Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh liệt dây thần kinh số 6: triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị
Bệnh liệt dây thần kinh số 6: triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị
Liệt dây thần kinh số 6 khiến cho chức năng vận động của mắt bị ảnh hưởng vì dây thần kinh này gửi tín hiệu từ não đến cơ thẳng bên để cho mắt có thể liếc ra ngoài. Cụ thể nguyên nhân gây liệt, nhận diện và điều trị liệt dây thần kinh số 6 như thế nào, những nội dung này sẽ được đề cập trong bài viết sau.
1. Như thế nào là liệt dây thần kinh số 6?
Dây thần kinh số 6 (dây thần kinh vận nhãn ngoài) là một trong 12 dây thần kinh sọ não, đảm nhận chức năng chính là gửi tín hiệu đến cơ thẳng bên để cho mắt chuyển động xa khỏi mũi và liếc ra bên ngoài.
Người bị liệt dây thần kinh số 6 mắt thường bị kéo về trong mũi
Liệt dây thần kinh số 6 tức là dây thần kinh này không còn hoạt động như bình thường được nữa nên thay vì liếc ra ngoài thì mắt sẽ bị kéo vào phía trong mũi.
2. Triệu chứng và nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 6
2.1. Triệu chứng liệt dây thần kinh số 6
Do dây thần kinh số 6 truyền tín hiệu đến cơ thẳng bên nên khi nó bị liệt thì không còn khả năng điều khiển mắt theo chiều ngang nữa mà chỉ có thể hoạt động theo chiều dọc lên xuống.
Người bị liệt dây thần kinh số 6 sẽ có các triệu chứng:
- Cả hai mắt cùng nhìn về một hướng.
- Đau nhức quanh mắt, đôi khi giật giật cả hai mắt.
- Đau đầu, thậm chí đau rất dữ dội.
2.2. Nguyên nhân liệt dây thần kinh số 6
Hầu hết các trường hợp bị liệt dây thần kinh số 6 là do mắc bệnh lý gây tổn thương các vi mạch, nhất là người bị đái tháo đường. Ngoài ra, có một số bệnh lý khác làm tổn thương dẫn đến liệt dây thần kinh số 6 là:
- Phình mạch máu não: tăng kích thước các mạch máu trong não khiến cho dây thần kinh bị chèn ép, trong đó có dây thần kinh số 6 từ đó gây nên tình trạng liệt một hoặc cả hai bên dây thần kinh này.
Một số nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh số 6
- Bệnh thần kinh đái tháo đường: tăng đường huyết trong thời gian dài rất dễ khiến dây thần kinh bị tổn thương trong đó có dây thần kinh số 6.
- Nhiễm trùng: nhiễm trùng thứ phát sau viêm màng não, viêm xoang có thể khiến dây thần kinh vận nhãn ngoài bị liệt do nhiễm trùng thứ phát sau viêm xoang, viêm màng não… Tình trạng này phổ biến ở trẻ em. Có một số rất hiếm trường hợp liệt dây thần kinh số 6 do bệnh lao.
- Tăng áp lực nội sọ: điều này khiến cho các dây thần kinh cũng phải chịu áp lực nhất định nên khó tránh khỏi liệt dây thần kinh số 6.
- Chấn thương: vùng đầu bị chấn thương hoặc đã trải qua phẫu thuật gần khu vực dây thần kinh số 6 vô tình có thể khiến dây thần kinh này bị tổn thương. Nếu mức độ chấn thương nhẹ thì sau một thời gian tổn thương dây thần kinh số 6 sẽ tự hồi phục.
- Khối u chèn ép: sự xuất hiện của khối u nền sọ, u vòm họng, u màng não,... cũng có thể chèn ép lên dây thần kinh số 6 và làm cho khả năng chuyển động mắt ra ngoài ngày càng kém đi.
- Nguyên nhân khác: tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ, đa xơ cứng,... cũng có thể trở thành yếu tố khiến cho dây thần kinh số 6 bị liệt.
3. Hệ lụy từ liệt dây thần kinh số 6
Dây thần kinh số 6 bị liệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của mắt, kết quả là:
- Mắt có dấu hiệu nhìn đôi.
- Lác trong.
- Khả năng nhìn hướng ra ngoài bị hạn chế.
- Nhức đầu, đau mắt triền miên.
- Để tránh phải nhìn đôi người bệnh thường ngoảnh sang bên cơ liệt, dần dần mặt bị lệch làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên.
4. Cách thức chẩn đoán và phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số 6
4.1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác bị liệt dây thần kinh số 6, trước tiên bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám lâm sàng bằng cách kiểm tra các triệu chứng người bệnh đang gặp phải, hỏi thời điểm khởi phát và thời gian tiến triển triệu chứng. Nếu cần thiết bác sĩ cũng sẽ có một số câu hỏi về bệnh lý đang mắc phải để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh.
Nếu có dấu hiệu liệt dây thần kinh số 6 người bệnh nên khám bác sĩ nhãn khoa để sớm được điều trị
Kết thúc quá trình thăm khám lâm sàng người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện những kiểm tra cần thiết cho chẩn đoán như:
- Khám mắt: đo thị lực, nhãn áp, độ lồi của mắt,…
- Chụp X-quang sọ não: để loại trừ các nguyên nhân tại não gây liệt dây thần kinh số 6.
- Chụp CT-Scanner, chụp MRI sọ não: khi bác sĩ có nghi ngờ về khối u não hay phình mạch máu não.
- Một số kiểm tra khác: nếu cần thiết bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm yếu tố thấp khớp, xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm công thức máu, đo đường huyết,... để xác định, loại trừ các nguyên nhân bệnh lý có thể mắc phải dẫn đến tổn thương dây thần kinh số 6.
4.2. Điều trị
Không thể điều trị triệt để bệnh liệt dây thần kinh số 6 nhưng nếu trong khoảng 6 tháng đầu mắc bệnh, nếu xác định được nguyên nhân gây chèn ép dây 6 thì vẫn có thể khôi phục được chức năng; ngược lại, khi tổn thương đã nặng thì rất khó hồi phục trở về như bình thường.
Phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ cân nhắc phù hợp với từng bệnh nhân:
- Liệt dây thần kinh số 6 do nguyên nhân nhiễm khuẩn thường sẽ điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Liệt dây thần kinh số 6 do viêm thường được điều trị bằng Corticosteroid liều cao.
- Liệt dây thần kinh số 6 do u não cần điều trị tiêu diệt khối u hoặc tế bào ung thư bằng hóa trị, phẫu thuật,...
- Liệt dây thần kinh số 6 do chấn thương thì thường rất khó hồi phục. Trường hợp này giai đoạn đầu bác sĩ thường dùng miếng dán đặc biệt để hạn chế tầm nhìn đôi sau đó dùng kính Special để căn chỉnh mắt và sử dụng độc tố Botulinum khiến cho cơ đối diện mắt bị tê liệt rồi điều chỉnh sự phối hợp của mắt.
Ngoài ra, nếu liệt dây thần kinh số 6 cũng có thể điều trị bằng phẫu thuật. Nếu điều trị thành công thì sẽ mắt bị ảnh hưởng sẽ không bị kéo vào phía mũi.
Quý khách hàng có triệu chứng nghi ngờ liệt dây thần kinh số 6 có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Hệ thống Y tế MEDLATEC để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!