Tin tức

Thường xuyên bị hạ đường huyết có phải bị tiểu đường không?

Ngày 21/04/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Hạ đường huyết xảy ra khi mức đường trong máu trở nên thấp hơn bình thường. Hiện tượng này là một trong những biểu hiện của bệnh đái tháo đường nhưng đây cũng có thể là cảnh báo của những vấn đề sức khỏe khác. Bài viết sau sẽ giải thích cho thắc mắc: hạ đường huyết có phải bị tiểu đường không và những lưu ý khi bạn thường xuyên gặp phải tình huống này.

1. Các triệu chứng khi bị hạ đường huyết

Khi hàm lượng đường trong máu ở mức quá thấp thì người bệnh sẽ có những dấu hiệu như sau:

  • Tim đập nhanh, nhịp tim không đều;

  • Da dẻ nhợt nhạt;

  • Mệt mỏi;

  • Chân tay run rẩy;

  • Đổ nhiều mồ hôi;

  • Lo lắng, bồn chồn;

  • Đau nhói hoặc bị tê ở lưỡi và môi;

  • Cáu gắt.

 

Hạ đường huyết thường khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi

Hạ đường huyết thường khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi

Nếu tình trạng này tiến sang giai đoạn nghiêm trọng hơn thì sẽ dẫn tới những triệu chứng như:

  • Co giật;

  • Rối loạn thị giác;

  • Mất ý thức;

  • Nhầm lẫn trong hành vi.

2. Các nguyên nhân gây hạ đường huyết 

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hạ đường huyết và hay gặp nhất là do tác dụng phụ của những thuốc dùng trong điều trị đái tháo đường. Dưới đây là một số lý do khiến bệnh nhân bị hạ đường huyết:

Người bệnh bị tiểu đường:

Tiểu đường khiến cho bệnh nhân không có khả năng tạo ra đủ lượng insulin (tiểu đường tuýp 1) hoặc ít đáp ứng với insulin (tiểu đường tuýp 2). Thiếu đi sự trợ giúp của insulin, glucose không thể đi vào tế bào và tích tụ nhiều trong máu, dần dần sẽ đạt tới một mức rất cao rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể bổ sung insulin hoặc những loại thuốc khác để khắc phục vấn đề này.

Tuy nhiên, nếu bổ sung quá liều insulin hay tác dụng phụ từ các thuốc điều trị tiểu đường khác cũng có thể làm sụt giảm quá mức lượng đường trong máu dẫn tới tình trạng hạ đường huyết. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể bắt gặp nếu bệnh nhân cắt giảm khẩu phần ăn ít hơn hoặc tập thể dục nhiều hơn so với bình thường.

Do không điều trị tiểu đường:

Nếu một người mắc bệnh đái tháo đường nhưng lại sợ việc hạ đường huyết sẽ xảy ra thường xuyên và gây nên các triệu chứng khó chịu, từ đó cắt giảm lượng insulin cần bổ sung thì sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát triệu chứng của bệnh tiểu đường. Do vậy bệnh nhân không được tự ý thay đổi liều lượng của đơn thuốc mà cần chia sẻ ngay với bác sĩ về vấn đề mà mình đang lo sợ trong khi dùng thuốc để tìm hướng khắc phục.

Hạ đường huyết sau khi ăn xong:

Nhiều người khi bị hạ đường huyết thường nghĩ ngay tới nguyên nhân là do bỏ bữa hoặc thiếu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Đôi lúc những biểu hiện của hạ đường huyết xuất hiện sau những bữa ăn nhiều đường do cơ thể tiết ra quá nhiều insulin để cân bằng lượng đường trong máu.

Đây là tình trạng hạ đường huyết phản ứng, thường gặp ở những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật cắt dạ dày hoặc cả ở những người chưa thực hiện phẫu thuật.

 

Hạ đường huyết có thể là do các nguyên nhân khác nhau

Hạ đường huyết có thể là do các nguyên nhân khác nhau

Nguyên nhân bị hạ đường huyết ở những người không bị tiểu đường:

  • Uống nhiều rượu: khi uống nhiều rượu nhưng lại không ăn sẽ ngăn cản gan giải phóng glucose được dự trữ vào trong máu, điều này sẽ khiến hạ đường huyết;

  • Sản xuất quá nhiều insulin: khi tuyến tụy có khối u sẽ sản sinh quá mức insulin làm hạ đường huyết;

  • Thuốc: một số loại thuốc có thể gây nên tác dụng không mong muốn là hạ đường huyết, nhất là ở những người suy thận hoặc trẻ em, ví dụ như thuốc Quinine dùng trong chữa bệnh sốt rét;

  • Thiếu hụt nội tiết tố: tuyến yên và một số loại tuyến thượng thận có thể là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt các loại hormon có nhiệm vụ điều chỉnh quá trình sản xuất glucose. Ở trẻ em, hiện tượng hạ đường huyết có thể xảy ra nếu trẻ thiếu hụt hormon tăng trưởng;

  • Mắc một số bệnh hiểm nghèo: bệnh về gan (xơ gan, viêm gan) làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu gây hạ đường huyết. Hay như bệnh rối loạn thận làm giảm hiệu quả của việc bài tiết thuốc, khi các chất có trong thuốc bị tích tụ lại trong cơ thể sẽ làm ảnh hưởng tới hàm lượng glucose.

Bị hạ đường huyết không nhận thức:

Khi các đợt hạ đường huyết tái diễn nhiều lần sẽ gây ra hiện tượng hạ đường huyết không thể nhận thức được. Lúc này não sẽ không còn tạo ra các dấu hiệu để cảnh báo rằng mức đường huyết đang thấp (nhịp tim không đều, chân tay run,...). Nếu hạ đường huyết ở mức nghiêm trọng mà không có bất kỳ phản ứng cảnh báo nào của cơ thể, người bệnh không hề hay biết điều này sẽ đe dọa trực tiếp tới tính mạng.

Trong trường hợp bệnh nhân bị đái tháo đường, các đợt hạ đường huyết tái phát và bị hạ đường huyết không nhận thức thì hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ để điều chỉnh các phương án điều trị và cung cấp các kiến thức về đường huyết.

3. Các cách giúp phòng tránh hạ đường huyết

Đối với bệnh nhân đái tháo đường:

  • Tuân thủ kế hoạch điều trị kiểm soát bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân đang sử dụng một loại thuốc mới hoặc có sự thay đổi trong chế độ ăn uống, tập luyện, vận động thì hãy thông báo ngay với bác sĩ để xem những thay đổi này có khả năng làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh cũng như nguy cơ dẫn tới hạ đường huyết hay không;

  • Trang bị một thiết bị y tế có chức năng theo dõi glucose. Thiết bị này khá cần thiết đối với bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là đối với những người bị hạ đường huyết không nhận thức được;

  • Trong trường hợp hạ quá mức lượng đường trong máu, máy theo dõi glucose sẽ gửi cảnh báo đến bệnh nhân. Hiện nay có những máy bơm insulin còn được tích hợp cùng với máy theo dõi glucose. Nếu đường huyết hạ quá nhanh thì máy sẽ ngừng cung cấp thêm insulin;

  • Khi gặp tình trạng hạ đường huyết, người bệnh cần bổ sung đường nhanh chóng bằng nước đường, nước trái cây hoặc ngậm kẹo để lượng đường trong máu không bị hạ thấp tới mức gây nguy hiểm đến tính mạng.

 

Người bệnh có thể ăn một chút kẹo nếu bị hạ đường huyết

Người bệnh có thể ăn một chút kẹo nếu bị hạ đường huyết

Đối với những người không bị bệnh tiểu đường:

Khi bị hạ đường huyết tái phát nhiều lần, bệnh nhân nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để duy trì lượng đường huyết ổn định.

Như vậy, hạ đường huyết có phải bị tiểu đường hay không thì câu trả lời là có hoặc không. Hiện tượng này có thể là do bệnh đái tháo đường gây ra hoặc là do tác dụng phụ của thuốc hoặc bắt nguồn từ những vấn đề khác.

Để được tư vấn kỹ hơn về tình trạng bệnh, bạn hãy liên hệ tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56. Tổng đài viên sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về dịch vụ thăm khám, xét nghiệm cũng như giúp bạn đặt lịch ngay với bác sĩ chuyên khoa tại MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.