Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh thấp tim là gì? Mức độ nguy hiểm và cách phòng bệnh

Ngày 06/07/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bệnh thấp tim thường xảy ra khi không điều trị triệt để tình trạng viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Bệnh có thể khiến van tim tổn thương và gây suy tim. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề bệnh thấp tim là gì? Mức độ nguy hiểm ra sao và phòng tránh bệnh bằng cách nào?

1. Bệnh thấp tim là gì?

Bệnh thấp tim không hiếm gặp nhưng nhiều người chưa hiểu rõ thấp tim là gì. Căn bệnh này còn được gọi là sốt thấp khớp. Bệnh phát triển sau khi người bệnh bị nhiễm vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A (Streptococcus A). 

Thấp tim là bệnh nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong 

Đây là loại vi khuẩn gây ra một số bệnh như viêm họng hoặc sốt tinh hồng nhiệt. Các trường hợp nhiễm vi khuẩn Streptococcus A không được điều trị triệt để có thể tiến triển thành thấp tim. Trường hợp đã tiến triển sang thấp tim, bệnh nhân có nguy cơ bị tái phát bệnh nhiều lần. 

2. Nguyên nhân gây bệnh

Streptococcus A không trực tiếp gây ra bệnh thấp tim mà gây bệnh thông qua cơ chế miễn dịch. Khi cơ thể bị loại vi khuẩn này xâm nhập, kháng nguyên ở lớp vỏ ngoài của virus sẽ kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể chống lại vi khuẩn. 

Tuy nhiên, những kháng nguyên này cũng có thể gây ra phản ứng chéo, khiến hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra những kháng thể chống lại vi khuẩn nhưng đồng thời cũng chống lại các protein ở các mô liên kết của cơ thể, đặc biệt mô liên kết ở van tim.

Phần lớn những trường hợp bị thấp tim là do nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A gây viêm họng nhưng không điều trị đúng cách và triệt để. Những trường hợp bị nhiễm loại vi khuẩn này dẫn đến bệnh ngoài da, rất ít khi gây thấp tim. 

Bệnh thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 5 đến 15 và ít gặp ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người trên 35 tuổi. Người sống ở những vùng có khí hậu khắc nghiệt, vệ sinh kém và có sức đề kháng kém cũng dễ mắc bệnh hơn những đối tượng khác. 

3. Thấp tim có thể gây ra những triệu chứng gì?

Ban đầu, những người thấp tim thường có biểu hiện đau họng, sốt, buồn nôn, đau bụng,... Đây là những triệu chứng của viêm đường hô hấp trên do người bệnh bị liên cầu A tấn công. 

Khi bệnh đã tiến triển thành thấp tim, người bệnh sẽ có những triệu chứng bất thường như sau: 

- Viêm tim: Nếu mức độ viêm nhẹ, người bệnh thường không có triệu chứng. Những trường hợp viêm cơ tim nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như đau ngực, tim đập nhanh và khó thở. 

- Viêm khớp với những triệu chứng như sưng và đau các khớp cổ tay, khớp khuỷu tay, khớp gối hay mắt chân,…

Bệnh thấp tim có thể gây đau khớp gối

- Múa giật Sydenham: Là tình trạng bệnh nhân không kiểm soát được cử động tay, chân và không kiểm soát được cảm xúc.

- Nốt dưới da: Những nốt có đường kính khoảng 0,5-2cm có thể xuất hiện ở các khớp lớn của người bệnh. Đặc điểm của những nốt này là khá cứng, không di động, không gây đau và chỉ thường tồn tại trong khoảng từ 1 đến 2 tuần. 

- Hồng ban vòng: Là những nốt ban hồng, có những khoảng nhạt màu ở giữa. Những nốt ban này không xuất hiện trên mặt mà thường xuất hiện ở những vùng như bụng, tay, đùi.

4. Bệnh thấp tim có đáng lo ngại khôn?

Ngoài thắc mắc bệnh thấp tim là gì, nhiều người bệnh cũng rất lo lắng về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Thấp tim là tình trạng sức khỏe không thể xem thường. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng khi bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng cách. Cụ thể là: 

- Suy tim cấp hoặc rối loạn nhịp tim.

- Viêm khớp: Tình trạng sưng nóng và đau nhiều khớp có thể khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn khi đi lại. 

- Tổn thương thần kinh: Một trong những biến chứng mà người bị thấp tim có thể gặp phải là tổn thương não gây ra biểu hiện múa giật, múa vờn. Tuy nhiên, biến chứng này có thể khắc phục mà không để lại di chứng cho người bệnh. 

5. Điều trị bệnh thấp tim

Dưới đây là những phương pháp thường được bác sĩ chỉ định trong quá trình điều trị thấp tim cho người bệnh: 

- Điều trị nhiễm liên cầu bằng thuốc kháng sinh penicillin.

- Chống viêm khớp bằng thuốc aspirin.

- Điều trị múa giật Sydenham bằng cách dùng một số loại thuốc chống co giật và để người bệnh nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế xúc động mạnh. 

Đây là tình trạng có thể tái phát nhiều lần. Do đó, bệnh nhân cần được điều trị dự phòng để phòng ngừa nguy cơ tái phát. Phương pháp này cần thực hiện ngay và bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Liều lượng cũng như thời gian sử dụng thuốc của mỗi người bệnh không giống nhau. Chẳng hạn:

- Trẻ em: Thường dùng thuốc kéo dài đến năm 21 tuổi hoặc có thể lâu hơn tùy vào mức độ bệnh. 

- Những bệnh nhân thấp tim đã gặp phải biến chứng viêm cơ tim, bệnh van tim thường cần điều trị rất lâu. Ít nhất đến năm 40 tuổi. 

6. Cách phòng bệnh thấp tim

Để phòng ngừa bệnh thấp tim hiệu quả, người bệnh cần điều trị bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn và sốt tinh hồng nhiệt hiệu quả và triệt để. Bên cạnh đó, những lưu ý dưới đây cũng có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc căn bệnh này: 

- Nếu mắc bệnh về tim mạch cần tái khám bệnh định kỳ. 

- Giữ ấm vùng mũi họng, cổ.

- Đảm bảo vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách. 

- Người bị viêm xoang, viêm họng cần đi khám và điều trị sớm. 

Trẻ bị viêm họng cần được thăm khám và điều trị triệt để

Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ bệnh thấp tim là gì, bệnh nguy hiểm như thế nào và làm sao để phòng ngừa bệnh hiệu quả. Căn bệnh này có thể tái phát và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Vì thế, khi có dấu hiệu nghi ngờ bị thấp tim, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Tim Mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56, các tổng đài viên sẽ hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn cho bạn.

Từ khoá: vi khuẩn viêm họng

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.