Tin tức
Tìm hiểu về bệnh lý sỏi đường mật và biện pháp phòng ngừa
- 25/08/2022 | Mổ túi mật và những điều người bệnh cần nắm rõ
- 27/08/2022 | U túi mật: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
- 09/09/2022 | Tìm hiểu về tình trạng vỡ túi mật - vỡ túi mật có nguy hiểm không?
1. Bệnh lý sỏi đường mật được hình thành như thế nào?
Mật là một chất lỏng được sản xuất bởi gan và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa chất béo nhờ các axit mật. Ngoài ra, mật chứa các thành phần như cholesterol, bilirubin (một sắc tố mật sinh ra từ sự phân hủy hemoglobin trong hồng cầu), các chất điện giải,...
Sỏi đường mật là một loại sỏi nhỏ, hình thành bên trong túi mật, một túi nằm dưới gan, có vai trò lưu trữ mật do gan tiết ra. Kích thước và số lượng sỏi rất khác nhau, tùy trường hợp, từ một hạt cát đến một viên sỏi với đường kính vài cm, có thể với một số lượng lớn trong túi hoặc chỉ một số ít.
Sỏi đường mật là một loại sỏi được hình thành từ cholesterol và các sắc tố mật
Sỏi đường mật được hình thành từ cholesterol và các sắc tố mật. Chúng rất phổ biến vì theo các chuyên gia ước tính rằng, cứ 4 người sau 50 tuổi thì có một người mắc bệnh sỏi mật. Trong phần lớn các trường hợp, bệnh không được phát hiện, tuy nhiên, nếu sỏi mật di chuyển và gây kẹt trong đường mật, sẽ dẫn đến cơn đau dữ dội cho người bệnh cùng với các biến chứng nguy hiểm.
2. Khi nào người bệnh nhận thấy triệu chứng của sỏi đường mật?
Bạn có thể bị sỏi đường mật và không cảm nhận được những bất thường về sức khỏe. Cơn đau xảy ra khi một hoặc nhiều viên sỏi di chuyển từ túi mật vào ống dẫn mật và kẹt lại ở đó khiến mật tích tụ và túi mật sưng lên. Đó là một cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội ở bên phải dạ dày và có thể lan ra sau lưng.
Cơn đau sỏi mật xuất hiện đột ngột, dữ dội ở bên phải dạ dày và có thể lan ra sau lưng
Cơn đau này tồn tại trong 2 đến 4 giờ, thường xuất hiện sau một bữa ăn nhiều chất béo và đôi khi kèm theo triệu chứng buồn nôn và nôn. Nước tiểu của người bệnh sỏi đường mật có thể sẫm màu hơn. Khi sỏi mật làm tắc nghẽn vĩnh viễn ống dẫn mật, nhiễm trùng có thể xảy ra và gây sốt, đau bụng dữ dội nôn và vàng da.
Các biến chứng nguy hiểm của sỏi đường mật mà người bệnh có thể đối mặt
Nhiễm trùng túi mật (viêm túi mật cấp tính) hoặc ống mật chủ (viêm đường mật cấp tính) là những biến chứng luôn khiến bạn phải nhập viện vì chúng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra viêm tụy cấp cũng là một biến chứng của bệnh sỏi đường mật, khi một viên sỏi làm tắc ống tụy (ở ống tụy Vater).
3. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sỏi đường mật
Sỏi đường mật hình thành bởi sự bài tiết quá mức cholesterol trong mật, những khiếm khuyết trong quá trình bài tiết mật và sức co bóp của túi mật bị giảm. Tất cả những yếu tố này xuất hiện bởi các nguyên nhân sau:
Sự lão hóa theo tuổi tác khiến chức năng túi mật giảm
Sỏi đường mật phổ biến hơn ở những người lớn tuổi, sự phát triển của chúng có liên quan đến việc chức năng của túi mật bị giảm theo thời gian.
Giới tính nữ
Phụ nữ có nhiều khả năng bị sỏi đường mật hơn nam giới, đặc biệt là nếu họ đã có nhiều con. Thật vậy, khi mang thai, mật chứa nhiều cholesterol hơn và sức co bóp của túi mật giảm, điều này thúc đẩy sự hình thành sỏi.
Thừa cân
Sự xuất hiện của sỏi đường mật phổ biến hơn trong trường hợp: thừa cân, chế độ ăn nhiều calo, nhiều chất béo, ít chất xơ và tình trạng giảm cân rõ rệt và nhanh chóng.
Sự xuất hiện của sỏi phổ biến hơn ở những người thừa cân
Ngược lại, một chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo và nhiều chất xơ, không thừa cân và hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giảm nguy cơ hình thành sỏi đường mật.
Dùng một số loại thuốc
Các phương pháp điều trị bằng estrogen (ví dụ như thuốc tránh thai), cũng như một số loại thuốc điều trị tăng triglyceride máu (ví dụ như fibrat), cũng có thể dẫn đến hình thành sỏi đường mật.
Nguy cơ tăng lên ở những bệnh nhân mắc các bệnh đường ruột mãn tính như bệnh Crohn, bệnh xơ nang, bệnh tiểu đường. Ngoài ra, sỏi có thể hình thành trong trường hợp nhịn ăn kéo dài (ví dụ như chán ăn tâm thần) hoặc cho ăn nhân tạo trong vài tuần.
4. Chẩn đoán và phương án điều trị
Bác sĩ đưa ra chẩn đoán dựa trên khám lâm sàng và các triệu chứng của bệnh nhân. Ngoài ra, để kết luận chính xác diễn biến bệnh, siêu âm là phương pháp được sử dụng đầu tiên nhằm xác định vị trí của sỏi và đánh giá biến chứng có thể xảy ra.
Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ chỉ định thêm các kiểm tra như chụp cản quang đường mật, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng gan mật, tình trạng nhiễm trùng đường mật,...
Cắt bỏ túi mật không để lại hậu quả vì không có túi mật, mật vẫn thực hiện chức năng tiêu hóa của nó
Đối với sỏi đường mật trong gan thì phương án điều trị là lấy sỏi đường mật qua nội soi mật tụy ngược dòng ERCP hoặc mở ống mật chủ lấy sỏi khi người bệnh có triệu chứng nặng như đau nhiều hay sốt.
Đối với sỏi đường mật ngoài gan: Phương án điều trị là nội soi mật tụy ngược dòng ERCP, hoặc phẫu thuật mở ống mật chủ lấy sỏi (mổ hở hay mổ nội soi).
5. Biện pháp phòng ngừa
Béo phì làm tăng gấp đôi nguy cơ hình thành sỏi, vì vậy, cần áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để ngăn ngừa bệnh sỏi đường mật. Tránh các bữa ăn quá béo hoặc quá ít chất xơ, giảm tiêu thụ chất béo có nguồn gốc động vật (bơ, pho mát, thịt mỡ,...) và chất béo hydro hóa (hoặc axit béo chuyển hóa, có trong nhiều thực phẩm chế biến).
Ăn đúng giờ và không nên bỏ bữa vì nhịn ăn thúc đẩy sự trì trệ của mật (túi mật co bóp ít hơn) và hình thành sỏi đường mật.
Không nên thực hiện một chế độ ăn kiêng để giảm cân nhanh chóng, vì điều này làm tăng nguy cơ sỏi mật. Ngoài ra, sự xen kẽ giữa các giai đoạn giảm cân và giai đoạn tăng cân có thể gây ra sự hình thành sỏi. Nếu bạn cần giảm cân, hãy nhờ chuyên gia theo dõi và lựa chọn chế độ ăn kiêng giúp bạn giảm cân nhẹ nhàng.
Tập thể dục, hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi.
Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh sỏi đường mật, nếu bạn xuất hiện những triệu chứng được mô tả như trên, hãy đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để thăm khám, chẩn đoán chính xác bệnh và có hướng điều trị thích hợp. Hoặc bạn có thể liên hệ với số hotline sau: 1900 56 56 56 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn và giải đáp các thắc mắc.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!