Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh võng mạc tiểu đường: Hiểu đúng để phòng ngừa hiệu quả
- 26/06/2025 | Người bị tiểu đường có ăn được tôm, cua không? Cần lưu ý gì khi ăn?
- 26/06/2025 | Người bệnh tiểu đường có ăn được trứng gà không? Cần chú ý điều gì?
- 26/06/2025 | Tiểu đường ăn đậu phộng được không - Ăn sao cho đúng và an toàn?
1. Thông tin tổng quan về bệnh võng mạc tiểu đường
Võng mạc là lớp tế bào cảm thụ ánh sáng nằm bên trong mắt, có chức năng chuyển ánh sáng thành tín hiệu thần kinh gửi đến não. Bệnh võng mạc tiểu đường là một trong những biến chứng về mắt thường gặp và nguy hiểm ở người bị đái tháo đường. Đây là tình trạng các mạch máu nhỏ ở võng mạc bị tổn thương do đường huyết cao kéo dài, khiến võng mạc suy yếu, phù nề, xuất huyết hoặc bong ra, dẫn đến giảm thị lực hoặc mù lòa nếu không điều phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh võng mạc tiểu đường được phân chia thành 2 giai đoạn:
- Bệnh võng mạc nền (không tăng sinh): Đây là giai đoạn khởi phát của bệnh, khi các mao mạch trong võng mạc bắt đầu bị hư hại, dẫn đến hiện tượng phù hoàng điểm. Ngoài ra, mạch máu có thể bị tắc nghẽn, thiếu máu cục bộ hoặc hình thành dịch tiết, làm suy giảm thị lực.
- Bệnh võng mạc tăng sinh: Đây là giai đoạn tiến triển nghiêm trọng, khi các mạch máu bất thường bắt đầu phát triển trên võng mạc, rất dễ vỡ và gây xuất huyết vào dịch kính, dẫn đến hiện tượng nhìn mờ.Những mạch máu bất thường này cũng có thể hình thành mô sẹo, gây kéo căng võng mạc, làm bong võng mạc và dẫn đến suy giảm thị lực nặng.
Nguyên nhân chính là do lượng đường huyết cao kéo dài, làm tổn thương thành mạch máu nhỏ tại võng mạc. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh gồm:
- Thời gian mắc tiểu đường dài: Càng mắc bệnh lâu, nguy cơ tổn thương võng mạc càng cao;
Mắc tiểu đường trong thời gian dài có nguy cơ gây ra bệnh võng mạc tiểu đường
- Đường huyết không được kiểm soát ổn định;
- Tăng huyết áp kéo dài;
- Mỡ máu tăng cao (cholesterol, triglyceride);
- Mang thai ở người mắc tiểu đường;
- Hút thuốc lá.
Trong giai đoạn đầu, bệnh thường tiến triển âm thầm mà không biểu hiện triệu chứng cụ thể, khiến người mắc dễ bỏ qua. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, một số dấu hiệu có thể xuất hiện, chẳng hạn như:
- Thị lực giảm, gặp khó khăn khi quan sát các vật ở khoảng cách gần hoặc xa;
- Nhìn thấy các đốm đen, chấm hoặc đường lượn sóng trôi nổi trong tầm nhìn (floaters);
- Gặp trở ngại trong việc quan sát vào ban đêm hoặc trong điều kiện thiếu sáng;
- Thị lực suy giảm từ từ hoặc mất đột ngột;
- Hình ảnh nhìn thấy bị méo mó hoặc biến dạng.
Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến xuất huyết võng mạc, bong võng mạc, tăng nhãn áp tân mạch và thậm chí mù lòa vĩnh viễn.
2. Chẩn đoán và điều trị võng mạc tiểu đường
Chẩn đoán võng mạc tiểu đường
- Soi đáy mắt (fundoscopy): Dùng kính soi đáy mắt để quan sát trực tiếp tình trạng mạch máu và võng mạc;
- Chụp mạch huỳnh quang (fluorescein angiography): Xác định vị trí rò rỉ, tắc nghẽn mạch máu, tăng sinh mạch;
- Chụp mạch OCT: Hỗ trợ bác sĩ quan sát tình trạng tổn thương của các mạch máu trong võng mạc.
Điều trị võng mạc tiểu đường
- Tiêm thuốc vào mắt: Giúp giảm phù hoàng điểm, làm chậm quá trình mất thị lực và thậm chí cải thiện thị lực. Các thuốc được sử dụng phổ biến gồm Avastin, Eylea, Lucentis. Người bệnh có thể cần tiêm nhiều lần trong suốt quá trình điều trị;
- Laser điều trị võng mạc: Dùng tia laser để làm co mạch máu, ngăn chặn rò rỉ và giảm sưng võng mạc. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ nhỏ thuốc tê và sử dụng thấu kính đặc biệt để dẫn tia laser chính xác vào vùng cần điều trị;
- Phẫu thuật cắt dịch kính: Áp dụng với các trường hợp bong võng mạc, rách võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính.
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh võng mạc tiểu đường
Lưu ý sau phẫu thuật mắt:
- Mắt có thể sưng đỏ, đau nhẹ và nhìn mờ trong vài tuần đầu;
- Theo dõi thường xuyên tiến triển của thị lực;
- Sử dụng miếng che mắt và thuốc nhỏ mắt theo hướng dẫn để giảm viêm và phòng ngừa nhiễm trùng;
- Tránh lái xe, tập nặng, nâng vật nặng, đi máy bay hoặc du lịch xa;
- Nghỉ ngơi tại nhà từ 2 – 4 tuần để mắt hồi phục tốt nhất.
3. Phương pháp phòng ngừa võng mạc tiểu đường
Kiểm soát đường huyết
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và tốt cho sức khỏe;
- Giữ thói quen vận động đều đặn, phù hợp với tình trạng sức khỏe;
- Tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị và sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Tái khám định kỳ và theo dõi chỉ số đường huyết nhiều lần trong ngày để có sự điều chỉnh kịp thời.
Khám mắt định kỳ
Thăm khám mắt thường xuyên giúp phát hiện sớm các bất thường ở võng mạc, từ đó can thiệp điều trị kịp thời, nâng cao hiệu quả và hạn chế biến chứng nguy hiểm do tiểu đường gây ra.
Thăm khám định kỳ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường
Kiểm soát huyết áp và mỡ máu
Người bệnh nên duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống khoa học, giảm muối, hạn chế chất béo xấu và tập luyện thể dục thường xuyên để kiểm soát huyết áp và cholesterol trong ngưỡng an toàn.
Tránh xa thuốc lá
Hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng do tiểu đường, bao gồm cả tổn thương võng mạc.
Chú ý đến mắt
Khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường về thị lực, bạn nên đến cơ sở chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để được kiểm tra và điều trị kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh võng mạc tiểu đường bạn đọc nên tham khảo, từ đó có hướng kiểm tra, phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả. Nếu có thêm thắc mắc cần giải đáp hoặc có nhu cầu thăm khám, kiểm tra sức khỏe, bạn đọc có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!