Các tin tức tại MEDlatec

Bác sĩ giải đáp: Viêm ruột thừa có cần mổ hay không?

Ngày 10/04/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là nhóm tuổi từ 10 đến 30. Phần lớn những trường hợp mắc bệnh đều là viêm ruột thừa cấp. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh có thể dẫn đến vỡ ruột thừa, áp xe bụng,… gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Về phương pháp điều trị hiện nay, rất nhiều người thắc mắc: Viêm ruột thừa có cần mổ hay không? 

1. Viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?

Ruột thừa là một cơ quan miễn dịch, là một đoạn ruột nhỏ, dạng túi, hẹp và dài vài centimet, dính vào manh tràng. Ruột thừa nằm ở phần bụng dưới bên phải - nơi nối tiếp giữa ruột non và ruột già. Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm ruột thừa là do tình trạng tắc nghẽn (sỏi phân) trong lòng ruột thừa, tạo cơ hội cho các vi khuẩn sinh sôi, gây nhiễm trùng và tăng tiết dịch tại vị trí này. Ruột thừa lúc này bị viêm, sưng to và có chứa nhiều dịch mủ.

Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở nhiều đối tượng

Đối với các trường hợp viêm ruột thừa, khi không điều trị sớm sẽ khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Vỡ ruột thừa: Khi ruột thừa bị viêm và sưng to nhưng không được can thiệp kịp thời sẽ có nguy cơ bị vỡ. Khi đó, vi khuẩn sẽ có thể xâm lấn sang nhiều cơ quan khác trong ổ bụng và khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Những bệnh nhân này cần được cấp cứu để loại bỏ ruột thừa và làm sạch bụng nhanh chóng.

áp xe trong bụng: Các trường hợp bệnh nhân không được điều trị hiệu quả hoặc để bệnh quá lâu sẽ dẫn đến vỡ ruột thừa và dễ dàng tạo ra ổ mủ trong bụng hay còn gọi là ổ áp-xe, rất nguy hiểm cho người bệnh.

2. Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm ruột thừa

Thông thường, ruột thừa sẽ nằm ở vùng hố chậu bên phải, nhưng bên cạnh đó cũng có một số bệnh nhân ruột thừa lại nằm ở bên trái, ở gần gan hay ở phía sau manh tràng. Chính vì điều này khiến cho những triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với với nhiều bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh viêm đại tràng, viêm buồng trứng, một số bệnh về đường tiết niệu, hay các bệnh về gan mật,…

Dưới đây là những triệu chứng bạn có thể gặp nếu mắc bệnh viêm ruột thừa:

  • Đau bụng

Đây là triệu chứng điển hình của bệnh viêm ruột thừa. Những cơn đau sẽ thường xuất hiện đầu tiên ở vùng quanh rốn và sau vài giờ, cơn đau sẽ chuyển sang góc phần tư dưới phải- hố chậu phải. Đau tăng lên khi ho và di chuyển. Mức độ đau ngày càng tăng dần, khi ho hoặc thay đổi tư thế lại càng cảm nhận rõ cơn đau. Người bệnh có thể đau nhiều ở hông lưng, đau hạ vị hay đau sườn phải,… điều này phụ thuộc vào vị trí của ruột thừa.

Đau bụng là triệu chứng phổ biến của viêm ruột thừa

Tuy nhiên, trên thực tế ở thời điểm khởi phát, rất nhiều bệnh nhân chủ quan và nhầm lẫn triệu chứng này với một số triệu chứng của bệnh dạ dày, bệnh về gan mật, hay đau lưng thông thường,… Lời khuyên của bác sĩ dành cho bạn là không nên chủ quan mà nếu có cơn đau hãy đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh kịp thời.

  • Sốt

Bệnh nhân mắc viêm ruột thừa có thể sốt nhẹ do sự viêm nhiễm của ruột thừa. Một số trường hợp nhiễm trùng nặng có thể gây sốt cao.

  • Buồn nôn hoặc nôn

Sau những cơn đau, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng buồn nôn. Nhưng đây lại là biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về dạ dày hoặc tình trạng ngộ độc thức ăn.

  • Tiêu chảy

Những trường hợp viêm ruột thừa thể tiểu khung hay một số bệnh nhân đã bị biến chứng vỡ ruột thừa có thể gặp phải tình trạng tiêu chảy.

Bệnh nhân viêm ruột thừa có triệu chứng tiêu chảy

Chính vì những biểu hiện của bệnh viêm ruột thừa khá giống với nhiều bệnh lý khác nên để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Phổ biến nhất là xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng viêm và chụp X-quang, chụp CT ổ bụng hay siêu âm,…

3. Mắc bệnh viêm ruột thừa có cần mổ hay không?

Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để điều trị viêm ruột thừa chính là phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm. Những trường hợp điều trị bằng kháng sinh đơn thuần thì tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Do vậy, để điều trị dứt điểm căn bệnh này, phương pháp phẫu thuật vẫn được ưu tiên hơn cả. Trong đó:

Phương pháp mổ nội soi được cho là lựa chọn hàng đầu vì mang lại nhiều ưu điểm như hồi phục nhanh hơn, bệnh nhân ít đau hơn, hơn nữa vết mổ rất nhỏ và không để lại sẹo.

Phương pháp mổ mở: Khi bệnh nhân bị vỡ ruột thừa và bị nhiễm trùng bên trong ổ bụng,... thì phương pháp nội soi không còn phù hợp nữa, bác sĩ sẽ chỉ định mổ mở để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và tăng hiệu quả điều trị.

Phẫu thuật điều trị bệnh

Đối với những trường hợp vỡ ruột thừa gây áp-xe ổ bụng, bệnh nhân thường được chỉ định chọc dẫn lưu kết hợp điều trị kháng sinh và sẽ phẫu thuật cắt ruột thừa sau 6 tháng.

Như vậy chúng ta đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Viêm ruột thừa có cần mổ hay không?”. Để tăng hiệu quả điều trị, sau phẫu thuật, bệnh nhân cần thực hiện những lưu ý sau:

Không nên vận động mạnh. Những trường hợp mổ nội soi thường cần kiêng khoảng 5 ngày và những bệnh nhân được thực hiện mổ mở cần kiêng khoảng 14 ngày.

Sau mổ, cần chú ý giữ gìn khi bị ho, cười để làm giảm cơn đau. Bạn có thể để gối trên bụng và ấn xuống khi bị ho.

Nếu đã sử dụng thuốc giảm đau mà vẫn thấy đau bụng, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm.

Nghỉ ngơi: Khi mổ xong, cơ thể người bệnh còn yếu và cần được nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có thời gian phục hồi.

Khi cơ thể đã khỏe mạnh hơn, hãy bắt đầu hoạt động nhẹ nhàng và tăng dần mức độ vận động. Có thể bắt đầu bằng việc đi bộ quãng ngắn.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về bệnh viêm ruột thừa. Hi vọng những thông tin này hữu ích với bạn. Bạn có thể gọi đến số 1900 56 56 56 để được chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trực tiếp tư vấn và đặt lịch khám sớm cho bạn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.