Các tin tức tại MEDlatec

Cách chăm sóc người bệnh sau chấn thương sọ não

Ngày 21/01/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Sau chấn thương sọ não, người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt để giảm thiểu biến chứng và hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng. Hãy tham khảo và áp dụng ngay những thông tin hữu ích được cung cấp trong bài viết sau.

1. Chấn thương sọ não để lại di chứng nào? 

Chấn thương sọ não gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ. Cụ thể như việc gây tổn thương giải phẫu nhu mô não, ảnh hưởng chức năng não bộ tạm thời hoặc vĩnh viễn... Những bệnh nhân có tổn thương nặng thường cần phải được phẫu thuật để đặt monitor theo dõi và điều trị tăng áp lực nội sọ, giải tỏa não nếu áp lực nội sọ tăng, hoặc lấy bỏ khối máu tụ nội sọ. Chấn thương sọ não có thể để lại nhiều di chứng nếu chức năng của não bộ bị suy giảm không hồi phục. Hiểu rõ những biến chứng có thể xảy ra sẽ giúp bệnh nhân và gia đình có sự chuẩn bị tốt hơn cho quá trình hồi phục.

Các di chứng thường gặp do chấn thương sọ não bao gồm: 

Rối loạn vận động:

  • Liệt nửa người:  Một nửa cơ thể mất một phần hoặc toàn bộ khả năng vận động;
  • Rối loạn thăng bằng và phối hợp: Quá trình đi lại hoặc giữ thăng bằng gặp nhiều cản trở;
  • Co cứng: Cơ bắp co cứng, cứng nhắc.

Rối loạn cảm giác:

  • Mất cảm giác: Một phần hoặc toàn bộ cơ thể không còn cảm nhận được các kích thích như nóng, lạnh, đau;
  • Rối loạn thị giác: Thị giác bị ảnh hưởng;
  • Rối loạn thính giác: Nghe kém, ù tai.

Rối loạn nhận thức:

  • Mất trí nhớ: Khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới và nhớ lại những sự kiện đã xảy ra;
  • Rối loạn ngôn ngữ: Gặp khó khăn trong giao tiếp, biểu đạt suy nghĩ;
  • Rối loạn tập trung: Khả năng tập trung bị ảnh hưởng.

Rối loạn nhận thức là một trong những di chứng nguy hiểm có thể gặp phải sau chấn thương sọ não

Rối loạn tâm thần:

  • Trầm cảm: Tâm trạng bị ảnh hưởng;
  • Tính cách thay đổi: Dễ cáu gắt hoặc kích động.

Rối loạn giấc ngủ:

  • Mất ngủ: Khó đi vào giấc ngủ hoặc thức giấc giữa đêm;
  • Ngủ quá nhiều: Ngủ quá nhiều trong ngày.

Các di chứng trên gây tác động đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, bao gồm:

  • Gây khó khăn trong công việc: Khó tập trung, giảm năng suất làm việc;
  • Chức năng giao tiếp hạn chế: Khó giao tiếp, cô lập bản thân;
  • Trở thành gánh nặng cho gia đình: Tốn kém chi phí điều trị, người nhà phải dành nhiều thời gian chăm sóc.

2. Các phương pháp phục hồi sau chấn thương sọ não 

Sau chấn thương sọ não, khi chức năng thần kinh bị thiếu hụt kéo dài, cần phải phục hồi chức năng. Quá trình phục hồi này vô cùng quan trọng để giúp bệnh nhân lấy lại các chức năng đã mất và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Các phương pháp được áp dụng phổ biến bao gồm: 

Vật lý trị liệu:

Với mục tiêu cải thiện khả năng vận động cho người bệnh, các bài tập được áp dụng bao gồm:

  • Bài tập vận động các khớp: Giúp tăng khả năng vận động của các khớp bị cứng;
  • Bài tập tăng cường cơ: Các nhóm cơ bị yếu sẽ được cải thiện;
  • Bài tập đi lại: Hỗ trợ bệnh nhân đi lại an toàn và tự tin hơn.

Sau chấn thương sọ não người bệnh cần thực hiện vật lý trị liệu để hỗ trợ quá trình hồi phục 

Ngôn ngữ trị liệu:

Đây là phương pháp nhằm cải thiện khả năng giao tiếp, hiểu và sử dụng ngôn ngữ với các bài tập như:

  • Bài tập phát âm: Rèn luyện khả năng phát âm;
  • Bài tập ngôn ngữ: Tập trung cải thiện khả năng diễn đạt;
  • Bài tập hiểu ngôn ngữ: Cải thiện khả năng hiểu các thông tin nghe và đọc.

Tâm lý trị liệu:

Được áp dụng với mục đích giảm các triệu chứng tâm lý như trầm cảm, lo âu, giúp bệnh nhân thích nghi với cuộc sống mới. Các phương pháp phổ biến bao gồm: 

  • Tâm lý trị liệu cá nhân: Hỗ trợ bệnh nhân giải quyết các vấn đề tâm lý;
  • Tâm lý trị liệu nhóm: Tạo cơ hội cho bệnh nhân chia sẻ và học hỏi từ những người cùng cảnh ngộ;
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Loại bỏ những ý nghĩ và hành động mang tính tiêu cực. 

Điều trị bằng thuốc:

Đây là một trong những phương pháp quan trọng nhằm giảm các triệu chứng như đau, co cứng, trầm cảm, lo âu. Một số loại thuốc được sử dụng bao gồm: 

  • Thuốc giảm đau: Giảm đau do chấn thương;
  • Thuốc giãn cơ: Giảm co cứng cơ;
  • Thuốc chống lo âu: Giảm lo lắng, căng thẳng.

Các phương pháp khác:

  • Liệu pháp nghề nghiệp: Cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động thường quy;
  • Kích thích điện não: Kích thích các vùng não bị tổn thương để cải thiện chức năng.

Mỗi bệnh nhân sẽ có một quá trình phục hồi khác nhau. Việc hợp tác chặt chẽ với đội ngũ bác sĩ, nhà vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và tâm lý trị liệu là rất quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất.

3. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau chấn thương sọ não

Việc chăm sóc chu đáo là chìa khóa giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và toàn diện sau chấn thương sọ não. Do đó, người nhà cần nắm bắt một số lưu ý quan trọng như sau: 

Chăm sóc vết mổ

  • Giữ vết mổ sạch sẽ: Sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn và băng gạc vô trùng;
  • Theo dõi chặt chẽ: Theo dõi vết mổ có dấu hiệu đỏ, sưng, nóng, đau, chảy mủ hay không hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác để thông báo kịp thời tới đội ngũ y bác sĩ. 

Cải thiện sức khỏe tổng quát 

Bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh:

Người nhà có thể cân nhắc việc bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh bằng việc áp dụng một số cách sau: 

  • Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình hồi phục;
  • Chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu;
  • Uống đủ nước.

Lưu ý chế độ dinh dưỡng cho người bệnh 

Vệ sinh cá nhân:

Sau khi bị chấn thương sọ não, người bệnh thường gặp khó khăn trong các hoạt động chăm sóc cơ thể hàng ngày. Vì vậy, người  nhà cần hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình vệ sinh hàng ngày bao gồm tắm rửa, cắt móng tay, móng chân… 

Thay đổi tư thế:

Việc nằm nguyên một tư thế trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng loét ra, do đó: 

  • Bệnh nhân cần được thay đổi tư thế thường xuyên;
  • Sử dụng đệm chống loét nếu cần thiết.

Theo dõi dấu hiệu bất thường:

Nếu bệnh nhân xuất hiện các tình trạng bất thường như đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, mất ý thức, khó thở, co giật, thay đổi hành vi… cần thông báo kịp thời cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp. 

Tạo môi trường sống thuận lợi

Không gian sống thuận lợi góp phần rất lớn đối với quá trình phục hồi của người bệnh sau chấn thương sọ não. Do đó, người nhà cần lưu ý: 

  • Tạo không gian sống thoáng mát, sạch sẽ;
  • Giảm thiểu tiếng ồn;
  • Tạo không khí gia đình ấm áp, vui vẻ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về những lưu ý trong việc chăm sóc bệnh nhân sau chấn thương sọ não. Nếu bạn đọc có thêm thắc mắc liên quan cần giải đáp vui lòng liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.