Các tin tức tại MEDlatec

Các bệnh về dạ dày thường gặp: Tìm hiểu chi tiết nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 18/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lưu Tuấn Thành
Dạ dày là cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, do áp lực từ cuộc sống, thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh, thực tế hiện nay tỷ lệ người mắc các bệnh về dạ dày ngày càng nhiều. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có được những thông tin cơ bản nhất về nguyên nhân, triệu chứng, cách thức chẩn đoán và điều trị các bệnh lý dạ dày thường gặp.

1. Nhận diện triệu chứng các bệnh về dạ dày thường gặp nhất

1.1. Viêm loét dạ dày tá tràng

Đây là bệnh lý xảy ra khi niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương, có các vết loét. Chính sự xuất hiện đó đã khiến người bệnh có triệu chứng:

- Đau ở thượng vị khi đói hoặc đau ngay sau bữa ăn, tùy từng trường hợp mà đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội.

- Đầy hơi, ợ chua, nóng rát vùng ngực.

- Đi ngoài có máu trong phân hoặc phân có màu đen.

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng là do sự tấn công của vi khuẩn H. pylori gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dùng thuốc kháng viêm không steroid gây kích ứng niêm mạc, lối sống không lành mạnh,...

Hình ảnh mô phỏng các tổn thương bên trong niêm mạc ở người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

1.2. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản nằm trong nhóm các bệnh lý về dạ dày thực quản có nhiều người mắc phải. Bệnh xuất phát từ sự trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản, khiến người bệnh có biểu hiện:

- Cảm thấy có vị chua trong miệng hoặc cảm thấy nóng rát từ vùng thượng vị lan lên họng.

- Đau tức ngực.

- Cảm giác vướng hoặc đau khi nuốt.

- Ho kéo dài, nhất là vào ban đêm hoặc sau bữa ăn.

- Hơi thở có mùi.

Nguyên nhân chính gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản là do sự suy giảm cơ vòng thực quản dưới khiến cho axit dễ trào ngược lên, tình trạng béo phì làm tăng áp lực lên ổ bụng, thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ hoặc nằm ngay sau ăn, stress quá mức,...

1.3. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương gây chảy máu từ các mạch máu vào trong lòng dạ dày. Bệnh lý này được xếp vào nhóm cần cấp cứu ngay để bảo vệ tính mạng cho người bệnh.

Người bị xuất huyết dạ dày dễ gặp phải các triệu chứng:

- Nôn ra máu màu đỏ tươi hoặc nâu đen như bã cà phê, tùy thuộc vào mức độ tổn thương.

- Đi ngoài phân màu đen và hôi.

- Mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt do thiếu máu.

- Đau bụng dữ dội, nhất là ở vùng thượng vị kèm theo cảm giác buồn nôn.

Xuất huyết dạ dày thường là kết quả của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra, dùng thuốc NSAIDs kéo dài, uống bia rượu nhiều,... cũng rất dễ làm mỏng và tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày từ đó gây nên chảy máu dạ dày.

1.4. Ung thư dạ dày

Sự xuất hiện và nhân lên của tế bào ác tính trong niêm mạc dạ dày khiến cho ung thư dạ dày hình thành. Khối u này có khả năng phát triển nhanh chóng và di căn sang các cơ quan khác nếu không được phát hiện và có biện pháp điều trị từ giai đoạn sớm.

Trong các bệnh về dạ dày thì ung thư dạ dày có tính nguy hiểm cao nhất bởi bệnh lý này càng tiến triển càng nhanh chóng rút ngắn thời gian sống của người bệnh. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn với các triệu chứng:

- Cảm giác đau khắp vùng thượng vị, ban đầu có thể chỉ đau âm ỉ nhưng càng ngày mức độ đau càng nhân lên.

- Ăn không ngon miệng, mệt mỏi, sụt cân khó xác định nguyên nhân.

- Buồn nôn, nôn, thường có máu trong dịch hoặc thức ăn khi người bệnh nôn ra.

- Đi ngoài phân đen hoặc có máu.

- Khối u càng phát triển càng chèn ép khiến người bệnh thấy chướng bụng, ăn không tiêu, nôn ra thức ăn.

Nhiễm vi khuẩn H. pylori là yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày và hình thành ung thư. Ngoài ra, bệnh lý dạ dày mạn tính, yếu tố di truyền, thói quen ăn uống không lành mạnh,... là những yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến sự hình thành bệnh lý nguy hiểm này.

Tình trạng nhân lên của tế bào ác tính gây bệnh ung thư dạ dày

2. Phương thức nào giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh về dạ dày?

2.1. Cách thức chẩn đoán

Hầu hết các bệnh về dạ dày đều được chẩn đoán qua các kiểm tra cận lâm sàng sau:

- Nội soi dạ dày

Người bệnh sẽ được đưa ống nội soi có gắn camera qua đường mũi hoặc đường miệng để bác sĩ quan sát trực tiếp và phát hiện tổn thương, vết loét hoặc khối u bên trong dạ dày.

- Xét nghiệm HP

Thông qua test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc sinh thiết để xác định sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori - nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các bệnh về dạ dày.

- Chụp cắt lớp vi tính bụng

Đây là chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện các tổn thương, khối u hoặc biến dạng cấu trúc dạ dày.

- Xét nghiệm máu và phân

Giúp phát hiện máu ẩn trong phân do xuất huyết dạ dày.

2.2. Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị các bệnh về dạ dày thường được quyết định sau khi bác sĩ đã có đánh giá chính xác về nguyên nhân gây ra và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng với dạ dày như:

- Thuốc kháng axit có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày. Việc dùng thuốc giúp cải thiện triệu chứng thường gặp ở dạ dày như: đau rát, ợ chua, ợ nóng,...

- Thuốc ức chế bơm proton nhằm làm giảm tiết axit trong dạ dày để tăng tốc độ làm lành vết loét.

- Kháng sinh: Được dùng trong trường hợp nhiễm vi khuẩn H. pylori.

- Thuốc bảo vệ niêm mạc để giảm nguy cơ tổn thương tiến triển.

- Nội soi dạ dày: Giúp cầm máu trong trường hợp xuất huyết hoặc loại bỏ các khối u nhỏ.

- Phẫu thuật: Áp dụng cho các trường hợp nặng như ung thư dạ dày hoặc loét dạ dày nghiêm trọng.

- Hóa trị hoặc xạ trị: Áp dụng với bệnh nhân ung thư dạ dày nhằm tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn nguy cơ khối u tái phát.

Bên cạnh việc thực hiện theo phác đồ điều trị do bác sĩ hướng dẫn, người mắc các bệnh về dạ dày cũng cần điều chỉnh lối sống bằng cách tránh ăn đồ cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, giảm stress,... 

Nội soi dạ dày giúp sàng lọc các bệnh về dạ dày

Đối với nhóm bệnh này, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ rất cần để phát hiện sớm, tăng khả năng điều trị khỏi và ngăn chặn nguy cơ tiến triển ung thư dạ dày. Ngoài ra, người thuộc nhóm có tiền sử gia đình về dạ dày nên chủ động tầm soát ung thư dạ dày định kỳ để kịp thời phát hiện từ giai đoạn sớm, tăng cơ hội chữa khỏi bệnh.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn, tầm soát các bệnh về dạ dày hãy liên hệ trực tiếp Hotline của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.