Các tin tức tại MEDlatec
Chỉ số PLT là gì? Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm PLT
- 11/05/2025 | Các chỉ số xét nghiệm suy thận quan trọng bạn cần biết
- 12/05/2025 | Chỉ số xét nghiệm máu: Hướng dẫn cách đọc và lưu ý trước khi thực hiện
- 13/05/2025 | Ý nghĩa chỉ số mức lọc cầu thận GFR
- 18/05/2025 | Chỉ số INR là gì và những lưu ý trước khi làm xét nghiệm
- 19/05/2025 | Tìm hiểu về các chỉ số xét nghiệm chức năng gan cơ bản
1. Chỉ số PLT là gì?
Chỉ số PLT (Platelet Count) là số lượng tiểu cầu trong mỗi microlit máu ngoại vi, thường dao động trong khoảng 150.000 – 450.000/μL. Đây là thành phần thiết yếu trong quá trình cầm máu và đông máu. PLT tăng cao hoặc giảm thấp có thể phản ánh các rối loạn bệnh lý như nhiễm trùng, bệnh lý tủy xương, suy tủy, hoặc xuất huyết, và thường là chỉ dấu quan trọng trong nhiều bệnh lý huyết học hoặc khi theo dõi điều trị.
Chỉ số PLT được sử dụng để đo lường lượng tiểu cầu thực tế trong máu
2. Xét nghiệm PLT được chỉ định khi nào?
Xét nghiệm PLT thường được chỉ định khi cần kiểm tra khả năng đông máu, xác định nguyên nhân gây chảy máu hoặc đông máu quá mức. Cụ thể, kỹ thuật phân tích này chủ yếu được chỉ định cho các nhóm đối tượng sau:
- Người bị chảy máu không rõ nguyên nhân.
- Người biểu hiện triệu chứng xuất huyết, xuất hiện vết bầm tím không rõ nguyên nhân trên da.
- Người bị thương, đồng thời bị chảy máu khó cầm.
- Người được chẩn đoán bị xuất huyết dạ dày, xuất huyết mạn tính.
- Người mắc bệnh lý liên quan đến thận.
- Người bệnh đang trong giai đoạn xạ trị hoặc hóa trị.
- Người thường xuyên bị chảy máu cam, chảy máu trong miệng.
- Người mắc bệnh lý khiến lượng tiểu cầu miễn dịch giảm.
- Phụ nữ bị chảy máu âm đạo, hành kinh ra nhiều bất thường.
- Người biểu hiện các triệu chứng như suy nhược cơ thể, choáng váng, tim đập nhanh, máu lẫn trong phân hoặc trong nước tiểu.
- Bệnh nhân sốt xuất huyết đang ở trong quá trình điều trị, cần kiểm tra lượng tiểu cầu liên tục.
- Bệnh nhân đang điều trị bằng một số loại thuốc như:
- Heparin.
- Một số kháng sinh (Penicillin liều cao), Quinine,...
- Hóa chất điều trị ung thư.
- Một số thuốc chống động kinh hoặc lợi tiểu,…
Xét nghiệm PLT giúp bác sĩ đánh giá khả năng đông máu
Nhìn chung, xét nghiệm công thức máu xác định chỉ số PLT có thể được chỉ định khi bệnh nhân khám sức khỏe tổng quát, đánh giá hiệu quả quá trình điều trị bệnh lý về máu, biểu hiện triệu chứng của tình trạng rối loạn tiểu cầu,...
3. Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm
Ở người trưởng thành khỏe mạnh, lượng tiểu cầu trong máu dao động từ 150.000 đến 400.000/microlit máu. Trong nhiều trường hợp, lượng tiểu cầu trong máu có thể cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường, cụ thể:
- Lượng tiểu cầu giảm thấp: Dưới 150.000 tiểu cầu/microlit máu.
- Lượng tiểu cầu tăng cao: Trên 450.000 tiểu cầu/microlit máu.
Khi nhận kết quả phân tích, bạn hãy chú ý lắng nghe tư vấn của bác sĩ, tuân thủ các biện pháp điều trị theo chỉ định để kiểm soát lượng tiểu cầu trong máu.
4. Chỉ số PLT cao hoặc thấp phản ánh điều gì?
PLT tăng cao hay giảm thấp đều là dấu hiệu bất thường, cần thận trọng theo dõi. Cụ thể:
4.1. PLT cao
Chỉ số PLT tăng cao là khi lượng tiểu cầu trong máu lớn hơn 450.000 tiểu cầu/microlit máu. Lượng tiểu cầu tăng cao có thể là do ảnh hưởng của các cục máu đông, gây tình trạng tắc nghẽn, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông máu. Tình trạng này dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Lượng tiểu cầu tăng cao dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim
Chỉ số PLT cao có thể phản ánh tình trạng tăng sinh tiểu cầu do các nguyên nhân như:
- Nhiễm trùng, viêm cấp hoặc mạn tính (viêm khớp, bệnh viêm ruột…).
- Thiếu máu thiếu sắt.
- Hậu phẫu, mất máu cấp, sau chấn thương.
- Các bệnh tăng sinh tủy xương (như bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát - Essential Thrombocythemia).
Tăng tiểu cầu kéo dài làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc mạch phổi… nếu không kiểm soát.
4.2. PLT thấp
Chỉ số PLT giảm thấp là khi lượng tiểu cầu thấp hơn 150.000 tiểu cầu/microlit máu. Khi đó, cơ thể thường biểu hiện triệu chứng là chảy máu. Theo đó, máu có thể chảy bất chợt, chảy từ bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Dấu hiệu dễ nhận thấy lúc này là trên da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết, các vết bầm tím. Ngoài ra, người bệnh còn hay bị chảy máu cam, ra máu âm đạo bất thường hoặc hành kinh ra nhiều ở nữ giới.
Tình trạng chảy máu đặc biệt trở nên nguy hiểm nếu không may người bệnh bị tai nạn. Lúc này, việc cầm máu sẽ trở nên khó khăn hơn.
Sử dụng thuốc kháng Histamin H2 có thể khiến lượng tiểu cầu trong máu giảm
Nguyên nhân khiến lượng tiểu cầu trong máu giảm thấp thường là do ảnh hưởng của một số loại virus như virus sởi, virus viêm gan B, virus HIV, đặc biệt là virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, tác dụng phụ của các loại thuốc (thuốc Heparin, Sulfonamides, Quinine, Quinidine,...), tác động của hóa trị gây tổn thương tủy xương,... cũng dễ khiến tiểu cầu giảm mạnh.
Ở một số người lớn tuổi, chức năng tạo máu của tủy xương có thể giảm, từ đó ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu. Tuy nhiên, giảm tiểu cầu do tuổi tác thường nhẹ và không gây triệu chứng.
5. Cách ổn định chỉ số PLT
Nếu không phải do bệnh lý, sự biến động tạm thời chỉ số PLT hay tiểu cầu trong máu không phải vấn đề quá đáng lo. Để ổn định chỉ số này, bạn có thể áp dụng những biện pháp đơn giản sau đây:
- Ăn uống điều độ, khoa học: Ưu tiên sử dụng thực phẩm có lợi cho cơ thể như rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt,... Cụ thể như:
- Bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu vitamin B12, Acid Folic, sắt và kẽm như: rau xanh đậm, trái cây tươi, các loại hạt, thịt nạc, trứng, gan động vật, ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế rượu bia, thức ăn chế biến sẵn, nhiều đường hoặc dầu mỡ - những yếu tố có thể gây rối loạn chuyển hóa và ảnh hưởng đến chức năng tủy xương.
- Sinh hoạt khoa học: Hàng ngày, bạn nên duy trì luyện tập thể chất vừa sức, không ngủ quá muộn, tránh xa stress, không sử dụng các chất kích thích.
- Theo dõi y tế định kỳ: Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu quá thấp (nhỏ hơn 50.000/μL) hoặc quá cao (trên 450.000/μL), người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị cụ thể. Trong những trường hợp tiểu cầu quá thấp kèm nguy cơ xuất huyết, bác sĩ có thể chỉ định truyền tiểu cầu để bảo vệ tính mạng người bệnh.
Bạn nên áp dụng chế độ ăn uống khoa học để giúp ổn định chỉ số PLT
Nếu xét nghiệm cho thấy lượng tiểu cầu trong máu quá thấp, bệnh nhân có thể được chỉ định truyền máu, truyền tiểu cầu để duy trì các chức năng cho cơ thể.
Hy vọng qua bài viết này, bạn chắc hẳn đã hiểu hơn về chỉ số PLT. Đây là chỉ số cho biết sự thay đổi của tiểu cầu trong máu. Xét nghiệm PLT thường được chỉ định trong nhiều trường hợp. Trước khi lấy mẫu xét nghiệm, bạn hãy thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu chưa biết nên thăm khám hay làm xét nghiệm ở đâu uy tín, bạn có thể lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch tại MEDLATEC, Quý khách hãy liên hệ theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!