Tin tức
Soi phế quản là gì? Quy trình nội soi phế quản chi tiết
- 11/05/2023 | Cách chữa viêm phế quản không dùng kháng sinh
- 31/05/2023 | Trẻ bị viêm phế quản có nên nằm điều hòa không, làm sao để nhanh khỏi?
- 06/06/2023 | Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, những điều cha mẹ nên biết
1. Tổng quan về soi phế quản
Không phải ai cũng rõ soi phế quản là gì và thực hiện kỹ thuật này nhằm mục đích nào.
Soi phế quản là gì?
Soi phế quản là một kỹ thuật thăm dò chức năng được áp dụng nhiều hiện nay. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ, trên ống có gắn nguồn sáng và máy ghi hình. Ống được đưa vào mũi hoặc miệng người bệnh rồi từ từ di chuyển xuống cổ họng, đi qua thanh quản, khí quản, vào phế quản gốc và các tiểu phế quản.
Hình ảnh mà ống soi phế quản thu được sẽ phát trực tiếp trên màn hình màu. Thông qua đó, bác sĩ phát hiện được những bất thường tại các vị trí mà ống đi qua, từ đó có những chẩn đoán chính xác và đưa ra phương án điều trị hiệu quả.
Hiện nay, để nội soi phế quản, bác sĩ sẽ dùng ống cứng hoặc ống mềm. Nhưng thường thì ống mềm được sử dụng phổ biến hơn do có tính linh hoạt cao, dễ dàng “luồn lách” qua những đường dẫn khí nhỏ hay tiểu phế quản. Còn ống cứng chỉ được dùng trong những trường hợp soi đường dẫn khí lớn, kiểm tra đường thở trên hay với mục đích loại bỏ vật thể lạ, lấy mô bệnh, máu và dịch tiết đem đi xét nghiệm.
Hình ảnh mô phỏng kỹ thuật soi phế quản
Mục đích của nội soi phế quản
Mục đích chính của soi phế quản là phát hiện, chẩn đoán các bệnh lý về hô hấp. Theo đó, nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài 3 tuần không khỏi, ho ra máu, khó thở thường xuyên,… thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện kỹ thuật chẩn đoán này.
Bên cạnh đó, soi phế quản cũng giúp bác sĩ phát hiện được những dị vật tại đường hô hấp hay những bất thường tại phế quản, phổi khiến người bệnh cảm thấy khó thở, đau tức ngực, ho, khạc nhổ ra máu. Trường hợp phát hiện có dị vật hay khối u thì kỹ thuật soi phế quản sẽ giúp loại bỏ dị vật, lấy mô mẫu khối u và lấy máu cùng dịch tiết tại phế quản để phục vụ xét nghiệm,
2. Tìm hiểu quy trình nội soi phế quản
Bạn không cần quá lo lắng khi thực hiện soi phế quản vì quá trình này diễn ra khá nhanh, và bạn cũng có thể được gây tê trước khi thực hiện nội soi.
Trước khi soi phế quản
Trước khi soi phế quản, bạn cần làm các xét nghiệm cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, nhịn ăn tối thiểu 4 giờ trước khi nội soi, chỉ có thể uống nước nhưng nên uống trước khi nội soi 2 giờ. Đặc biệt, không được dùng bất kỳ loại thuốc nào, nhất là các thuốc gây loãng máu. Đồng thời, bạn cũng có thể sẽ ký những giấy tờ cam kết bắt buộc trước khi vào phòng nội soi.
Trước khi soi phế quản, cần nhịn ăn, chỉ được uống chút nước trước nội soi 2 giờ
Thực hiện nội soi phế quản
Bạn sẽ được nằm trên giường hoặc ở tư thế đầu cao và ngửa ra phía sau. Tiếp đến, bác sĩ xịt thuốc tê vào vùng mũi, miệng, họng, bạn có thể cảm thấy nồng, đắng, khó chịu nhưng đây là cảm giác bình thường, không cần quá lo.
Khi thuốc tê có tác dụng, bác sĩ tiến hành soi phế quản bằng cách đưa ống vào mũi hoặc miệng rồi từ từ di chuyển xuống phía dưới họng như đã nói ở trên. Trường hợp bạn cảm thấy khó chịu, đau và buồn nôn thì bác sĩ có thể xịt thêm thuốc tê.
Quá trình nội soi kéo dài khoảng 10 - 15 phút. Trong thời gian này, bạn chỉ nên thở bằng miệng và tuyệt đối im lặng, không nói chuyện hay cử động. Bác sĩ sẽ quan sát thật kỹ trên màn hình để hội chẩn bệnh. Trường hợp cần thiết có thể kết hợp lấy máu, dịch tiết hay mô bệnh trong đường hô hấp.
Sau khi nắm bắt được tình trạng bệnh và thực hiện xong những việc cần làm, bác sĩ kết thúc quá trình soi phế quản. Tuy nhiên, bạn có thể ở lại phòng khoảng 15 phút để đo HA, SPO2, thở O2.
Sau khi soi phế quản
Sau 15 phút theo dõi tại phòng nội soi, bạn được rời phòng và về phòng nghỉ ngơi trong 1 - 2 giờ trước khi ra về. Kết quả nội soi sẽ có sau 3 - 7 ngày. Trong ngày đầu sau nội soi, bạn có thể cảm thấy đau họng, khô họng, muốn ho nhiều hơn, mệt mỏi. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ nhanh chóng hết, bạn sẽ sớm trở về trạng thái bình thường.
Khô họng, đau họng và ho là bình thường sau khi mới nội soi phế quản
Nhưng trong trường hợp bạn khó thở, ho ra máu nhiều (hơn 30ml) và sốt cao trên 24 giờ sau khi soi phế quản thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để các bác sĩ có phương án xử lý kịp thời.
Cùng với đó là một vài lưu ý quan trọng khác mà bạn cần phải nhớ:
- Trong vòng 2 giờ sau nội soi, do thuốc tê còn tác dụng nên bạn không được ăn uống để tránh bị sặc. Chỉ có thể uống một chút nước để cơ thể giảm mệt mỏi.
- Trong vòng 8 giờ sau soi phế quản, không nên lái xe, vận hành máy móc hay làm những công việc đòi hỏi sự tập trung. Lúc này, thuốc tê vẫn còn có tác dụng nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc.
- Trong vòng 24 giờ sau nội soi, không hút thuốc lá hay tiếp xúc với khói thuốc lá để tránh làm niêm mạc đường hô hấp bị kích thích và gây tổn hại đến các cơ quan hô hấp.
- Sau 1 - 2 ngày nội soi, bạn có thể ho ra máu nâu - điều này là bình thường. Nhưng nếu ho ra máu tươi thì không được chủ quan, cần đến gặp bác sĩ.
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để lấy kết quả nội soi, sinh thiết (nếu có), đồng thời, được hướng dẫn phương án điều trị chi tiết.
Khách hàng nên tuân thủ lịch tái khám sau khi nội soi phế quản
Trên đây là những chia sẻ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp soi phế quản. Để được tư vấn kỹ hơn, hoặc có nhu cầu đặt lịch khám tại Chuyên khoa Hô hấp của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 ngay từ hôm nay.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!