Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh cam ở trẻ em - nhận diện bệnh và cách phòng ngừa

Ngày 21/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh cam ở trẻ em là một trong những vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển. Bệnh cam thường không quá nguy hiểm nếu được chăm sóc kịp thời, nhưng cũng có những trường hợp triệu chứng trở nên nghiêm trọng, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe trẻ. Hãy cùng tìm hiểu trẻ bị bệnh cam khi nào cần gặp bác sĩ trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh cam ở trẻ em là gì?

Trước đây, bệnh cam còn được sử dụng để miêu tả các tình trạng như cam thũng (phù nề), cam tích (bụng to) hay cam sang (mụn nhọt). Tuy nhiên, ngày nay, bệnh cam chủ yếu liên quan đến các vấn đề viêm loét ở miệng, lưỡi, mũi, mắt hoặc để chỉ những trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng.

Tên gọi “bệnh cam” ngày nay chủ yếu để chỉ các vấn đề viêm loét ở niêm mạc

Bệnh cam thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, các nguyên nhân gây bệnh cam bao gồm:

- Vệ sinh răng miệng kém: Việc không đánh răng hoặc không súc miệng sạch sau khi ăn khiến vi khuẩn tích tụ, gây ra bệnh cam ở trẻ.

- Sức đề kháng yếu: Trẻ em có sức đề kháng yếu, đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh hoặc đang bị suy dinh dưỡng, vì thể trẻ dễ mắc bệnh do không đủ khả năng chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh.

- Thiếu vi chất dinh dưỡng: Thiếu hụt các vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin A, C, D, kẽm, sắt làm giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ.

- Hậu quả từ các bệnh lý khác: Bệnh cam có thể phát triển sau khi trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản. Một số bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sởi, cúm hoặc tay chân miệng cũng có thể gây ra các tổn thương ở vùng miệng và dẫn đến trẻ bị bệnh cam.

2. Triệu chứng nhận biết bệnh cam ở trẻ

Bệnh cam ở trẻ em thường biểu hiện qua nhiều triệu chứng rõ rệt, đặc biệt liên quan đến vùng miệng và sức khỏe tổng thể. Phụ huynh có thể nhận biết bệnh cam ở trẻ qua các dấu hiệu sau:

- Trẻ xuất hiện các vết loét nhỏ ở niêm mạc miệng, lưỡi hoặc lợi, thường có viền đỏ và gây đau đớn. 

- Dù đã chăm chỉ vệ sinh răng miệng, hơi thở của trẻ vẫn có mùi khó chịu.

Hơi thở có mùi hôi là biểu hiện điển hình của bệnh cam miệng ở trẻ em

- Lợi của trẻ dễ chảy máu, đặc biệt khi đánh răng hoặc ăn uống. Lợi có thể sưng đỏ, gây đau khi nhai hoặc nói chuyện.

- Trẻ có thể bị sốt, kèm theo cảm giác mệt mỏi, uể oải. Sốt thường xuất hiện khi bệnh diễn tiến nặng hoặc có nhiễm trùng đi kèm.

- Trẻ bị đau khi ăn uống, dẫn đến biếng ăn, quấy khóc hoặc bỏ bú. Một số trẻ có dấu hiệu sụt cân do không hấp thu đủ dinh dưỡng.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh cam có thể dẫn đến biến chứng nặng như hoại tử môi, lợi hoặc thậm chí hở hàm ếch, thường xảy ra ở trẻ có sức đề kháng yếu.

3. Khi nào cần đưa trẻ bị bệnh cam đến bệnh viện?

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh cam có thể tự khỏi sau vài ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng mà không có dấu hiệu thuyên giảm, đây là dấu hiệu cảnh báo rằng tình trạng viêm nhiễm có thể nghiêm trọng hơn và cần được điều trị đúng cách bởi bác sĩ chuyên khoa. Các dấu hiệu trẻ bị bệnh cam cần đến bệnh viện là:

- Trẻ sốt cao trên 38,5°C kéo dài 2-3 ngày không giảm, dù đã dùng thuốc hạ sốt hay áp dụng các phương pháp làm mát cơ thể.

- Các vết loét trong miệng lan rộng, gây đau đớn nghiêm trọng, khiến trẻ khó ăn uống hoặc thậm chí không thể ăn uống.

- Xuất hiện mủ hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng tại các vị trí loét.

- Mùi hôi miệng trở nên nghiêm trọng, kèm theo dấu hiệu sưng nề hoặc chảy mủ tại lợi và vùng miệng.

- Trẻ ăn rất ít hoặc bỏ bú kéo dài, dẫn đến giảm cân hoặc suy kiệt rõ rệt.

- Trẻ mệt mỏi, yếu ớt, không còn chơi đùa như bình thường.

- Da nhợt nhạt, có dấu hiệu mất nước như môi khô, mắt trũng sâu.

- Xuất hiện các dấu hiệu bất thường như hoại tử lợi, môi, hoặc biến dạng cấu trúc vùng miệng (hở hàm ếch).

- Sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc hàm kèm đau nhức.

4. Bác sĩ sẽ điều trị bệnh cam cho trẻ như thế nào?

Khi trẻ được đưa đến cơ sở y tế, bác sĩ thường sẽ tiến hành các bước thăm khám và điều trị cho trẻ như sau:

- Khám lâm sàng kỹ lưỡng để đánh giá tình trạng miệng, lợi và niêm mạc, từ đó xác định mức độ bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh.

- Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh, thuốc bôi giảm đau hoặc thuốc súc miệng sát khuẩn để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

- Đưa ra các lời khuyên về vệ sinh miệng, chế độ ăn uống và các biện pháp hỗ trợ khác.

5. Hướng dẫn phòng bệnh cam cho trẻ

Để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh cam, bố mẹ nên:

- Hướng dẫn trẻ đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng dành cho trẻ. Đồng thời, khuyến khích trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn và mảng bám hiệu quả.

Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng để phòng bệnh cam

- Đảm bảo chế độ ăn uống cân đối, bổ sung các vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin A, C, D, canxi và sắt để hỗ trợ hệ miễn dịch và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

- Tránh cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc thực phẩm chế biến sẵn, dễ gây sâu răng và viêm nướu, từ đó dẫn đến bệnh cam.

- Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, dụng cụ ăn uống và các vật dụng mà trẻ tiếp xúc hàng ngày. Tránh để trẻ ngậm đồ vật hoặc đưa tay bẩn vào miệng.

- Đưa trẻ đến nha sĩ ít nhất mỗi 6 tháng một lần để kiểm tra và phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh cam.

Hệ thống Y tế MEDLATEC - Địa chỉ tin cậy để chăm sóc sức khỏe cho trẻ

Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ uy tín hỗ trợ phụ huynh trong việc chăm sóc và điều trị các vấn đề sức khỏe cho trẻ, bao gồm bệnh cam. Nếu cần thêm thông tin hoặc hỗ trợ, phụ huynh vui lòng liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết từ các chuyên gia y tế.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.