa có thể được thực hiện qua đường bụng hoặc đường âm đạo.
2. Siêu âm phụ khoa nhằm mục đích gì?
- Đánh giá bất thường về cấu trúc của tử cung và buồng trứng
- Tìm kiếm các dấu hiệu nghi ngờ ung thư ở tử cung, buồng trứng, bàng quang
- Đánh giá vị trí dụng cụ tử cung
- Theo dõi tiến triển các khối u lành như u xơ, nang
- Tìm nguyên nhân gây đau bụng hoặc ra máu bất thường
- Đánh giá các vấn đề về sinh sản
- Theo dõi sự phát triển của em bé trong thai kỳ
- Kiểm tra các viêm nhiễm vùng chậu (viêm vòi trứng, tử cung, buồng trứng)
- Chẩn đoán thai ngoài tử cung
- Định vị vị trí sinh thiết nội mạc tử cung
Bên cạnh các mục đích chung trên, kỹ thực siêu âm đầu dò âm đạo còn được chuyên dụng trong các trường hợp:
- Theo dõi sự phát triển của trứng, quan sát trứng rụng
- Chẩn đoán, phát hiện bệnh buồng trứng đa nang
- Dùng trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: thụ tinh trong ống nghiệm, chuyển phôi
Nhìn chung, trong đa số trường hợp, siêu âm đầu dò âm đạo cho hình ảnh rõ nét hơn so với siêu âm qua ngả bụng do không bị ngăn cách bởi thành bụng dày.
Hình: Siêu âm đầu dò âm đạo kiểm tra thai sớm
Khi nào nên siêu âm phụ khoa?
Tương tự như siêu âm ổ bụng, siêu âm phụ khoa cũng được các bác sĩ khuyến cáo thực hiện trong mỗi lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, thường 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bất thường vùng bụng chậu.
Ngoài ra, bạn cần thăm khám và siêu âm phụ khoa khi có các biểu hiện bất thường như sau:
- Ra máu bất thường không rõ nguyên nhân, không phải chu kì kinh nguyệt
- Rối loạn kinh nguyệt (rong kinh, mất kinh, cường kinh…)
- Đau bụng dữ dội vùng bụng dưới
- Đau khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn
- Khí hư ra bất thường.
3. Chuẩn bị siêu âm phụ khoa
Nếu bạn được chỉ định kiểm tra qua đường bụng, bạn cần nhịn căng tiểu. Bạn nên uống nhiều nước và chờ khoảng 1 tiếng trước khi thực hiện kỹ thuật. Bàng quang đủ nước tiểu sẽ giúp bộc lộ hình ảnh các cơ quan trong vùng chậu rõ hơn.
Ngược lại, nếu bạn được chỉ định kiểm tra qua đường âm đạo, bạn cần đi vệ sinh hết nước tiểu ngay trước khi thực hiện kỹ thuật.
Để thuận tiện cho việc thăm khám, bạn nên mặc đồ thoải mái, nếu siêu âm qua đường âm đạo, bạn sẽ được hướng dẫn mặc váy của bệnh viện để thực hiện chỉ định.
Quy trình thực hiện
Thiết bị đầu dò cho phép phát sóng âm truyền vào các cơ quan bên trong và thu nhận các sóng dội ngược lại, máy tính giúp chuyển đổi các sóng âm thành hình ảnh hiển thị lên màn hình.
- Siêu âm qua ngả bụng: Bạn nằm ngửa trên giường, bác sĩ sử dụng một lượng gel nhỏ để bôi trơn đầu dò và tránh khí giữa đầu dò và da của bạn, di chuyển nhẹ nhàng trên vùng bụng dưới để ghi nhận hình ảnh.
- Siêu âm qua đường đầu dò âm đạo: Bạn nằm ngửa trên giường, hai chân chống lên ở tư thế sản khoa. Đầu dò được bọc bằng bao cao su, sau đó đưa vào âm đạo (như lúc sử dụng tampon).
Trong quá trình siêu âm, bác sĩ có thể kết hợp siêu âm Doppler để đánh giá tưới máu trong các khối bất thường, đo tốc độ hay chiều dòng chảy, tìm kiếm sự tắc nghẽn hay chít hẹp của mạch máu. Bạn có thể nghe thấy âm thanh khi bác sĩ siêu âm Doppler do dòng chảy trong mạch máu tạo nên.
Nguy cơ
Khác với chụp Xquang có sử dụng tia X, siêu âm sử dụng sóng âm nên không gây hại cho sức khỏe
Siêu âm qua ngả bụng không gây đau, tuy nhiên bạn có thể cảm thấy một chút không thoải mái trong quá trình siêu âm đầu dò âm đạo khi đầu dò được đưa vào bên trong.
Kết thúc quá trình siêu âm
Bác sĩ siêu âm sẽ phân tích các đặc điểm hình ảnh và gửi kết quả cho bác sĩ tư vấn của bạn. Kết quả siêu âm sẽ cho biết tình trạng của các cơ quan vùng chậu (thường gặp là tử cung, buồng trứng), mạch máu hoặc thai.
Bác sĩ tư vấn sẽ giải thích cho bạn hiểu rõ về kết quả và tư vấn quá trình điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm kiểm tra các vấn đề phụ khoa để có thêm thông tin chẩn đoán như: nội soi cổ tử cung, các xét nghiệm dịch âm đạo..
Bài viết trên đây cung cấp cho bạn đọc các thông tin cơ bản về kỹ thuật siêu âm phụ khoa trong thăm khám và chẩn đoán bệnh. Nếu có các vấn đề thắc mắc về sức khỏe sinh sản, bạn có thể liên hệ với MEDLATEC chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn thêm.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!