Các tin tức tại MEDlatec

Bạch hầu là bệnh gì? Có điều trị được không?

Ngày 01/11/2023
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Khi mắc bệnh bạch hầu, người bệnh thường có các biểu hiện khá giống với cảm lạnh thông thường. Bệnh lý này là do nhiễm phải vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriae gây nhiễm trùng hệ hô hấp và nhiều bộ phận khác. Căn bệnh này có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ bùng phát thành dịch. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có nguy cơ sẽ tử vong. Vậy bạch hầu là bệnh gì? Thông tin trong bài viết sau sẽ giúp lý giải về căn bệnh này.

1. Khái niệm bạch hầu là bệnh gì?

Vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu. Đây là một bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính có thể gây bệnh ở thanh quản, hầu họng, mũi, niêm mạc khác như da, kết mạc ở mắt, thậm chí là cơ quan sinh dục.

Khi nhiễm trùng xuất hiện ở đường hô hấp trên như vùng mũi và hầu họng, nó sẽ hình thành một lớp màng trắng xám. Vì vậy nên mới có tên gọi là bệnh bạch hầu. Khi lớp màng này lan đến vùng khí quản, thanh quản sẽ gây sưng, bít tắc khiến bệnh nhân bị thở rít, khó thở. Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 15 tuổi, bệnh bạch hầu có thể làm liệt cơ hay viêm cơ tim, nguy cơ tử vong là rất cao.

Dưới đây là 3 con đường lây lan chính của bệnh bạch hầu:

●       Lây qua không khí: vi khuẩn có thể trú ngụ trong những giọt bắn của người bệnh. Khi họ nói chuyện, ho, hắt hơi khiến những giọt bắn chứa vi khuẩn văng ra, người xung quanh sẽ hít phải chúng và bị nhiễm bệnh.

●       Lây qua đường máu, vết thương hở tiếp xúc với nguồn bệnh.

●       Lây gián tiếp khi chạm vào các bề mặt, đồ dùng có nhiễm khuẩn.

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện ở trẻ nhỏ với những biến chứng vô cùng nguy hiểm

Hiện nay đã có thuốc điều trị căn bệnh này nhưng nếu điều trị muộn thì bệnh sẽ tiến triển nặng, dễ gây ra các biến chứng tại nhiều cơ quan như tim, thận hay hệ thần kinh trung ương.

2. Các triệu chứng nhận biết bệnh bạch hầu

Kể từ sau 2 - 5 ngày nhiễm vi khuẩn, bệnh bạch hầu sẽ biểu hiện ra những triệu chứng điển hình sau:

●       Sưng hạch bạch huyết ở cổ.

●       Khàn giọng và đau họng.

●       Xuất hiện giả mạc ở hai bên thành họng. Giả mạc này có màu đen, xám, trắng ngà, dính và dai, dễ gây chảy máu.

●       Thở nhanh, thở gấp, khó thở.

●       Sốt và ớn lạnh.

●       Chảy nhiều nước mũi.

●       Cơ thể khó chịu.

Cũng có những trường hợp khi mới mắc bệnh không biểu lộ dấu hiệu đặc trưng rõ ràng. Do đó bệnh dễ dàng lây lan trong cộng đồng do người bệnh không hề hay biết rằng mình đang bị nhiễm bệnh.

3. Cảnh giác trước những biến chứng có thể gặp phải khi bị bệnh bạch hầu

Nếu không có phương án điều trị, bệnh nhân có thể sẽ phải đối diện với những biến chứng sau:

●       Tổn thương ở đường hô hấp: vi khuẩn bạch hầu tiết ra một loại độc tố có thể khiến tổ chức mô và tế bào ở mũi họng bị tổn thương nghiêm trọng. Tình trạng nhiễm trùng này sẽ tạo ra một màng cứng trắng ngà, màu xám. Nó chứa các vi khuẩn, tế bào chết và khi tích tụ lại sẽ gây cản trở hoạt động hô hấp khiến bệnh nhân khó thở, thở rít. Ngoài ra độc tố của vi khuẩn còn có thể làm tê liệt các cơ hô hấp.

●       Tổn thương hệ thần kinh: vi khuẩn có thể gây tổn thương dây thần kinh sọ dẫn đến khó nuốt, khó nói, liệt cơ mắt, mất khả năng điều tiết với ánh sáng. Nếu vị trí tổn thương là dây thần kinh ở chân và tay thì làm yếu, liệt cơ.

●       Viêm cơ tim: nếu vi khuẩn đi vào hệ tuần hoàn máu sẽ làm tổn hại đến những cơ quan khác, bao gồm cả tim và gây đau hay viêm cơ tim. Biến chứng nghiêm trọng nhất của tình trạng này đó là suy tim sung huyết, đột tử.

Bệnh bạch hầu có thể gây tổn thương nghiêm trọng ở đường hô hấp

4. Những phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh bạch hầu

Để điều trị bệnh bạch hầu, người bệnh trước tiên cần phải đi khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng lâm sàng. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị phù hợp nhất. Dưới đây là một số các biện pháp đang được chỉ định áp dụng cho những ca mắc bệnh bạch hầu:

Trung hòa độc tố:

Để hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong ở người bệnh, bác sĩ có thể cho sử dụng khoảng 40.000 đơn vị kháng độc tố của vi khuẩn gây bệnh bạch hầu.

Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân phải được test thử trong da nhằm xác định nguy cơ phản ứng quá mẫn hay sốc phản vệ. Bởi vì trong kháng độc tố có chứa huyết thanh ngựa, chỉ cần có một nguy cơ nhỏ cũng có thể gây ra hiện tượng sốc phản vệ nặng toàn cơ thể rất nguy hiểm.

Sử dụng kháng sinh:

Nếu nghi ngờ trẻ đang bị bệnh bạch hầu thì có thể tiêm cho trẻ kháng sinh procaine benzylpenicillin. Liều lượng khuyến cáo là 50mg/kg, duy trì điều trị trong 10 ngày. Không nên tiêm loại kháng sinh này theo đường tĩnh mạch, thay vào đó là tiêm bắp.

Tiêm kháng sinh là một trong những biện pháp điều trị bệnh bạch hầu

Liệu pháp oxy:

Thở oxy chỉ áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu tắc nghẽn đường thở. Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như bứt rứt, thở rút lõm lồng ngực thì cần chỉnh định đặt nội khí quản thay vì thở oxy.

Ngoài ra đối với trẻ em, cần lưu ý rằng khi đặt catheter mũi hay mũi hầu thì trẻ rất dễ bị khó chịu, phản ứng lại với điều này và càng khiến cho tình trạng tắc nghẽn đường thở trở nên nghiêm trọng hơn.

Đặt nội khí quản (mở khí quản):

Khi bệnh nhân có biểu hiện bị tắc nghẽn hoàn toàn đường thở (thở rút lõm lồng ngực, trong trạng thái bứt rứt) thì cần phải có bác sĩ kinh nghiệm chỉ định đặt nội khí quản.

Tuy nhiên thủ thuật này có nhược điểm là dễ khiến lớp giả mạc bị bong tróc, không giúp giải quyết được tình trạng tắc nghẽn.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ khác:

●       Động viên trẻ ăn uống để nạp thêm dinh dưỡng.

●       Nếu trẻ bị sốt cao từ 39 độ C trở lên thì sử dụng paracetamol để giảm đau, hạ sốt.

●       Trong trường hợp trẻ gặp khó khăn khi nhai nuốt thì có thể cân nhắc đặt ống sonde dạ dày.

●       Người thân không nên ra vào thăm khám thường xuyên vì dễ lây nhiễm và ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của người bệnh.

Theo dõi:

Người bệnh sẽ được theo dõi và đánh giá tình trạng sau 3 giờ/lần, nhất là khả năng hô hấp để sớm phát hiện cũng như xử lý kịp thời nguy cơ tắc nghẽn đường thở.

Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bạch cầu đó là tiêm vắc xin chủng ngừa. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cao nhờ cung cấp vắc xin miễn phí cho trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vì vậy các bậc phụ huynh nên lưu ý lịch tiêm chủng để cho con trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, kịp thời phòng bệnh.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.