Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh da rắn là như thế nào, khắc phục ra sao?
Bệnh da rắn là như thế nào, khắc phục ra sao?
Da khô thành từng khoang, bong tróc, ngứa ngáy,... là dấu hiệu thường gặp ở người bệnh da rắn. Tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi cơ thể bị thiếu nước, thời tiết hanh khô. Người bị bệnh da rắn sẽ thiếu tự tin trong ăn mặc, chưa kể đến việc gãi ngứa khi da khô ráp dễ để lại sẹo mất thẩm mỹ. Vậy có cách nào khắc phục bệnh da rắn hay không, bài viết sau đây sẽ cùng bạn đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc này.
1. Da rắn là bệnh gì?
Da rắn là tình trạng rối loạn tế bào da làm đứt gãy liên kết keratin, chủ yếu gặp vào thời tiết hanh khô khiến cho da bị nứt nẻ, da bong tróc, tế bào da chết tích tụ thành các mảng ô vuông, vết nứt chạy dọc theo ống chân tay màu nâu sạm, khiến cho da giống với da rắn.
Biểu hiện khô nứt thành mảng màu nâu xạm ở bệnh da rắn
Thông thường, các vết da rắn hay xuất hiện ở chân, tay, lưng, mông,... và sẽ dễ nứt nẻ gây ngứa, đau rát,... khi trời lạnh hoặc không khí hanh khô.
Các yếu tố tác động gây nên sự hình thành da rắn gồm:
- Di truyền:
Khoảng 95% nguyên nhân khiến bạn bị da rắn liên quan đến các yếu tố di truyền vì làn da cũng thừa hưởng di truyền về đặc điểm và tính chất của thế hệ trước.
- Thời tiết: độ ẩm thấp, khô hanh,... sẽ làm đứt gãy các liên kết keratin, khiến da bị mất nước nên nứt nẻ, bong vảy, ngứa rát,...
- Chế độ ăn uống: thường xuyên ăn thiết chất xơ, uống ít nước, cơ thể bị thiếu khoáng chất và vitamin,... có thể làm cho độ ẩm tự nhiên của da mất đi và da bị dạng da rắn.
- Thói quen vệ sinh da: thường xuyên không cấp ẩm cho da, da hay phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên thành da rắn.
2. Cách khắc phục bệnh da rắn như thế nào?
Để cải thiện và khắc phục bệnh da rắn có thể áp dụng một số cách như:
2.1. Bôi kem dưỡng ẩm đều đặn
Đây là cách không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng da bị mất nước mà còn tăng tốc độ phục hồi tổn thương trên da. Tuy nhiên, trước khi bôi kem dưỡng ẩm cần tìm hiểu để lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp với loại da để tránh bị kích ứng và đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bôi kem dưỡng ẩm đều đặn giúp kiểm soát được các dấu hiệu da rắn
2.2. Tẩy da chết
Tế bào chết tích tụ ngày càng nhiều cũng là lý do khiến cho bệnh da rắn tái diễn thường xuyên trở nên nghiêm trọng. Vì thế, đối với bệnh lý này, việc tẩy tế bào chết sẽ giúp phần da khô ráp được loại bỏ, nhờ đó mà da trở nên mịn màng hơn. Không những thế, tẩy da chết còn là cách để da được thư giãn sâu hơn và tăng hiệu quả của các khâu dưỡng da, nhờ đó sẽ đạt được mục đích tối ưu trong việc khắc phục bệnh da rắn.
Tẩy da chết có thể áp dụng với bất kỳ vùng da nào của cơ thể. Cách tẩy da chết đơn giản nhất là dùng bàn chải mềm hoặc xơ mướp nhúng vào trong hỗn hợp baking soda hoặc chanh muối sau đó chà xát lên vùng da rắn 5 -10 rồi dùng nước lạnh rửa sạch. Nên tẩy da chết 2 lần/tuần để tránh tình trạng tích tụ tế bào da chết làm cho các dưỡng chất chăm sóc da không ngấm sâu vào trong da được.
2.3. Bổ sung khoáng chất, vitamin và nước
Như đã nói ở trên, thiếu các yếu tố khoáng chất, vitamin và nước là một trong các nguyên nhân khiến bệnh da rắn dễ tái diễn. Vì thế, cách khắc phục tình trạng này không thể thiếu việc bổ sung các yếu tố cần thiết cho da.
Hàng ngày, người bị da rắn nên tăng cường bổ sung nước, cải thiện chế độ dinh dưỡng, nhất là tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C, D, E,... có trong cam, cà chua, bưởi, bắp cải, đu đủ,... để vừa cấp ẩm cho da vừa giúp da tăng sức đề kháng để ngăn ngừa bệnh da rắn. Uống tối thiểu 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày cũng là điều mà người bị da rắn cần ghi nhớ để giảm thiểu tình trạng da bị khô nứt.
Bổ sung vitamin và khoáng chất từ thực phẩm giúp da tăng đề kháng, cải thiện khô rát do da rắn
2.4. Áp dụng một số biện pháp bảo vệ da
Hầu hết các trường hợp bị da rắn đều có đặc điểm da nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Vì thế việc hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại là cần thiết. Nếu phải tiếp xúc với hóa chất thì tốt nhất nên dùng dụng cụ bảo hộ để da được bảo vệ tối ưu.
Bên cạnh đó, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì người bị da rắn cần có sự chuẩn bị vật dụng bảo vệ da như: áo chống nắng, mũ rộng vành, kem chống nắng, kính râm,... Vào mùa lạnh, cơ thể của người bị bệnh da rắn cần được giữ ấm và giữ cho gió không tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị nứt nẻ, khô rát.
Ngâm mình trong nước ấm khi bị khô da như da rắn là cách nhiều người vẫn làm nhưng đây không phải là biện pháp hiệu quả mà thậm chí còn dễ khiến da bị mất nước, mất độ ẩm tự nhiên. Đặc biệt, da rắn càng ngâm lâu trong nước nóng càng dễ bị khô nứt nghiêm trọng.
Đối với làn da rắn, khi tắm cần dùng nước mát và sữa tắm dành cho da khô để vệ sinh da nhẹ nhàng, chỉ khi thật cần thiết mới dùng đến nước ấm. Cần lưu ý tránh dùng tay cào gãi mạnh ở vùng da rắn vì điều này càng dễ làm da bị tổn thương. Ngay sau khi tắm xong, da cần được thấm khô bằng khăn bông mềm và được bôi kem dưỡng ẩm ngay lập tức.
Hiện tại chưa có biện pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh da rắn vì hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do yếu tố di truyền, ít trường hợp xuất phát từ tác động bên ngoài. Bản chất bệnh da rắn không nguy hiểm nhưng các dấu hiệu khô nứt, ngứa ngáy da, đau rát,... sẽ gây nên nhiều khó chịu cho người bệnh. Các phương pháp trên đây nếu được duy trì đúng cách sẽ giúp kiểm soát tương đối tốt các dấu hiệu này.
Mong rằng nội dung chia sẻ trên đây đã giúp bạn đọc hiểu được nguyên nhân hình thành da rắn và cách chăm sóc, bảo vệ da để kiểm soát tốt các dấu hiệu của bệnh da rắn, nhờ đó tránh được sự khó chịu và những hệ lụy tiêu cực về thẩm mỹ do bệnh lý này gây ra.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!