Tin tức
Tràn dịch màng tinh hoàn: Đối tượng, triệu chứng và phương pháp điều trị
- 11/07/2022 | Những điều cần biết về tràn dịch tinh hoàn ở trẻ sơ sinh
- 09/11/2024 | Tinh hoàn bên cao bên thấp có bị làm sao không và biện pháp khắc phục
- 13/11/2024 | Tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em nguyên nhân do đâu?
- 21/11/2024 | Tìm hiểu về các cách chữa tinh hoàn bên to bên nhỏ ở trẻ sơ sinh
- 28/11/2024 | Sa tinh hoàn và giải pháp cho “cánh mày râu”
1. Tràn dịch màng tinh hoàn là gì?
Tràn dịch màng tinh hoàn xảy ra khi giữa các lớp màng bọc xung quanh tinh hoàn bị tụ dịch. Đây là một vấn đề thường gặp ở nam giới, đặc biệt là trẻ sơ sinh và người trưởng thành.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể khác nhau tùy thuộc nhiều yếu tố bao gồm độ tuổi và tình trạng sức khỏe, cụ thể:
Ở trẻ sơ sinh
Ống phúc tinh mạc không đóng kín: Trong quá trình phát triển bào thai, ống phúc tinh mạc giúp tinh hoàn di chuyển từ bụng xuống bìu. Dịch từ khoang bụng có thể chảy vào bìu, gây tràn dịch trong trường hợp ống phúc tinh mạc không đóng hoàn toàn sau sinh. Đây là nguyên nhân thường gặp và thường tự khỏi trong vòng 1-2 năm đầu đời.
Tràn dịch màng tinh hoàn có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi
Ở trẻ em và người trưởng thành
- Chấn thương hoặc viêm nhiễm (viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn);
- Nhiễm ký sinh trùng (như giun chỉ);
- Các bệnh lý khác, ví dụ như ung thư tinh hoàn hoặc bệnh lý liên quan đến hệ bạch huyết.
Tuy nhiên, một số trường hợp tràn dịch màng tinh hoạt có thể không rõ nguyên nhân.
Khi bị tràn dịch màng tinh hoàn, người bệnh có thể gặp phải một số những triệu chứng sau:
- Sưng bìu: Bìu sưng to, căng bóng, có thể không đau nhưng gây khó khăn khi đi lại hoặc quan hệ tình dục. Khi chiếu đèn vào, ánh sáng có thể xuyên qua;
- Tinh hoàn sưng đau: Tinh hoàn có thể sưng và đau, có thể đau âm ỉ hoặc quặn từng cơn;
- Viêm mào tinh hoàn/viêm tinh hoàn: Sưng đau mạnh kèm theo viêm nhiễm;
- Tràn dịch ít: Nếu dịch ít, khó phát hiện bằng triệu chứng, cần siêu âm để chẩn đoán;
- Dịch mủ: Tình trạng này do vi khuẩn gây ra cảnh báo viêm tinh hoàn cấp tính;
- Dịch dưỡng chấp: Thường do bệnh giun chỉ, kèm theo đái dưỡng chấp và phù chân voi;
- Dịch vàng chanh: Thường liên quan đến các bệnh toàn thân như ung thư hoặc bị bệnh lao.
2. Biến chứng tràn dịch màng tinh hoàn
Tràn dịch màng tinh hoàn thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, cụ thể như sau:
Khả năng sinh sản bị ảnh hưởng
Tràn dịch màng tinh hoàn, nếu kéo dài, có thể gây tác động nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của nam giới. Khi tinh hoàn bị ngập trong một túi nước, các cấu trúc quan trọng như ống dẫn tinh, mào tinh hoàn và chính tinh hoàn bị ức chế hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng đình trệ trong quá trình sản xuất tinh trùng, làm giảm cả số lượng và chất lượng tinh trùng, từ đó gây khó khăn cho khả năng thụ thai. Nam giới có thể phải đối mặt với nguy cơ hiếm muộn, thậm chí vô sinh nếu chậm trễ trong điều trị.
Bên cạnh đó, khi dịch màng tinh hoàn tích tụ quá nhiều, tinh hoàn có thể bị kéo xuống, gây áp lực lên các mạch máu và mô tinh hoàn trong quá trình tuần hoàn máu. Áp lực này làm cản trở lưu thông máu và ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng, dẫn đến sự suy giảm chức năng sinh sản.
Khả năng sinh sản ở nam giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng tràn dịch tinh hoàn
Hoạt động quan hệ tình dục không được thuận lợi
Tràn dịch màng tinh hoàn cũng có thể gây ra cảm giác khó chịu trong quan hệ tình dục. Khi lượng dịch tích tụ quá nhiều, nó có thể kéo căng da bìu, gây đau đớn trong quá trình quan hệ, làm giảm hứng thú tình dục và ảnh hưởng xấu đến tâm lý của cả người bệnh lẫn bạn tình.
3. Tràn dịch màng tinh hoàn: Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán tràn dịch màng tinh hoàn
Thăm khám lâm sàng
Thông qua thăm khám lâm sàng bác sĩ sẽ đánh giá được sơ bộ tình trạng của bệnh nhân, bằng việc thực hiện các bước sau:
- Đánh giá mức tràn dịch của màng tinh hoàn;
- Đánh giá tình trạng đau do tràn dịch màng tinh hoàn gây ra;
- Quan sát dịch quanh tinh hoàn bằng phương pháp chiếu sáng qua bìu;
- Kiểm tra thoát vị bẹn qua thăm khám bìu và thành bụng;
Chẩn đoán cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Tìm dấu hiệu viêm, nguyên nhân gây tràn dịch;
- Siêu âm tinh hoàn: Được thực hiện với mục đích phát hiện khối u hoặc thoát vị bẹn;
- Chọc hút dịch: Lấy dịch để xét nghiệm tìm nguyên nhân như nhiễm trùng, lao, ung thư nếu dịch nhiều.
Điều trị tràn dịch màng tinh hoàn
Sử dụng thuốc
Tùy vào nguyên nhân gây tràn dịch, các loại thuốc phù hợp sẽ được chỉ định, bao gồm:
- Kháng sinh để điều trị nhiễm trùng;
- Corticoid và thuốc chống viêm để giảm viêm và sưng;
- Thuốc giảm phù nề giúp giảm sự tích tụ dịch.
Trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc điều trị tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn
Biện pháp phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định khi lượng dịch tràn quá nhiều và gây khó chịu cho bệnh nhân. Một đường nhỏ ở vùng bụng dưới hoặc trên bìu được rạch ra để dẫn lưu dịch ra ngoài. Tuy nhiên, tình trạng tràn dịch có thể tái phát sau phẫu thuật.
Dẫn lưu dịch
Dẫn lưu dịch bằng kim nhỏ là biện pháp giảm lượng dịch trong màng tinh hoàn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ điều trị triệu chứng, tình trạng tràn dịch có thể tái phát.
Liệu pháp xơ hóa
Sau khi dẫn lưu dịch, bệnh nhân có thể được tiêm chất làm xơ vào màng tinh hoàn nhằm ngăn ngừa tình trạng tràn dịch tái phát. Đây là phương pháp hỗ trợ hiệu quả để giảm nguy cơ tái phát.
Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng đối với sức khỏe cũng như biến chứng nguy hiểm do tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn gây ra, người bệnh cần chủ động thăm khám khi có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mọi thắc mắc cần giải đáp liên quan đến tình trạng này hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, người dân hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!