Tin tức

Trầm cảm sau sinh - Bệnh tâm lý chớ nên coi thường của các mẹ bỉm

Ngày 15/02/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Trầm cảm sau sinh xảy ra ngày càng nhiều và là tình trạng đáng báo động hiện nay. Phụ nữ sau sinh có thể bị trầm cảm do rất nhiều nguyên nhân như tâm lý mệt mỏi, sức khỏe giảm sút, sự thiếu hụt về vật chất, tình cảm, sự thay đổi về hormone, tiền sử bị trầm cảm,…Vậy cách điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào? 

1. Thông tin bạn cần biết về bệnh trầm cảm sau sinh

Thời gian vừa qua đã có những vụ việc bà mẹ sau sinh bị trầm cảm dẫn đến tự hủy hoại bản thân hoặc ôm con tự tử. Một con số đáng báo động là có khoảng 10-20% các bà mẹ bị rối loạn cảm xúc, tâm lý sau khi sinh, nhất là phụ nữ mới sinh trong vòng một năm đầu. 

Đây là một bệnh về tâm lý. Theo đó cảm xúc, tâm lý và hành vi của người phụ nữ bị thay đổi. Họ thường có tâm lý buồn chán, lo lắng, mệt mỏi, chán nản về mọi thứ xung quanh. Bệnh nhân có thể ở mức độ nhẹ hoặc nặng, đôi khi bệnh chỉ thoảng qua và tự khỏi. Nhưng cũng có thể bệnh nặng, cần được can thiệp điều trị nếu không sẽ để lại những hệ lụy đau lòng.

Bệnh trầm cảm sau sinh xảy ra với nhiều phụ nữ sau khi sinh con

Bệnh trầm cảm sau sinh xảy ra với nhiều phụ nữ sau khi sinh con

2. Biểu hiện của phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh

  • Luôn có tâm trạng buồn, trống rỗng, tuyệt vọng.

  • Thường xuyên khóc không có lý do.

  • Tâm trạng lo lắng, sợ hãi, bồn chồn.

  • Mất tập trung vào mọi việc và không thể đưa ra quyết định sáng suốt.

  • Mất ngủ, ngủ không say, nhưng cũng có thể là ngủ nhiều quá mức.

  • Không hứng thú với điều gì, không quan tâm, không muốn chăm sóc bản thân.

  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều.

  • Thường xuyên giận dữ vô cớ.

  • Xa lánh mọi người xung quanh, ngay cả với con.

  • Có ý nghĩ làm hại con và hại bản thân.

Người mẹ bị trầm cảm gặp nhiều rối loạn về cảm xúc, hành vi

Người mẹ bị trầm cảm gặp nhiều rối loạn về cảm xúc, hành vi

3. Hậu quả bệnh trầm cảm sau sinh

Nhiều người vẫn chủ quan và có những quan niệm không đúng về trầm cảm sau sinh. Họ nghĩ rằng đó chỉ là những cảm xúc tâm lý bất thường trong một thời gian ngắn rồi chúng sẽ qua đi. Vì thế nhiều gia đình có người thân bị trầm cảm nhưng không được quan tâm điều trị. Thực tế, bệnh trầm cảm nói chung và trầm cảm ở phụ nữ sau sinh nguy hiểm hơn những gì chúng ta nghĩ. 

  • Cơ thể người mẹ luôn mệt mỏi, không có sức sống nên tác động xấu đến việc chăm sóc con cái.

  • Người mẹ trầm cảm nặng thường nghĩ đến cái chết. Do đó nguy cơ tự tử cao để giải thoát cho bản thân.

  • Không thương yêu con và nghĩ rằng đứa con chính là nguyên nhân của mọi buồn bã, khó khăn. Vì thế họ có nguy cơ sát hại con mình.

  • Bệnh có thể trở thành mạn tính nếu không được điều trị sớm.

  • Em bé có mẹ bị bệnh phải đối mặt với các nguy cơ: ngôn ngữ và vận động chậm phát triển, giao tiếp kém, dễ bị kích động, bị hạn chế trong việc thích nghi với xung quanh,…

Trầm cảm sau sinh để lại hậu quả không tốt cho cả mẹ và bé

Trầm cảm sau sinh để lại hậu quả không tốt cho cả mẹ và bé

4.  Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh như thế nào?

Cũng như rất nhiều bệnh khác, bệnh trầm cảm sau sinh có thể chữa khỏi nếu được điều trị sớm với phương pháp phù hợp, đơn cử như:

4.1. Điều trị bằng tham vấn tâm lý

Phương pháp này thường được áp dụng với người bệnh ở mức độ nhẹ. Người bệnh cần được đưa đến gặp bác sĩ tâm lý. Sau khi trò chuyện, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân dần dần thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực. Đồng thời giúp thay đổi nhận thức của mọi người xung quanh để họ hiểu và hỗ trợ bệnh nhân tốt nhất.

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh cần được tham vấn từ bác sĩ tâm lý

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh cần được tham vấn từ bác sĩ tâm lý

4.2. Điều trị bằng thuốc

Người mẹ bị trầm cảm sau sinh cần báo cho bác sĩ biết về các biểu hiện của bệnh. Từ đó bác sĩ sẽ chẩn đoán và kê thuốc chống trầm cảm phù hợp cho bệnh nhân. Tuy nhiên việc dùng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để có kết quả tốt nhất.

4.3. Sự hỗ trợ của người thân, bạn bè

Người thân, bạn bè có vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh. Cần luôn ở bên cạnh động viên, giúp đỡ người mẹ sau sinh. Chia sẻ và đồng cảm với họ. Động viên họ tới gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần, bác sĩ để được điều trị kịp thời. Bởi nếu không có sự quan tâm đúng đắn từ người thân, bạn bè, người phụ nữ có thể sẽ bị bệnh trầm trọng hơn mà bản thân họ không nhận ra.

Người mẹ bị trầm cảm không thể thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ người thân, bạn bè

Người mẹ bị trầm cảm không thể thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ người thân, bạn bè

4.4. Sự cố gắng của bản thân người bệnh

Cùng với các phương pháp điều trị như trên, người mẹ bị trầm cảm cần phải kiên nhẫn để cải thiện bệnh. Đừng lo lắng vì các biểu hiện như mệt mỏi, đau nhức,….là trạng thái mà hầu hết phụ nữ sau sinh đều trải qua. Những cảm giác này sẽ qua đi. Người mẹ hãy cố gắng thả lỏng, thư giãn, lắng nghe cơ thể và chăm sóc bản thân nhiều hơn.

Sự kết hợp các liệu pháp từ bác sĩ chuyên khoa, sự giúp đỡ từ bạn bè người thân, sự cố gắng của bản thân sẽ giúp người mẹ sau sinh nhanh chóng vượt qua được bệnh trầm cảm.

5. Những cách phòng tránh trầm cảm sau sinh mà mẹ bỉm và gia đình nên biết

Bệnh trầm cảm sau sinh không ngoại trừ bất cứ ai. Tuy nhiên nguy cơ cao hơn xảy ra ở những người mẹ có tiền sử rối loạn tâm lý. Bởi vậy trước và sau khi sinh, phụ nữ cần tìm hiểu về bệnh này và có kế hoạch phòng ngừa bệnh. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây:

  • Khám sàng lọc trước sinh. Trong thời gian mang bầu nên định kỳ khám sức khỏe tổng quát. Từ đó giúp phát hiện bệnh trầm cảm từ sớm.

  • Có lối sống lành mạnh kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai.

  • Tham gia các lớp tiền sản sẽ rất tốt cho mẹ bầu để được trang bị những kiến thức quan trọng trong quá trình mang thai, sinh nở, cách chăm sóc bé,…Từ đó người mẹ sẽ không bị áp lực và bỡ ngỡ sau khi sinh.

  • Không tạo áp lực quá nhiều cho bản thân, đừng đặt mục tiêu mọi thứ phải hoàn hảo, nhất là trong việc chăm con. Hãy cố gắng làm tốt nhất những gì bản thân có thể làm.

  • Dành thời gian để nghỉ ngơi, kết nối với người thân, bạn bè để ngăn ngừa rối loạn cảm xúc. Không nên cô lập bản thân.

  • Yêu cầu người thân giúp đỡ để cùng chăm sóc em bé. Từ đó người mẹ sẽ có thời gian ngủ, nghỉ và tâm lý thoải mái hơn.

Cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa trầm cảm sau sinh

Cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa trầm cảm sau sinh

Trên đây là một số kiến thức về bệnh trầm cảm sau sinh cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh. Bệnh nguy hiểm nhưng có thể điều trị khỏi nếu có sự quan tâm kịp thời và đúng đắn. Trong đó sự quan tâm của gia đình là vô cùng quan trọng để giúp người mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi sinh. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.