Các tin tức tại MEDlatec
Bác sĩ tư vấn: viêm xoang nên làm gì để hỗ trợ trị bệnh?
- 27/12/2021 | Viêm xoang bướm là gì, nguyên nhân và biến chứng
- 27/12/2021 | Vì sao viêm xoang gây viêm họng và cách điều trị?
- 27/12/2021 | Nhận diện triệu chứng viêm xoang nhẹ và cách điều trị
1. Nhận biết triệu chứng viêm xoang
Để điều trị đúng bệnh, trước hết cần nhận biết bạn bị viêm xoang qua các triệu chứng đặc trưng, có thể nhờ các biện pháp chẩn đoán nếu bạn tới cơ sở y tế chuyên khoa. Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm nhiễm dẫn đến giảm chức năng hoạt động, nguyên nhân có thể do dị ứng, vi khuẩn hoặc virus. Một số trường hợp hiếm gặp viêm xoang do nấm, kết hợp với các yếu tố như: môi trường ô nhiễm, cấu trúc giải phẫu mũi xoang bất thường,...
Viêm xoang khiến niêm mạc xoang sưng viêm và mất chức năng
Nhận biết viêm xoang bước đầu qua các triệu chứng bệnh bao gồm:
Chảy dịch mũi
Viêm xoang khiến dịch tiết ra nhiều hơn, viêm xoang trước thì hầu hết dịch sẽ chảy xuống mũi khiến người bệnh phải xì mũi, khịt mũi liên tục. Dịch mũi xoang có thể có màu trắng trong, trắng đục, vàng nhạt hoặc xanh tùy vào tình trạng bệnh.
Nghẹt mũi
Nghẹt mũi là triệu chứng viêm xoang thường gặp, tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc hai bên mũi gây khó thở, thở khò khè khó chịu.
Đau nhức xoang
Tùy vào vị trí bị viêm xoang mà người bệnh sẽ gặp triệu chứng đau nhức tại vị trí tương ứng. Cụ thể như sau:
-
Viêm xoang sàng trước: đau nhức giữa hai mắt.
-
Viêm xoang hàm: Đau nhức vùng má.
-
Viêm xoang trán: đau nhức giữa hai lông màu.
-
Viêm xoang bướm, viêm xoang sàng: đau nhức gáy.
Giảm khứu giác
Viêm niêm mạc xoang khiến dây thần kinh khứu giác cũng trở nên kém nhạy cảm hơn, người bệnh có thể bị giảm hoặc mất khả năng ngửi.
Các triệu chứng viêm xoang này khá dễ gây nhầm lẫn với triệu chứng cảm lạnh, viêm đường hô hấp thông thường. Tuy nhiên nếu do viêm xoang, triệu chứng thường kéo dài hơn và không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị cảm lạnh. Đây là dấu hiệu nhận biết, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, chẩn đoán bệnh chính xác.
2. Bác sĩ tư vấn: Viêm xoang nên làm gì?
Các biện pháp chăm sóc tại nhà giúp quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn. Vậy cụ thể viêm xoang nên làm gì?
Bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà đơn giản sau để giảm bớt triệu chứng và đẩy lùi bệnh.
2.1. Vệ sinh xoang mũi
Cách giảm viêm xoang hiệu quả là vệ sinh xoang mũi sạch sẽ bằng nước muối tự pha hoặc nước muối sinh lý, bạn nên áp dụng cách này sớm. Nước muối có tính sát khuẩn tốt sẽ làm sạch vi khuẩn và bụi bẩn trong xoang mũi, giúp dịch mũi loãng hơn và chảy ra ngoài thay vì tích tụ trong các hốc xoang.
Vệ sinh xoang mũi bằng nước muối để hỗ trợ điều trị viêm xoang
Tuy nhiên cần vệ sinh xoang mũi đúng cách, nếu không sẽ khiến viêm nhiễm nặng hơn. Dưới đây là những hướng dẫn để vệ sinh xoang mũi đúng cách điều trị viêm xoang nhẹ:
-
Làm ấm nước muối sinh lý mua sẵn bằng cách đun cách thủy, lưu ý chỉ làm ấm nhẹ tránh gây bỏng niêm mạc mũi xoang.
-
Nghiêng đầu cho một bên mũi cao hơn, nhỏ nước muối sinh lý vào đó để nước chảy sang bên mũi còn lại rồi hỉ nhẹ nhàng ra ngoài.
-
Không hỉ quá mạnh khiến áp suất trong mũi tăng cao, vi khuẩn sẽ tấn công ngược lại gây triệu chứng viêm nặng hơn.
Với nước muối tự pha chế, bạn cũng vệ sinh xoang mũi theo các bước tương tự song lưu ý, không nên sử dụng nước muối tự pha chế trong thời gian dài.
2.2. Xông hơi xoang mũi
Ngoài vệ sinh xoang mũi thì xông hơi cũng có tác dụng rất tốt giúp làm thông thoáng xoang mũi, làm ẩm lỏng dịch nhầy. Hơn nữa, cách này thực hiện rất đơn giản, hiệu quả tốt với các trường hợp viêm xoang nhẹ. Thực hiện như sau:
-
Đun 1 tô nước nóng, có thể nhỏ vào một ít tinh dầu hoặc lá bạc hà, sau đó dùng khăn tắm phủ lên đầu sao cho hơi nóng tập trung phía trước mặt.
-
Ngồi xông hơi nước nóng khoảng 10 - 15 phút cho hơi nóng xâm nhập giúp làm loãng dịch nhầy, giảm triệu chứng tắc nghẹt mũi.
Xông hơi giúp giảm triệu chứng viêm xoang, làm thông xoang mũi
Lưu ý không xông hơi quá dài và ngồi quá sát tô nước nóng, hơi nước nóng có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang và khiến tình trạng viêm nghiêm trọng hơn.
2.3. Đeo khẩu trang bảo vệ
Khi bị viêm xoang, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc tối đa với các yếu tố nguy cơ khiến bệnh nặng hơn như: khói bụi, vi khuẩn, phấn hoa, lông động vật ngoài không khí. Vì thế, nếu phải ra ngoài, bệnh nhân cần đeo khẩu trang bảo vệ, tránh vi khuẩn xâm nhập gây viêm xoang nặng hơn.
Ngoài ra, khi thời tiết khô lạnh, đeo khẩu trang còn giúp giữ ấm hệ hô hấp, từ đó phòng ngừa các bệnh đường hô hấp khác. Cùng với đó, triệu chứng viêm xoang cũng giảm bớt giúp người bệnh dễ chịu hơn.
2.4. Vệ sinh nơi ở
Bệnh nhân cần vệ sinh nơi ở định kỳ, đặc biệt là phòng ngủ, phòng sinh hoạt tránh bụi bẩn tích tụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh cư trú. Nhất là các vật dụng cá nhân thường xuyên tiếp xúc như chăn ga, gối đệm,... cần giặt sạch sẽ thường xuyên.
Cùng với đó, đừng quên vệ sinh cơ thể sạch sẽ: đánh răng hàng ngày, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,... để hạn chế vi khuẩn xâm nhập hệ hô hấp gây viêm xoang.
Các biện pháp trên giúp phòng ngừa, điều trị và giảm nhẹ triệu chứng viêm xoang hiệu quả song đáp ứng tốt với bệnh nhân viêm xoang nhẹ. Nếu viêm xoang nặng gây nhiều triệu chứng khó chịu, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán chính xác thể xoang viêm, vị trí xoang viêm và từ đó hướng dẫn điều trị thích hợp.
Nên đi khám nếu triệu chứng viêm xoang kéo dài
Viêm xoang chủ yếu được điều trị bằng nội khoa kết hợp với biện pháp chăm sóc, vệ sinh xoang mũi định kỳ. Các trường hợp viêm xoang nặng, có kèm theo polyp mũi xoang hoặc bất thường cấu trúc giải phẫu sẽ cần phẫu thuật điều trị. Khi điều trị tích cực và đúng cách, viêm xoang sẽ được đẩy lùi và các triệu chứng sẽ dần biến mất.
Như vậy, viêm xoang nên được nhận biết và điều trị từ sớm, tránh bệnh kéo dài gây biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu cần tư vấn thêm về viêm xoang nên làm gì cũng như các vấn đề liên quan, hãy liên hệ tới Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!