Tin tức

Hiểu rõ về bệnh tăng tiểu cầu và cách điều trị

Ngày 20/01/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh tăng tiểu cầu là một rối loạn huyết học ít gặp nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh như tắc mạch máu, chảy máu bất thường,.... Bài viết bên dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh tăng tiểu cầu, nguy cơ và biện pháp điều trị.

1. Định nghĩa tiểu cầu và vai trò của tiểu cầu

Tiểu cầu là một trong những thành phần quan trọng của máu được tạo ra từ tủy xương cùng với hồng cầu và bạch cầu. 

Tiểu cầu đảm nhận vai trò chính trong quá trình cầm máu và tạo cục máu đông, giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu khi cơ thể bị tổn thương. Khi mạch máu bị rách hoặc chảy máu, tiểu cầu sẽ nhanh chóng tập hợp tại vị trí bị thương, liên kết với nhau và cùng các protein đông máu tạo thành cục máu đông để bịt kín vết thương. 

Ngoài ra, tiểu cầu còn tham gia vào việc sửa chữa mô tổn thương và hỗ trợ quá trình tái tạo mạch máu, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng sau chấn thương.

Tiểu cầu tham gia vào việc hình thành cục máu đông để cầm máu

Tiểu cầu tham gia vào việc hình thành cục máu đông để cầm máu

Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trong khoảng từ 150.000 đến 450.000 tiểu cầu/µL máu. Khi vượt quá ngưỡng này, hiện tượng tiểu cầu xảy ra, báo hiệu cơ thể đang gặp vấn đề.

2. Bệnh tăng tiểu cầu là gì, có nguy hiểm không?

Hiểu rõ về bệnh tiểu cầu là bước đầu tiên giúp bạn phòng ngừa và kiểm soát bệnh hiệu quả. 

2.1. Tình trạng tăng tiểu cầu là gì?

tiểu cầu là tình trạng cơ thể sản xuất tiểu cầu quá nhiều, vượt mức cần thiết. Dựa trên nguyên nhân, tiểu cầu tăng được phân thành hai loại chính:

  • Tăng tiểu cầu nguyên phát: Sự rối loạn trong tủy xương khiến tiểu cầu được sản xuất quá mức.
  • Tăng tiểu cầu thứ phát: Xuất hiện sau khi người bệnh mắc các bệnh lý khác như viêm nhiễm, ung thư, thiếu máu do thiếu sắt hoặc sau phẫu thuật.

Triệu chứng của tiểu cầu

Người mắc bệnh tăng tiểu cầu có thể xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Chảy máu bất ngờ, không rõ nguyên nhân ở mũi, lợi hoặc đường tiêu hóa.
  • Xuất hiện các vết bầm tím trên da mà không có bất cứ va chạm nào từ bên ngoài.
  • Đau đầu, chóng mặt, cảm giác mệt mỏi kéo dài.
  • Tê hoặc đau ở các chi.
  • Trong một số trường hợp, bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng của tiểu cầu tăng, chỉ phát hiện qua xét nghiệm máu định kỳ.

2.2. Mức độ nguy hiểm và biến chứng của tăng tiểu cầu

Nếu không được kiểm soát, tăng tiểu cầu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Tắc mạch vi mạch: Việc tắc nghẽn các mạch máu nhỏ ở các chi xa có thể dẫn đến hiện tượng đau và đỏ ở đầu chi. Tắc mạch máu ở mắt có thể gây ra đau nửa đầu vùng mắt. Tắc mạch máu ở hệ thần kinh trung ương có thể dẫn đến các thiếu máu não cục bộ, với biểu hiện điển hình là đau đầu.

Tăng tiểu cầu có thể dẫn đến tắc mạch máu ở hệ thần kinh trung ương dẫn đến đau đầu

Tăng tiểu cầu có thể dẫn đến tắc mạch máu ở hệ thần kinh trung ương dẫn đến đau đầu

  • Huyết khối mạch máu lớn: Có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, nhồi máu não, hoặc nhồi máu phổi.
  • Chảy máu: Nguyên nhân do sự thiếu hụt yếu tố von Willebrand, kết quả của việc tiểu cầu hấp thụ và phá vỡ protein này, dẫn đến rối loạn đông máu.

3. Cách điều trị bệnh tăng tiểu cầu

Phương pháp điều trị tăng tiểu cầu phụ thuộc vào tình trạng bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

3.1. Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Như aspirin liều thấp, giúp giảm tạo thành cục máu đông.
  • Thuốc giảm sản xuất tiểu cầu: Được chỉ định trong trường hợp tăng tiểu cầu nguyên phát hoặc khi nguy cơ biến chứng cao.
  • Thuốc điều trị bệnh nền: Nếu tiểu cầu tăng thứ phát, việc điều trị dứt điểm nguyên nhân gốc như nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Do đó bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bạn dùng thuốc điều trị nhiễm trùng.

3.2. Gạn tách tiểu cầu

Trong những trường hợp tăng tiểu cầu nặng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp lọc tiểu cầu để giảm nhanh số lượng tiểu cầu trong máu, tránh nguy cơ tắc mạch hoặc xuất huyết và các biến chứng nguy hiểm khác.

3.3. Thay đổi lối sống

Bên cạnh việc điều trị y tế, người bệnh cần có lối sống lành mạnh để hỗ trợ điều trị bệnh:

  • Về chế độ ăn uống: Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm chứa omega-3 như cá hồi, cá ngừ, hạt lanh để hỗ trợ sức khỏe tim mạch và tuần hoàn máu. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, chất béo bão hòa, và đồ ăn nhanh, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng máu.
  • Tập thể dục đều đặn: Thường xuyên luyện tập thể dục với các bài tập phù hợp như đi bộ, yoga, bơi lội hoặc đạp xe giúp tăng cường tuần hoàn máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Không sử dụng chất kích thích: Không hút thuốc lá, vì các hóa chất trong thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu và kích thích sản xuất tiểu cầu. Hạn chế uống rượu bia, vì chúng có thể làm mất cân bằng quá trình sản xuất tiểu cầu.
  • Tránh căng thẳng: Stress kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của tủy xương, dẫn đến tình trạng tăng sản xuất tiểu cầu. Việc duy trì giấc ngủ đủ và tinh thần thoải mái giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm tình trạng bệnh.

3.4. Theo dõi sức khỏe định kỳ

Người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ 2 lần một năm để theo dõi số lượng tiểu cầu, từ đó có phương pháp xử trí sớm nếu có bất thường xảy ra.

Người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ 2 lần một năm, đặc biệt là người có nguy cơ cao

Người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ 2 lần một năm, đặc biệt là người có nguy cơ cao

Tóm lại, bệnh tăng tiểu cầu dù ít gặp nhưng có thể gây ra những biến chứng đe dọa tính mạng. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và tuân thủ phác đồ điều trị sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng này.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh tăng tiểu cầu hoặc cần tư vấn chi tiết, hãy liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ