Tin tức
Tác dụng của cây ngải và những lưu ý khi sử dụng
- 30/11/2023 | Cây ngải dại chữa bệnh gì?
- 01/01/2024 | Cây mắt mèo và những công dụng chữa bệnh ít người biết đến
- 29/08/2024 | Cây hoàn ngọc: Công dụng bất ngờ và lưu ý khi sử dụng
- 03/09/2024 | Cây đủng đỉnh: Dược liệu đa công năng cho sức khỏe
- 03/09/2024 | Cây rẻ quạt: Vị thuốc tốt ngay trong vườn nhà
1. Hiểu về cây ngải
Cây ngải còn có tên gọi khác là thuốc cứu, ngải diệp, cây thuốc cao. Đây là loài cây thuộc họ cúc và được sử dụng như một loại rau trong thực đơn hàng ngày. Tên tiếng anh của cây ngải là Wormwood, Mugwort. Tên nghiên cứu khoa học của cây ngải là Artemisia vulgaris.
Cây ngải là loài cây thân thảo, có nhiều rãnh nhỏ trên thân. Lá cây mọc so le nhau từ thân cây ra. Lá có màu xanh thẫm ở mặt trên, mặt dưới có màu trắng ngà. Chạm tay vào lá sẽ có cảm giác hơi ráp. Lá cây ngải khi vò nát sẽ có mùi hương thơm hơi hắc đặc trưng.
Các chuyên gia đã nghiên cứu và đưa ra kết luận, cây ngải có chứa khoảng 0,2 - 0,34% hàm lượng tinh dầu. Bên cạnh đó, nó còn có chứa những chất hỗ trợ tốt cho sức khỏe con người như axit amino, flavonoid, choline, adenin,…
Trong cây ngải cứu chứa những chất hỗ trợ tốt cho sức khỏe con người
2. Tác dụng chữa bệnh của cây ngải
Theo Đông y, cây ngải có vị đắng, tính ấm, có mùi thơm. Khi đi vào cơ thể sẽ đến các cơ quan như kinh tỳ, can, thận. Dưới đây là một số tác dụng của cây ngải mà bạn có thể xem tham khảo để hiểu thêm về loại cây này.
2.1. Điều hòa kinh nguyệt:
Với những chị em có chu kỳ kinh thất thường, rong kinh có thể thử sử dụng cây ngải theo cách: Dùng 10g cây ngải khô đun cùng 200ml nước. Đun cho tới khi lượng nước còn khoảng 100ml thì ngừng. Loại bỏ cặn để lấy nước uống. Uống nước ngải cứu khô trước kỳ kinh khoảng 1 tuần có tác dụng giảm đau bụng kinh, kinh nguyệt sẽ đều hơn.
2.2. Trị cảm:
Bởi cây ngải có tính ấm nên trong đông y chúng thường được sử dụng để chữa ho, giảm đờm, trị cảm thông thường đem lại hiệu quả cao.
Cách sử dụng là dùng 100g ngải cứu, 50gr sả, 100g lá húng chanh, 100gr lá tía tô và nửa lít nước để đun sôi. Sử dụng hỗn hợp nước này liên tục 5 ngày để trị ho, cảm, giảm hoa mắt, chóng mặt.
Sử dụng cây ngải cứu để trị bệnh cảm thông thường
2.3. Lưu thông máu:
Xây dựng thực đơn hàng ngày với cây ngải để giúp lưu thông máu giúp tốt hơn. Cây ngải khắc phục khá hiệu quả các triệu chứng choáng váng, đau đầu, hoa mắt. Bởi trong lá ngải có hoạt chất giúp làm thần kinh hưng phấn hơn và giảm các cơn đau đầu.
2.4. Phục hồi sức khỏe:
Từ xa xưa, gà hầm ngải cứu đã trở thành món ăn bổ dưỡng, giúp cơ thể phụ nữ mới sinh hoặc người bệnh nhanh chóng phục hồi.
Sử dụng 250g ngải cứu, 2 quả lê, 20g kỷ tử, 10g đương quy, 1 con gà ác có trọng lượng khoảng 350g. Đem tất cả hầm trong nửa lít nước, đun cho đến khi lượng nước còn khoảng 250ml. Chia phần đồ ăn đã nấu làm 5 phần và dùng ăn trong ngày.
2.5. Cầm máu và giảm đau:
Thời xa xưa, người dân đã biết sử dụng cây ngải như một phương thuốc để cầm máu tốt. Bởi trong cây ngải chứa một lượng lớn axit amin cùng một số chất khác có tác dụng cầm máu và giảm đau hiệu quả.
Dùng lá ngải tươi vò hoặc giã nát, thêm chút muối sau đó đắp trực tiếp lên vết thương đang chảy máu. Không chỉ giúp cầm máu, lá cây ngải tươi còn hỗ trợ người bị thương giảm đau và vết thương nhanh lành.
2.6. Hỗ trợ tiêu hóa:
Lá cây ngải có tác dụng giúp làm giảm co thắt ở ruột và dạ dày. Chúng thúc đẩy sự thèm ăn, kích thích tăng sinh tuyến nước bọt, các enzym tiêu hóa hoặc protein để trao đổi chất và giúp hệ tiêu hóa trở nên khỏe mạnh hơn.
2.7. Trị bệnh da liễu:
Đối với chị em phụ nữ đang gặp vấn đề với mụn trứng cá có thể sử dụng lá ngải giã nát, sau đó đắp chúng lên mặt trong khoảng 20 phút rồi rửa sạch lại mặt. Áp dụng liên tục giúp làn da lấy lại vẻ mịn màng và trắng hồng.
Đối với trẻ em bị ngứa hoặc rôm sảy thì dùng lá ngải vò nát, lọc lấy nước rồi hòa vào nước tắm cho trẻ. Nước tắm chứa lá ngải giúp các vết ngứa giảm và biến mất.
Cây ngải cứu còn có tác dụng trị mụn, làm đẹp da
3. Những lưu ý cần biết trước khi sử dụng cây ngải
Với việc sử dụng như một vị thuốc, cây ngải cần được sử dụng đúng liều lượng và đúng cách để việc điều trị bệnh, phục hồi sức khỏe được tốt nhất. Sau đây là 3 lưu ý về cách dụng cây ngải giúp bồi bổ hoặc chữa bệnh.
● Không kết hợp ngải cứu và nghệ khi chưa có chỉ định:
Đông y cho rằng ngải cứu có tính trừ hàn, làm ấm khí huyết, điều hòa kinh nguyệt và an thai. Nghệ có tính hoạt huyết dùng để loại bỏ ứ huyết, sinh cơ. Nếu kết hợp 2 vị thuốc này với nhau cần có liều lượng cụ thể và chỉ định sử dụng từ bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn nhằm giữ an toàn cho sức khỏe của bạn.
● Không dùng ngải cứu ở bệnh nhân viêm, xơ gan nặng:
Tinh dầu trong cây ngải sinh ra độc tính cho gan ở những bệnh nhân mắc suy gan nặng.
● Mang thai 3 tháng đầu không sử dụng ngải cứu:
Dù có khả năng giúp an thai nhưng trong giai đoạn 3 tháng đầu, mẹ bầu không nên sử dụng ngải cứu. Từ tháng thứ 4, nếu muốn sử dụng ngải cứu để bồi bổ sức khỏe thì cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Không nên sử dụng cây ngải cứu trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên
● Rối loạn ruột cấp tính không dùng ngải cứu vì rất có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn hấp thụ.
● Không nên sử dụng ngải cứu thường xuyên:
Vì có dược tính cao nên sử dụng ngải cứu quá thường xuyên sẽ gây tác dụng phụ, ví dụ như tình trạng ngộ độc chất Alpha - thujone gây kích thích não bộ quá mức.
Hy vọng thông qua bài viết trên bạn có thể hiểu thêm về tác dụng và có cách dùng cây ngải cứu sao phát huy được tác dụng chữa bệnh và bồi bổ cơ thể.
Nếu Quý khách cần được tư vấn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, có thể liên hệ ngay tổng đài 1900565656 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp và hỗ trợ đặt lịch khám ngay hôm nay.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!