Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh viêm túi thừa đại tràng: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Bài viết lặp 24% CTV SỬA BÀI
Bệnh viêm túi thừa đại tràng: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Túi thừa đại tràng là phần phình ra ở thành đại tràng, nếu viêm nhiễm xảy ra ở đây mà không điều trị ngay có thể gây nên những biến chứng nguy hại. Vậy viêm túi thừa đại tràng là bệnh gì, triệu chứng như thế nào, chẩn đoán và điều trị ra sao, tất cả vấn đề này sẽ được MEDLATEC để cập ngay dưới đây.
1. Túi thừa đại tràng và viêm túi thừa đại tràng là gì?
1.1. Túi thừa đại tràng là gì?
Đại tràng là phần cuối của hệ tiêu hóa, đảm nhận nhiệm vụ hấp thụ vitamin và nước đồng thời chuyển đổi thức ăn đã được dạ dày tiêu hóa thành phân. Đến đoạn cuối đại tràng thì phân sẽ được đào thải ra ngoài qua lỗ hậu môn.
Túi thừa đại tràng là phần niêm mạc thành đại tràng phình ra
Vách đại tràng có 4 lớp với độ dày như nhau, túi thừa đại tràng là phần lõm vào vách của đại tràng. Phân bị thiếu chất xơ thường cứng và khó bài xuất ra ngoài.
Muốn đẩy phân ra ngoài bắt buộc đại tràng phải tăng áp lực để tăng co thắt. Quá trình này khiến cho niêm mạc ở phần vách đại tràng vốn mỏng lại càng yếu hơn nên bị phình qua vách ruột thành các túi nhỏ.
1.2. Như thế nào là viêm túi thừa đại tràng?
Viêm túi thừa đại tràng là tình trạng sưng đỏ, viêm và nhiễm khuẩn tại bộ phận này. Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây nên bệnh nhưng các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: hút thuốc lá, vận động thể lực ít, ăn ít chất xơ, trên 40 tuổi,...
2. Mức độ nghiêm trọng của viêm túi thừa đại tràng và triệu chứng của bệnh
2.1. Mức độ nghiêm trọng của viêm túi thừa đại tràng
Bản thân bệnh viêm túi thừa đại tràng tương đối lành tính khi được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, nếu diễn tiến nặng bệnh có thể dẫn đến thủng hoặc vỡ túi thừa đại tràng và gây nên các biến chứng:
Viêm túi thừa đại tràng không điều trị sớm có thể biến chứng viêm phúc mạc
- Viêm phúc mạc: viêm nhiễm nghiêm trọng, thủng túi thừa khiến cho phân hoặc dịch tiêu hóa rơi vào khoang bụng và gây viêm nhiễm niêm mạc vùng này. Nếu không được điều trị kịp có thể bị tử vong.
- Tích tụ mủ bên trong túi thừa hình thành khối áp xe túi thừa.
- Chảy máu trực tràng.
- Tắc nghẽn bên trong đại tràng.
2.2. Triệu chứng bệnh viêm túi thừa đại tràng
Hầu hết ca bệnh viêm túi thừa đại tràng không xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Một số người bệnh bị đau bụng dưới bên trái kèm cảm giác đầy hơi, chướng bụng, đại tiện rối loạn,...
Các triệu chứng viêm túi thừa đại tràng khác có thể gặp phải như:
- Thói quen đại tiện thay đổi, đi ngoài táo bón hoặc phân lỏng.
- Chán ăn, hay cảm thấy buồn nôn, dễ bị nôn ói.
- Rét run, sốt cao.
- Một số ít bị chảy máu trực tràng.
- Đi tiểu bị đau rát.
- Phụ nữ bị ra khí hư khác thường.
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm túi thừa đại tràng
3.1. Cách thức chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng
Để chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng bác sĩ sẽ căn cứ trên:
- Triệu chứng lâm sàng, bệnh sử.
- Kết quả xét nghiệm máu: bạch cầu tăng, CRP tăng, PCT tăng (dấu hiệu nhiễm trùng).
- Kết quả chụp X-quang đại tràng: đánh giá phạm vi bệnh.
- Kết quả chụp CT-Scanner vùng bụng: phân biệt nhiễm trùng với viêm túi thừa.
- Kết quả nội soi đại tràng ống mềm qua hậu môn: căn cứ vào đặc điểm của mặt trong đại tràng để bổ sung thông tin cho chẩn đoán.
3.2. Điều trị viêm túi thừa đại tràng
Mục đích chính của việc điều trị viêm túi thừa đại tràng là trị nhiễm khuẩn và giảm thiểu nguy cơ biến chứng:
- Điều trị viêm túi thừa nhẹ
+ Dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống co thắt và thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ.
+ Ăn ít hoặc nhịn ăn vài ngày để đại tràng được nghỉ ngơi sau đó bắt đầu lại bằng thức ăn lỏng giàu chất xơ cho đến khi không còn bị đau nữa.
Viêm túi thừa đại tràng nặng cần điều trị phẫu thuật
- Điều trị viêm túi thừa nặng, tần suất tái phát dày
+ Người bệnh cần được điều trị nội trú khi cơn đau nhiều, mức độ viêm nhiễm nặng.
+ Truyền kháng sinh, truyền nước tĩnh mạch để theo dõi diễn tiến bệnh.
+ Sau 3 ngày truyền kháng sinh nếu không thuyên giảm, có túi mủ, viêm ruột, viêm phúc mạc thì phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng chứa túi thừa bị viêm. Tùy từng trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc cắt ruột một thì hoặc cắt ruột hai thì kết hợp làm hậu môn nhân tạo.
Ngoài ra, trường hợp túi thừa ăn mòn đến bàng quang làm tái phát nhiễm trùng tiểu nặng, có hơi khi tiểu tiện và tắc ruột thì cũng cần phẫu thuật.
Với phẫu thuật một thì, phần ruột chứa túi thừa sẽ bị cắt rồi nối các đoạn ruột già không bị viêm lại để nhu động ruột bình thường. Với phẫu thuật hai thì kết hợp làm hậu môn nhân tạo thì lần mổ đầu tiên không thể nối đại tràng với trực tràng được nên người bệnh sẽ được tạo một lỗ trên thành bụng để nối ruột già vào đưa chất thải ra ngoài. Khi viêm nhiễm chấm dứt (khoảng vài tháng) người bệnh sẽ được phẫu thuật thêm lần nữa để cắt nối lại phần ruột đã bị cắt.
Giai đoạn hậu phẫu người bệnh cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, không được vận động mạnh, chú ý ăn thức ăn lỏng trong vài ngày để đại tràng hồi phục sau đó bổ sung thêm chất xơ từ trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt,...
Nhìn chung, viêm túi thừa là bệnh lý cần được điều trị sớm nhưng số đông trường hợp mắc bệnh lại không có triệu chứng lâm sàng nên khó phát hiện. Vì thế, giải pháp phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh lý này chính là khám sức khỏe định kỳ.
Quý khách hàng có triệu chứng nghi ngờ viêm túi thừa đại tràng có thể đến thăm khám tại Chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được bác sĩ đầu ngành kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chẩn đoán cận lâm sàng và được điều trị ngay với những trường hợp đã được xác định bệnh.
Mọi thắc mắc liên quan đến bệnh lý này hay cần đặt lịch thăm khám, quý khách hãy liên hệ trực tiếp hotline 1900 56 56 56.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!