Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh ngoại tâm thu thất nhịp đôi: Tính chất nguy hiểm, phương pháp chẩn đoán và điều trị

Ngày 19/02/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Ngoại tâm thu thất nhịp đôi là một dạng rối loạn hoạt động điện tim ở tâm thất làm cho tim không co bóp đúng nhịp. Sự kéo dài của bệnh lý này khi không được điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim và đe dọa sự sống. Cụ thể đây là bệnh nguy hiểm thế nào, được điều trị ra sao, bài viết sau sẽ cung cấp thông tin chi tiết để cùng bạn hiểu rõ.

1. Một số vấn đề về bệnh ngoại tâm thu thất

Ở người bình thường, khởi phát xung điện diễn ra tại nút xoang nhĩ sau đó dẫn truyền xuống tâm thất để tâm thất co bóp nhịp nhàng. Khi mắc bệnh ngoại tâm thu thất, tâm thất sẽ xuất hiện một ổ phát nhịp ngoại lai nên tự động phát nhịp và co bóp mà không tuân theo chỉ dẫn của nút xoang nhĩ.

Bệnh ngoại tâm thu thất được phân loại dựa trên vị trí, số lượng và tần suất xuất hiện của ổ phát nhịp ngoại lai như sau:

- Ngoại tâm thu thất đơn ổ và ngoại tâm thu thất đa ổ.

- Ngoại tâm thu thất trái và ngoại tâm thu thất phải.

- Ngoại tâm thu thất nhịp đôi, ngoại tâm thu thất nhịp ba, ngoại tâm thu thất cặp và ngoại tâm thu thất chuỗi.

Ngoại tâm thu thất hình thành do rối loạn nhịp tim 

2. Nguyên nhân gây nên bệnh ngoại tâm thu thất nhịp đôi

Ngoại tâm thu thất nhịp đôi là rối loạn nhịp tim được thể hiện dưới dạng xuất hiện nhịp đập bất thường xen kẽ với nhịp đập bình thường. Bệnh xảy ra khi một xung điện bất thường xuất hiện trong tâm thất mà không có sự kiểm soát của nút xoang. Khi các xung này xảy ra liên tục và theo nhịp đôi (hai nhịp bất thường xen kẽ) được gọi là ngoại tâm thu nhịp đôi.

Có một số nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện ngoại tâm thu thất nhịp đôi như nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh mạch vành, rối loạn điện giải, tác động của một số loại thuốc kích thích làm rối loạn nhịp tim, bệnh lý tuyến giáp,...

3. Tính chất nguy hiểm của ngoại tâm thu thất nhịp đôi và triệu chứng cảnh báo

3.1. Bệnh ngoại tâm thu thất nhịp đôi nguy hiểm thế nào?

Khi không can thiệp điều trị sớm, ngoại tâm thu thất nhịp đôi có thể dẫn đến các biến chứng:

- Rung thất: Rối loạn nhịp nghiêm trọng tiềm ẩn nguy cơ ngừng tim.

- Suy tim: Kết quả của tình trạng bất thường chức năng tim khiến tim bơm máu không hiệu quả cho các cơ quan trong cơ thể.

- Đột quỵ: Khiến người bệnh gặp nhiều di chứng về vận động, khả năng ghi nhớ, thậm chí có thể tử vong.

3.2. Triệu chứng cảnh báo ở bệnh ngoại tâm thu thất nhịp đôi

Tuy hầu hết trường hợp mắc bệnh ngoại tâm thu thất nhịp đôi không có triệu chứng rõ rệt nhưng cũng có trường hợp xuất hiện triệu chứng:

- Đánh trống ngực, hồi hộp, cảm giác tim đập lỡ nhịp hoặc đập mạnh bất thường.

- Mệt mỏi, yếu người nhưng không rõ nguyên nhân.

- Chóng mặt, hoa mắt, khó thở, nhất là khi gắng sức.

Mắc bệnh ngoại tâm thu thất nhịp đôi khiến người bệnh bị khó thở, hồi hộp, tim đập mạnh

4. Chẩn đoán và điều trị ngoại tâm thu thất nhịp đôi như thế nào?

4.1. Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh ngoại tâm thu thất nhịp đôi, bác sĩ thường chỉ định một số phương pháp sau:

- Điện tâm đồ (ECG): Dạng nhịp đôi sẽ được thể hiện rõ ràng trên đồ thị ECG để bác sĩ nhận diện nhịp bất thường.

- Holter điện tim ECG 24 giờ: Ghi lại hoạt động điện của tim trong suốt 24 giờ để bác sĩ theo dõi tần suất và kiểu dáng của các ngoại tâm thu.

- Siêu âm tim: Đánh giá cấu trúc và chức năng tim.

- Xét nghiệm máu: Kiểm tra rối loạn điện giải hoặc các yếu tố nguy cơ.

- Chụp MRI tim: Xác định tổn thương cơ tim (nếu cần thiết).

4.2. Điều trị

Phương pháp điều trị ngoại tâm thu thất nhịp đôi được bác sĩ cân nhắc dựa trên mức độ nghiêm trọng, tần suất xuất hiện nhịp bất thường và nguyên nhân gây bệnh:

4.2.1. Thay đổi lối sống

Người bệnh cần thay đổi lối sống để giảm các tác nhân kích thích gây rối loạn nhịp tim và cải thiện sức khỏe bằng cách:- Hạn chế chất kích thích vì đây chính là tác nhân gia tăng nhịp tim và kích hoạt các cơn ngoại tâm thu.

- Kiểm soát căng thẳng để tránh làm tăng hormone cortisol, ảnh hưởng đến nhịp tim. 

- Chế độ ăn uống lành mạnh với sự tăng cường thực phẩm giàu kali, magie giúp cân bằng điện giải; hạn chế muối và các món ăn giàu cholesterol.

- Tập thể dục thường xuyên với bài tập nhẹ nhàng, tránh hoạt động gắng sức khiến tim bị quá tải.

4.2.2. Điều trị bằng thuốc

Một số thuốc sau đây có thể được bác sĩ kê đơn để điều trị bệnh ngoại tâm thu thất nhịp đôi:

- Thuốc chẹn beta: Làm giảm nhịp tim, hạn chế sự kích thích từ hệ thần kinh giao cảm và giảm tần suất các nhịp ngoại tâm thu.

- Thuốc chẹn kênh canxi: Điều chỉnh nhịp tim.

- Thuốc chống loạn nhịp: Thường dùng khi ngoại tâm thu thất nhịp đôi xảy ra thường xuyên và gây nguy hiểm cho người bệnh.

- Thuốc cân bằng điện giải: Duy trì nhịp tim ổn định, giảm các cơn ngoại tâm thu do rối loạn điện giải.

Phương pháp điều trị ngoại tâm thu thất nhịp đôi được bác sĩ cân nhắc dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân

4.2.3. Can thiệp y khoa

Trong trường hợp ngoại tâm thu thất nhịp đôi không đáp ứng với điều trị thuốc hoặc có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề xuất can thiệp y khoa với các phương pháp như:

- Cắt đốt bằng sóng cao tần nhằm phá hủy các ổ phát sinh nhịp bất thường trong tâm thất.

- Cấy máy khử rung tim để phát hiện và điều chỉnh nhịp tim bất thường ngay tức thì.

- Phẫu thuật tim nếu ngoại tâm thu thất nhịp đôi liên quan đến dị tật tim bẩm sinh hoặc gây nên tổn thương lớn.

Người mắc bệnh ngoại tâm thu thất nhịp đôi cần tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh và đánh giá hiệu quả điều trị. Trong những lần thăm khám này, nếu cần thiết, bác sĩ cũng sẽ điều chỉnh liều lượng, loại thuốc phù hợp với bệnh nhân.

Điều trị sớm là cách tốt nhất để bảo vệ chức năng tim và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ngoại tâm thu thất nhịp đôi. Vì thế, nếu xuất hiện triệu chứng bất thường về nhịp tim, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán đúng.

Quý khách hàng nếu gặp phải bất cứ dấu hiệu bất thường nào về nhịp tim có thể liên hệ Hotline của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch khám nhanh chóng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.