Tin tức
Tìm hiểu về các loại tật khúc xạ mắt và phương pháp điều trị
- 24/05/2017 | Ngày 1-6: Miễn phí Khám Khúc xạ cho tất cả trẻ em
- 06/09/2022 | Tật khúc xạ là gì và ảnh hưởng thế nào đối với thị lực người bệnh?
- 20/07/2022 | Một số tật khúc xạ thường gặp ở trẻ và kinh nghiệm phòng ngừa
- 30/06/2023 | Tật khúc xạ mắt là gì? Nguyên nhân gây bệnh và cách chăm sóc mắt
1.
Tật khúc xạ mắt là gì?
Bình thường, khi ánh sáng đi vào mắt sẽ hội tụ ở võng mạc thông qua thủy tinh thể và giác mạc sau đó chuyển thành tín hiệu hình ảnh gửi tới não để con người có thể nhìn thấy. Nếu có sự bất thường về trục nhãn cầu, thủy tinh thể hay giác mạc thì tia sáng sẽ không khúc xạ lên võng mạc đúng cách, kết quả là thị lực giảm sút. Đây chính là tật khúc xạ mắt.
Tật khúc xạ mắt khiến thị lực của người bệnh bị giảm sút
2. Phân loại tật khúc xạ mắt
Tật khúc xạ mắt được chia thành 4 loại:
2.1. Cận thị
Mắt bị cận thị nhìn ở gần rõ hơn so với nhìn xa. Thông thường, độ dài của mắt của người bệnh lớn hơn so với bình thường (cận thị do trục) hoặc thủy tinh thể hay giác mạc bị cong (cận thị do khúc xạ).
Trong tật khúc xạ này, ánh sáng chiếu vào hội tụ thành một tiêu điểm nằm trước võng mạc. Để khắc phục, người bệnh thường phải đeo kính phân kì để kéo tiêu điểm về trên võng mạc và giúp mắt được phân kì.
2.2. Viễn thị
Khi bị viễn thị, mắt nhìn xa rõ hơn so với nhìn gần. Mắt thường có độ dài ngắn hơn (viễn thị do trục) hoặc thủy tinh thể hay giác mạc bị dẹt (viễn thị do khúc xạ).
Đối với tật khúc xạ viễn thị, tia sáng hội tụ ở sau võng mạc. Để khắc phục, người bệnh thường đeo kính hội tụ để đưa tia sáng về trước, nằm phía trên võng mạc.
2.3. Loạn thị
Mắt bình thường và mắt bị cận thị hay viễn thị đều có khúc xạ cầu với bề mặt như quả bóng tròn với các kinh tuyến có độ cong bằng nhau. Điều này giúp cho công suất khúc xạ ở các hướng luôn bằng nhau.
Tuy nhiên, với bệnh loạn thị, khúc xạ cầu lại có bề mặt như quả trứng nên độ cong của các kinh tuyến không đều, kết quả là công suất khúc xạ khác nhau. Người bệnh sẽ có 2 kinh tuyến vuông góc với nhau, trong đó một kinh tuyến dẹt hơn và một kinh tuyến vồng hơn. Kết quả là mắt nhìn thấy hình ảnh mờ nhòe và méo mó.
Bên cạnh đó, mắt bị loạn thị thì tia sáng vào mắt không hội tụ thành tiêu điểm mà lại thành tiêu tuyến. Trong đó, một tiêu tuyến dọc do kinh tuyến ngang vồng hơn tạo thành và tiêu tuyến ngang do kinh tuyến dọc dẹt hơn tạo thành.
Vị trí của hai tiêu tuyến này có thể một nằm ở sau võng mạc, một nằm ở trước võng mạc hoặc một loại nằm trên võng mạc còn một loại nằm sau hoặc trước võng mạc. Tùy theo vị trí nằm của tiêu tuyến mà tật khúc xạ này được chia thành: loạn thị hỗn hợp và loạn thị đơn.
Người bị loạn thị nhìn thấy hình ảnh méo và mờ
2.4. Lão thị
Lão thị là tình trạng gia tăng độ cứng thể thủy tinh theo độ tuổi. Quá trình điều tiết của mắt khiến cho thể thủy tinh phồng lên hoặc dẹt xuống. Theo thời gian, quá trình này khiến cho độ cứng của thể thủy tinh tăng lên. Lúc ấy, khả năng điều tiết của mắt khi nhìn gần giảm nên phải đeo kính hội tụ để vật được nhìn rõ hơn.
3. Chẩn đoán và điều trị tật khúc xạ mắt như thế nào?
3.1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán xác định một người bị tật khúc xạ mắt, bác sĩ thường dựa trên các phương pháp sau:
- Khám mắt bằng bảng thị lực
Người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn đứng ở khoảng cách phù hợp và nhìn vào bảng thị lực sau đó bác sĩ chỉ chữ số, ký tự trên bảng cho người bệnh đọc để kiểm tra khả năng nhìn.
Nếu kết quả kiểm tra mắt qua bảng thị lực < 20/80, bác sĩ sẽ cho người bệnh thử kính lỗ sau đó hỏi về cảm giác khi đeo kính của người bệnh: mờ hay rõ, chóng mặt hay không, đau nhức mắt hay không,... Từ quá trình thử kính lỗ bác sĩ sẽ tìm ra độ khúc xạ phù hợp với mắt của người bệnh.
- Khám mắt bằng máy khúc xạ tự động
Người bệnh sẽ được ngồi vào máy đo khúc xạ để bác sĩ kiểm tra xem có mắc tật khúc xạ không. Căn cứ trên các chỉ số đo được từ máy, bác sĩ sẽ chẩn đoán về tình trạng mắt của người bệnh.
- Soi bóng đồng tử
Nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành soi bóng đồng tử bằng cách dùng kính hiển vi để chiếu ánh sáng vào mắt của người bệnh và đánh giá khúc xạ mắt.
Soi bóng đồng tử - một trong các phương pháp chẩn đoán tật khúc xạ mắt
3.2. Điều trị
Các phương pháp điều trị tật khúc xạ sẽ được bác sĩ đưa ra dựa trên kết quả của quá trình chẩn đoán mức độ tật khúc xạ mắc phải và độ tuổi của bệnh nhân.
3.1. Đeo kính
Đây là phương pháp phổ biến nhất, có tính hiệu quả và an toàn cao, chi phí điều trị thấp. Tùy vào tật khúc xạ mà bệnh nhân mắc phải bác sĩ sẽ đo kính phù hợp để bệnh nhân sử dụng.
3.2. Chỉnh hình giác mạc
Người bị tật khúc xạ mắt sẽ được đeo kính áp tròng Ortho-K vào ban đêm để điều chỉnh hình dạng giác mạc. Việc đeo kính sẽ giúp cho ánh sáng được hội tụ chính xác trên võng mạc, nhờ đó mà mắt nhìn được rõ nét.
Đeo kính Ortho-K chỉnh hình giác mạc không khiến bộ phận này bị tổn thương mà sẽ giúp thị lực được cải thiện, người bệnh không cần tiếp xúc với kính cả ngày, không cần đeo kính. Đây là phương pháp điều trị phù hợp với mọi độ tuổi, đặc biệt là những người có tính chất công việc đòi hỏi không đeo kính.
3.3. Phẫu thuật mắt bằng laser
Mục đích của phẫu thuật nhằm định hình lại giác mạc vĩnh viễn, khiến cho công suất khúc xạ được điều chỉnh để ánh sáng được hội tụ đúng trên võng mạc. Phương pháp phẫu thuật mắt bị tật khúc xạ đang được áp dụng phổ biến hiện nay là phẫu thuật Lasik và PRK.
Để tránh gặp phải rủi ro trong quá trình phẫu thuật mắt bị tật khúc xạ, người bệnh cần chọn địa chỉ y tế chuyên khoa uy tín với máy móc hiện đại và bác sĩ có tay nghề giỏi.
Khám mắt định kỳ giúp mỗi cá nhân phát hiện sớm tật khúc xạ mắt và có phương pháp điều trị hiệu quả ngay từ đầu. Quý khách hàng cần khám mắt hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hướng dẫn cách thức đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!