Các tin tức tại MEDlatec
Buồn nôn sau khi ăn có thể là dấu hiệu của bệnh lý nào?
- 29/10/2021 | Chóng mặt buồn nôn là bệnh gì và cách khắc phục nhanh chóng
- 22/09/2022 | Tổng hợp những cách hết buồn nôn đơn giản và hiệu quả nhất
- 06/07/2022 | Góc giải đáp: Nôn ra dịch mật là do những nguyên nhân nào?
- 08/09/2022 | Nôn ra máu: Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm
- 13/12/2022 | Dùng thuốc chống nôn cần lưu ý điều gì?
1. Cảm giác buồn nôn sau khi ăn xuất hiện do đâu?
Tình trạng buồn nôn sau khi ăn có thể là triệu chứng của một vài bệnh lý như sau:
1.1. Trào ngược dạ dày - thực quản
Dịch acid từ dạ dày trào ngược lên trên thực quản sẽ gây ra bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản. Người bệnh có thể bị ợ nóng sau khi ăn, nhất là khi ăn quá nhiều đồ cay nóng hoặc dầu mỡ. Cảm giác bị nóng rát ở phần ngực trên và cổ họng sau khi acid trào ngược lên cũng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu và buồn nôn.
Bệnh trào ngược dạ dày có thể gây ra tình trạng buồn nôn sau ăn
1.2. Ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một dạng rối loạn các chức năng hệ tiêu hóa khiến người bệnh thay đổi thói quen đi đại tiện, đau bụng, chướng bụng, khó tiêu, ợ nóng và có cảm giác buồn nôn sau khi ăn.
1.3. Bị ngộ độc thực phẩm
Nhiều trường hợp bị buồn nôn sau khi ăn có thể là do ngộ độc thực phẩm. Cụ thể hơn, hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu ăn phải đồ ăn quá hạn, không hợp vệ sinh, bị hư hỏng. Lúc này, cơ thể không hấp thu được thực phẩm sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và bị buồn nôn.
1.4. Bị dị ứng thực phẩm
Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể bị nhầm lẫn thành phần nào đó ở trong thực phẩm là yếu tố gây hại với sức khỏe. Lúc này, cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế phòng vệ và gây nên tình trạng buồn nôn sau khi ăn, cùng với đó là một số biểu hiện dị ứng khác như sưng mặt, sưng môi hoặc bị khó thở,...
1.5. Bệnh lý liên quan đến túi mật
Khi ăn, túi mật sẽ tiến hành co bóp và đưa dịch mật vào tá tràng để tiêu hóa thực phẩm. Nếu túi mật có vấn đề (như viêm túi mật, sỏi mật,...), quá trình này sẽ bị gián đoạn và khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn ngay sau khi ăn khoảng từ 15 đến 20 phút. Bệnh nhân có thể đi kèm thêm nhiều triệu chứng khác như bị đau bụng, tiêu chảy, sụt ký,...
1.6. Bị viêm tụy
Trong cơ thể, tuyến tụy chịu trách nhiệm sản xuất enzyme giúp hỗ trợ phân hủy thức ăn. Khi tuyến tụy bị tổn thương, số lượng enzyme không được sản sinh đủ để phân hủy thực phẩm khiến bạn bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy,...
1.7. Những nguyên nhân khác
Bên cạnh những bệnh lý kể trên, tình trạng buồn nôn sau khi ăn còn có thể do một số nguyên nhân sau đây:
Cảm giác buồn nôn sau ăn có thể do nhiều nguyên nhân, bệnh lý khác nhau
- Do ăn quá no.
- Mang thai.
- Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị.
- Tác dụng phụ khi điều trị ung thư: hóa trị, xạ trị,...
- Bị trầm cảm.
- Tình trạng căng thẳng kéo dài.
- Rối loạn tiền đình.
- Suy thượng thận.
- Biểu hiện sớm của nhồi máu cơ tim.
- Do hệ hô hấp bị kích ứng vì một số bệnh lý như viêm họng, viêm mũi,...
Cảm giác buồn nôn sau khi ăn có thể tự khỏi với một vài trường hợp. Thế nhưng, nếu nguyên nhân do bệnh lý thì người bệnh cần theo dõi thêm các triệu chứng đi kèm và thăm khám sớm.
Tình trạng này kéo dài có thể khiến bạn gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm
2. Nên thăm khám bác sĩ khi nào?
Cảm giác buồn nôn sau ăn được cho là không quá nguy hiểm. Thế nhưng, khi bạn nhận thấy tình trạng này diễn ra liên tiếp từ vài ngày trở lên hoặc đi kèm với một vài triệu chứng dưới đây thì nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và có phương án điều trị phù hợp.
Một số biểu hiện bất thường đi kèm với triệu chứng buồn nôn sau mỗi bữa ăn mà bạn cần lưu ý như:
- Có dấu hiệu nôn ra máu.
- Bị đau tức ngực.
- Bị tiêu chảy dài ngày.
- Cơ thể có dấu hiệu bị mất nước.
- Sốt cao.
- Cảm giác bị đau bụng dữ dội.
- Tim đập nhanh hơn.
- Bị nôn mửa dữ dội.
- Có tình trạng vàng da hoặc vàng mắt.
- Căng thẳng và mệt mỏi quá mức nhiều ngày liên tiếp.
- Đi đại tiện ra máu hoặc màu nước tiểu vàng đục.
Nếu tình trạng không thuyên giảm thì người bệnh cần thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị
3. Các biện pháp điều trị và cải thiện tình trạng buồn nôn sau ăn
Tùy vào từng nguyên nhân gây nên tình trạng bị buồn nôn sau khi ăn mà phương pháp điều trị và cải thiện cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là một số biện pháp điều trị có hiệu quả mà bạn có thể tham khảo như:
- Đối với trường hợp bị dị ứng thức ăn, bạn nên hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm có chứa yếu tố gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn hàng ngày của mình.
- Những trường hợp bị trào ngược dạ dày thì nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh. Đồng thời, bạn cũng nên xây dựng cho mình một chế độ ăn khoa học, tăng cường rau xanh, hạn chế các món ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ,...
- Nếu do nguyên nhân bệnh lý như viêm túi mật, sỏi mật,... thì cần điều trị dứt điểm.
- Nếu bạn bị buồn nôn do ngộ độc thực phẩm thì cần uống thuốc và bổ sung dung dịch điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên ưu tiên ăn các món ăn nhạt, thanh đạm, dạng lỏng, dễ tiêu hóa và nghỉ ngơi trong vài ngày cho đến khi cơ thể hồi phục sức khỏe.
Ngoài những biện pháp điều trị ở trên, bạn cũng có thể cân nhắc thêm những cách làm giảm cảm giác buồn nôn sau khi ăn như:
- Ăn uống từ tốn và chậm rãi.
- Chia nhỏ các bữa ăn để giảm bớt hoạt động ở hệ tiêu hóa.
- Nên thư giãn và ngồi yên sau bữa ăn để thực phẩm có thời gian tiêu hóa.
Chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp bạn cải thiện vấn đề
Nhìn chung, cảm giác buồn nôn sau khi ăn khá phổ biến và do nhiều nguyên nhân gây nên. Mặc dù đa phần tình trạng này không quá nghiêm trọng nhưng bạn không nên chủ quan vì đây có thể là một triệu chứng cảnh báo cơ thể đang mắc phải một bệnh lý nào đó. Vì vậy, khi bạn bị buồn nôn sau mỗi bữa ăn, đi kèm với nhiều biểu hiện đáng ngờ khác, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.
Một địa chỉ y tế uy tín và chất lượng bạn có thể lựa chọn là chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!