Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh nhiễm trùng đường mật - những thông tin không thể bỏ qua
- 15/04/2021 | Góc giải đáp: Sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật?
- 15/04/2021 | Phẫu thuật cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
- 16/03/2021 | Cảnh báo mức độ nguy hiểm của sỏi túi mật và đối tượng dễ mắc phải
1. Thế nào là nhiễm trùng đường mật
Đường mật được cắm vào tá tràng, trên thân có ống dẫn mật chủ chứa “quả” là túi mật với rất nhiều đường dẫn mật nhỏ trong gan. Sau khi gan sản xuất dịch mật sẽ đưa tới túi mật, khi bữa ăn có chất béo thì túi mật sẽ co bóp để tống dịch mật vào ruột non.
Hình ảnh giải phẫu đường mật
Khi đường mật trong hoặc ngoài gan xảy ra tình trạng viêm cấp tính tức là đã bị nhiễm trùng đường mật. Bệnh lý này thường có sự tham gia của các ký sinh trùng hoặc vi khuẩn.
2. Nhiễm trùng đường mật là do đâu và có dấu hiệu như thế nào
2.1. Nguyên nhân khiến cho đường mật bị nhiễm trùng
Tất cả các loại vi khuẩn sống trong đường ruột như Pseudomonas aeruginosa, Streptococcus faecalis, Klebsiella hay E. Coli đều có thể là tác nhân gây ra bệnh nhiễm trùng đường mật ở phương Tây. Riêng ở nước ta, yếu tố then chốt gây nên bệnh lý này là ký sinh trùng đường ruột. Thậm chí nếu sán, giun nhầm đường vào trong đường mật chúng có thể trở thành tác nhân trực tiếp gây ra bệnh hoặc chúng có thể kết hợp cùng vi khuẩn làm cho bệnh nặng hơn.
Dịch mật nếu được lưu thông trơn tru trong đường mật nó sẽ là chất lỏng vô trùng nhưng khi con đường di chuyển của nó bị ngăn chặn thì rất dễ xảy ra nhiễm khuẩn. Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn đường mật chính là sỏi mật. Ngoài ra, khối u, hẹp đường mật bẩm sinh, cục máu đông,… cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường mật.
Bên cạnh những nguyên nhân chính trên đây thì các yếu tố sau cũng có thể trở thành tác nhân gây nhiễm trùng đường mật:
- Vi khuẩn ở ruột non di chuyển ngược lên túi mật.
- Ký sinh trùng bên ngoài xâm nhập vào bên trong cơ thể.
- Sau phẫu thuật viêm tuyến tụy, viêm đường tiêu hóa.
- Sau nội soi mật tụy.
Những người vừa thực hiện nội soi hoặc phẫu thuật đường mật, mắc bệnh viêm ruột kết, HIV/AIDS cũng có nguy cơ cao với bệnh lý này.
2.2. Biểu hiện của nhiễm trùng đường mật
Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật thường có các biểu hiện chính sau:
- Đau hạ sườn phải
Người bệnh cảm thấy xuất hiện những cơn đau đột ngột ở vùng bụng trên bên phải. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là khi thở mạnh và kéo dài trong nhiều ngày. Cảm giác đau còn có thể lan xuống dưới bả vai hoặc ra sau lưng.
Vàng mắt, vàng da là dấu hiệu thường thấy ở người bị nhiễm trùng đường mật
- Sốt
Chính vì có tình trạng nhiễm trùng nên người bệnh thường sốt cao trên 39 độ C.
- Vàng da
Do đường mật bị sỏi chặn làm tắc nghẽn nên dịch mật bị ứ lại và sắc tố mật bilirubin thấm vào máu. Hệ lụy sinh ra từ đó là người bệnh bị vàng da, vàng mắt.
Những biểu hiện này được xem là đặc trưng của bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật nhưng cũng có những trường hợp rất khó nhận biết do biểu hiện bệnh không rõ ràng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp hiện tượng bụng đầy chướng, khó tiêu, sợ mỡ, chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa,...
3. Nhiễm trùng đường mật có thể gây ra biến chứng gì
Nhiễm trùng đường mật khi không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, điển hình như:
- Thẩm mật phúc mạc
Khi mật bị tắc sẽ gây nên hiện tượng túi mật bị phồng to và mỏng hơn, đường mật căng to hơn nên mật thấm ra ngoài và ngấm vào ổ bụng gây nên nhiều cơn đau bụng.
- Viêm hoại tử ống mật chủ hoặc túi mật
Nếu ống mật chủ hoặc thành túi mật bị viêm dày sẽ gây ra các vết hoại tử làm viêm phúc mạc.
- Chảy máu đường mật
Tình trạng bị áp xe hoại tử nhu mô sẽ làm chảy máu một nhánh của động mạch hoặc tĩnh mạch gan. Trường hợp này người bệnh dễ nôn ra máu, đại tiện phân màu đen, cảm thấy choáng váng, hoa mắt.
- Áp xe đường mật
Đây là tình trạng xảy ra khi đường mật bị tắc và nhiễm trùng nặng khiến cho gan sưng to và đau.
Nhiễm trùng đường mật biến chứng nhiễm trùng huyết sẽ nguy hiểm đến tính mạng
- Nhiễm trùng huyết
Người bệnh sốt rất cao, mạch nhanh, rét run, chân tay lạnh, bắp tay và chân nổi vân tím, nước tiểu giảm.
- Hội chứng gan thận
Người bệnh bị tăng ure máu, vô niệu, tiểu ít.
- Viêm tụy cấp
Người bệnh nôn nhiều, đau nhiều ở các điểm tụy.
- Xơ gan
Đây là kết quả của tình trạng viêm nhiễm và ứ mật lâu ngày, thường xuyên tái phát làm cho chức năng gan bị suy giảm.
- Viêm túi mật mạn
Viêm túi mật thường xuyên tái diễn dẫn đến túi mật bị nhiễm trùng hoặc quánh.
- Ứ nước túi mật
Khi túi mật bị viêm hoặc có sỏi ở cổ túi mật tiết ra dịch lỏng sẽ xảy ra tình trạng ứ nước túi mật.
4. Làm sao để phòng ngừa nhiễm trùng đường mật
Bản thân nhiễm trùng đường mật là một bệnh lý nguy hiểm và dễ tái phát gây ra nhiều biến chứng nên phòng ngừa bệnh là vô cùng cần thiết. Muốn làm được điều này, chúng ta cần:
- Giảm thiểu dung nạp thực phẩm có nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, lòng đỏ trứng,...
- Tăng cường vận động đường mật bằng một số loại thức ăn như trái cây, rau xanh, sữa,... để sỏi mật bị đẩy ra ngoài.
- Vận động thể dục thể thao đều đặn để tăng nhu động mật, tăng hoạt động cơ từ đó giảm ứ trệ cũng như nguy cơ sỏi và nhiễm khuẩn đường mật.
- Có chế độ ăn uống khoa học, ăn chín uống sôi, ăn đúng giờ để mật tham gia vào quá trình tiêu hóa, không lắng đọng sỏi gây nhiễm khuẩn.
- Tẩy giun 3 - 6 tháng/ lần để loại bỏ nguy cơ giun chui ống mật.
Như đã nói ở trên, mặc dù các biểu hiện nhiễm trùng đường mật là khá điển hình nhưng không phải ai cũng có những biểu hiện ấy. Vì thế, khám sức khỏe định kỳ cũng được xem là phương pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh lý này. Trường hợp bỗng nhiên xuất hiện các dấu hiệu như đã nói ở trên, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để thực hiện những kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán đúng bệnh, kịp thời có phương án điều trị hiệu quả.
Mọi thắc mắc hoặc cần tư vấn về các bệnh lý gan mật nói chung và nhiễm trùng đường mật nói riêng bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp chi tiết, chính xác.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!