Tin tức
Trật khớp vai tái diễn: Nên và không nên làm gì?
- 02/12/2024 | Trật khớp cổ chân nguyên nhân do đâu? Điều trị bằng cách nào?
- 09/12/2024 | Tìm hiểu các kỹ thuật nắn trật khớp vai hiệu quả
- 12/02/2025 | Trật khớp vai khi ngủ: Các biện pháp xử trí mang lại hiệu quả cao
1. Trật khớp vai tái diễn là gì?
Đúng như tên gọi, trật khớp vai tái diễn là tình trạng trật khớp vai tái phát trở lại sau lần trật khớp vai đầu tiên. Tần suất tái phát này có thể chỉ một hoặc vài lần, những cũng có khi lặp đi lặp lại liên tục và trở thành mạn tính.
Trật khớp vai tái diễn còn được gọi là trật khớp vai tái phát hay trật khớp vai tái hồi. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do ở lần trật khớp vai trước đó, hệ thống các mô mềm bao gồm gân, sụn và dây chằng bị tổn thương và suy yếu, làm giảm chức năng giữ khớp. Hệ quả là khớp vai luôn trong tình trạng lỏng lẻo, chỉ một tác nhân nhỏ cũng đủ làm trật khớp.
Khớp vai bị trật tái đi tái lại gọi là trật khớp vai tái diễn
2. Trật khớp vai tái phát có nguy hiểm?
Theo các bác sĩ xương khớp, trật khớp vai tái diễn được đánh giá là nguy hiểm bởi các lý do sau.
Càng trẻ tuổi càng dễ bị
Những người trẻ tuổi - sau lần trật khớp vai đầu tiên có khả năng cao bị trật khớp vai tái phát sau đó. Nguyên nhân là do người trẻ phải lao động, làm việc nhiều, bao gồm cả công việc nặng nhọc. Ngoài làm việc, người trẻ còn tham gia vào nhiều hoạt động khác như chơi thể thao, rèn luyện thể chất,… Lúc này, khớp vai phải hoạt động nhiều và dễ gặp phải chấn thương, dẫn đến trật khớp.
Trật khớp vai tái diễn ở người trẻ khiến họ đối mặt với nhiều vấn đề như sức vận động kém, giảm khả năng làm việc, mất cơ hội nghề nghiệp, phụ thuộc vào người khác, suy giảm chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, ở độ tuổi dưới 40, họ là lực lượng lao động chính của gia đình và xã hội. Cảm giác mang bệnh trong người sẽ khiến họ mặc cảm, tự ti và trở thành gánh nặng cho người thân.
Nhiều rủi ro, biến chứng
Không chỉ khiến khớp vai lỏng lẻo và suy yếu, trật khớp vai tái hồi còn dẫn đến các biến chứng nặng nề như thoái hóa khớp vai, giảm chức năng vai, biến dạng xương vai, yếu và teo cơ. Ngoại hình của người bệnh sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Cùng với đó là những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và rủi ro về sức khỏe do khớp vai “nghỉ hưu sớm”.
Trật khớp vai tái phát thường xảy ra ở người trẻ với nhiều biến chứng
3. Nên và không nên làm gì khi bị trật khớp vai tái diễn?
Có thể thấy, trật khớp vai tái đi tái lại tiềm ẩn nhiều biến chứng. Để hạn chế tối đa các biến chứng này, bạn cần chú ý những vấn đề sau.
Điều làm khi bị trật khớp vai
Ngay khi xuất hiện cảm giác đau nhức và khó cử động ở vai do trật khớp vai, hãy cố gắng giữ nguyên tư thế hiện tại. Không nên xoay chuyển hay vặn khớp vai vì việc này sẽ khiến bạn đau hơn, khớp vai bị lệch nghiêm trọng hơn.
Đối với kỹ thuật nắn khớp vai, bạn hoặc người thân chỉ được thực hiện khi nắm rõ quy trình các bước. Ví dụ, ở lần trật khớp vai trước, bạn và người thân được bác sĩ hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện và khi nào thì áp dụng được.
Trường hợp không nắm rõ kỹ thuật, tốt nhất là nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Can thiệp sớm sẽ giúp bạn tránh được những cơn co thắt cơ cùng nhiều biến chứng khác. Trong và sau khi điều trị, luôn tuân thủ các chỉ định của bác sĩ và chú ý tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu (nếu có).
Nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng trật khớp vai
Những điều cần tránh khi bị trật khớp vai
Như đã chia sẻ, ngay sau khi xuất hiện triệu chứng trật khớp vai, bạn không được cử động vai và cánh tay để tránh các tổn thương nghiêm trọng hơn. Đồng thời, không được bỏ qua bất kỳ triệu chứng nào vì bỏ sót triệu chứng sẽ khiến việc điều trị không hiệu quả, dẫn đến nhiều biến chứng về sau.
Tuyệt đối không vận động mạnh trong khi trật khớp vai. Kể cả khi đang và sau điều trị, vận động mạnh hay chơi thể thao cũng là việc cần tránh. Bạn chỉ được thực hiện những việc này khi có sự cho phép của bác sĩ điều trị.
Đối với những cơn đau nhức do trật khớp vai gây ra, không nên áp dụng các biện pháp dân gian như xoa rượu, thoa mật gấu,… Những cách này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh và mạch máu.
4. Điều trị và phòng ngừa trật khớp vai tái diễn
Đối với trật khớp vai tái diễn, bác sĩ thường chỉ định chụp X-quang hoặc MRI để xác định mức độ tổn thương. Trường hợp nhẹ, bác sĩ thực hiện nắn khớp và cho dùng thuốc (giảm đau, kháng viêm). Trường hợp nặng, bạn có thể phải phẫu thuật (mổ mở hoặc nội soi). Sau các phương pháp điều trị này, bạn sẽ được hướng dẫn tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để tăng cường khả năng vận động của khớp vai.
Bác sĩ có thể chỉ định thêm các thăm dò để chẩn đoán trật khớp vai tái hồi
Trong sinh hoạt hàng ngày, để phòng tránh trật khớp vai tái phát, bạn cần lưu ý:
- Để khớp vai nghỉ ngơi (bất động khớp vai) theo thời gian bác sĩ chỉ định.
- Tập phục hồi chức năng theo đúng phác đồ điều trị.
- Theo dõi khả năng vận động của khớp vai để có những bài tập phù hợp.
- Chỉ được chơi thể thao hay rèn luyện thể chất khi có sự cho phép của bác sĩ.
- Chọn những bộ môn phù hợp với tình trạng sức khỏe và khả năng vận động.
- Luôn khởi động kỹ càng, đặc biệt là khởi động khớp vai trước khi bắt đầu.
- Chọn trang phục, thiết bị bảo hộ phù hợp với từng bộ môn.
- Nghỉ giải lao giữa giờ tập để khớp vai có thời gian phục hồi.
- Không vận động hay tập luyện quá sức. Nếu cảm thấy mệt, hãy dừng tập.
- Tránh làm việc, khuân vác đồ nặng và các hoạt động làm tăng áp lực lên vai.
- Đến gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện những bất thường ở khớp vai.
Chuyên khoa Cơ Xương khớp của Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ khám và điều trị trật khớp vai tái diễn uy tín, chất lượng. Nếu có bất thường tại khớp vai hoặc các khớp khác, quý khách hàng có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để đặt lịch thăm khám, điều trị với bác sĩ chuyên khoa.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
