Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh bạch cầu cấp có thể dẫn đến những biến chứng gì?
- 14/05/2022 | Bạch cầu cấp dòng lympho là bệnh gì? Phương pháp điều trị như thế nào?
- 29/12/2022 | Bệnh bạch cầu cấp là gì? cách nhận biết và phòng ngừa
- 30/06/2024 | Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho và những thông tin y khoa cần biết
1. Tổng quan về bạch cầu cấp
Bạch cầu cấp là một bệnh lý phức tạp và nguy hiểm gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tế bào máu. Việc hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe.
1.1. Nguyên nhân bạch cầu cấp xuất hiện
Bạch cầu cấp xảy ra khi quá trình sản sinh và phát triển các tế bào bạch cầu trong tủy xương bị rối loạn, dẫn đến sự tăng sinh nhanh chóng của các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành. Điều này dẫn đến việc các tế bào bạch cầu bình thường có thể bị các tế bào bạch cầu bất thường lấn át, dẫn đến suy giảm tế bào máu khỏe mạnh, gây ra những bất thường về sức khỏe. Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ phổ biến có thể gây ra bạch cầu cấp bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Các hội chứng di truyền như hội chứng Down hoặc Klinefelter,... có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiến triển.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Các chất độc hại như benzene, thuốc diệt côn trùng, và các dung môi công nghiệp được chứng minh có liên quan đến sự phát triển của bạch cầu cấp.
- Tiếp xúc với phóng xạ: Chẳng hạn từ tai nạn hạt nhân hoặc xạ trị, có nguy cơ cao hơn mắc bệnh.
- Nhiễm virus: Một số loại virus, chẳng hạn như HTLV-1 (Human T-cell Leukemia Virus), có thể gây tổn thương hệ miễn dịch và làm gia tăng nguy cơ mắc bạch cầu cấp.
- Yếu tố môi trường và lối sống: Lối sống không lành mạnh, hút thuốc lá thường xuyên cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bao gồm bạch cầu cấp.
Yếu tố nguy cơ gây ra bạch cầu cấp có thể là do hút thuốc lá thường xuyên
1.2. Triệu chứng bạch cầu cấp
Bạch cầu cấp là một bệnh lý nguy hiểm với những triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, dễ bị nhầm với nhiều bệnh lý khác. Đến khi bệnh phát triển nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải những dấu hiệu nghiêm trọng dưới đây:
- Sốt cao và mệt mỏi kéo dài: Cơ thể người bệnh thường xuyên sốt không rõ nguyên nhân, có thể đi kèm cảm giác ớn lạnh, đổ mồ hôi vào ban đêm. Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, suy nhược dù không làm việc quá sức.
- Chảy máu bất thường: Dễ bị chảy máu cam, chảy máu lợi khi đánh răng, hoặc xuất hiện các vết bầm tím trên da mà không rõ lý do. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng hoặc xuất huyết dưới da.
- Da nhợt nhạt, xanh xao: Do thiếu hồng cầu, da và niêm mạc trở nên nhợt nhạt, người bệnh cảm thấy chóng mặt hoặc khó thở khi gắng sức.
- Đau xương và khớp: Đau nhức các khớp lớn hoặc đau sâu trong xương là một trong những dấu hiệu điển hình của bạch cầu cấp, do tủy xương bị tổn thương.
- Hạch bạch huyết sưng to: Hạch ở cổ, nách, hoặc bẹn có thể sưng to nhưng không gây đau, biểu hiện rõ khi bệnh tiến triển nặng.
- Dễ nhiễm trùng: Do hệ miễn dịch suy giảm, người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng da, hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Người mắc bạch cầu cấp dễ mắc viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng da,...
Lưu ý: Triệu chứng của bạch cầu cấp có thể khác nhau ở từng người và không phải ai cũng có đầy đủ các dấu hiệu trên. Khi nhận thấy những biểu hiện bất thường, đặc biệt là triệu chứng kéo dài hoặc nghiêm trọng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra kịp thời.
2. Bạch cầu cấp có thể dẫn đến những biến chứng gì?
Bạch cầu cấp không chỉ ảnh hưởng đến hệ tạo máu mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh khi điều trị không đúng cách hoặc không kịp thời. Bao gồm:
2.1. Thiếu máu nghiêm trọng
Do tủy xương bị tổn thương dẫn đến chức năng sản xuất hồng cầu bị ảnh hưởng, gây nên tình trạng thiếu máu xảy ra. Biểu hiện bao gồm da xanh xao, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu khi thiếu máu nghiêm trọng.
2.2. Nhiễm trùng nghiêm trọng
Số lượng bạch cầu bất thường tăng lên nhưng không có khả năng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Điều này khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng, từ nhiễm trùng da, viêm họng đến các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn huyết.
2.3. Chảy máu nghiêm trọng
Tủy xương giảm sản xuất tiểu cầu – yếu tố quan trọng trong quá trình đông máu, dẫn đến tình trạng dễ chảy máu. Biến chứng nghiêm trọng có thể là chảy máu não, xuất huyết nội tạng (dạ dày, phổi) dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
2.4. Chức năng các cơ quan bị ảnh hưởng
Bạch cầu bất thường có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như gan, lách, hạch bạch huyết, thậm chí là hệ thần kinh trung ương. Điều này gây ra các triệu chứng như gan to, lách to, hạch, đau đầu, buồn nôn, rối loạn tri giác hoặc co giật. Khi tế bào thâm nhiễm não và tủy sống, bệnh có thể gây liệt hoặc tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
3. Phương pháp chữa trị bệnh bạch cầu cấp
Tùy thuộc vào loại bạch cầu cấp (bạch cầu dòng tủy cấp tính - AML hay bạch cầu dòng lympho cấp tính - ALL), giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Bạch cầu cấp được điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe
Dưới đây là các phương pháp chữa trị phổ biến cho bệnh bạch cầu cấp:
3.1. Hóa trị liệu (Chemotherapy)
- Là phương pháp chữa trị chính cho bệnh bạch cầu cấp. Các loại thuốc hóa trị được sử dụng để tiêu diệt các tế bào bạch cầu bất thường trong tủy xương và máu.
- Điều trị thường được chia thành các giai đoạn:
- Giai đoạn cảm ứng: Tiêu diệt tối đa số lượng tế bào ung thư.
- Giai đoạn củng cố: Loại bỏ các tế bào ung thư còn lại.
- Giai đoạn duy trì: Ngăn ngừa bệnh tái phát.
3.2. Cấy ghép tủy xương
Áp dụng cho những trường hợp đủ điều kiện cấy ghép tủy, bệnh tái phát hoặc không đáp ứng với hóa trị liệu. Phương pháp này thay thế tủy xương bất thường bằng tủy xương bình thường từ người hiến tặng.
3.3. Liệu pháp miễn dịch
Sử dụng các loại thuốc kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư, chẳng hạn như kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies).
3.4. Điều trị hỗ trợ
- Truyền máu: Bù đắp hồng cầu và tiểu cầu bị thiếu.
- Kháng sinh và thuốc kháng nấm: Ngăn ngừa và điều trị tình trạng nhiễm trùng bởi hệ miễn dịch suy yếu.
- Thuốc giảm đau và kháng viêm: Giảm đau nhức và sưng viêm.
Bạch cầu cấp là một bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của bạn. Nếu nghi ngờ mắc bệnh hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm về phương pháp chẩn đoán và điều trị, hãy liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua số điện thoại 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!