Các tin tức tại MEDlatec
Chữa bệnh từ cây nọc rắn: những điều nên biết
- 17/06/2024 | Cây rau mác - loài rau dại có công dụng chữa bệnh
- 17/06/2024 | Cây sâm rừng và những bài thuốc quý cho sức khỏe
- 08/07/2024 | Cây một dược - vị thuốc giảm đau, chống viêm tự nhiên ít người biết
1. Đặc điểm sinh học của cây nọc rắn
Cây nọc rắn (cỏ lưỡi rắn, đơn đòng, xà thiệt có cuống, cóc mẩn, vương thái tô, lưỡi rắn, nọc sởi) là loài cây dại họ lưỡi rắn. Thân cây nọc rắn nhỏ, hơi vuông, yếu, mềm, nhẵn. Trung bình mỗi cây nọc rắn cao 10 - 25cm. Phần gốc cây tròn, thân hơi vuông, màu nâu nhạt, có nhiều cành. Rễ cây nọc rắn hình trụ, có củ.
Lá cây nọc rắn thường có hình mác, màu xám nhạt, dài, mọc đối nhau. Mỗi lá thường dài 1.5 - 3.5 cm, rộng 1 - 2 mm, đầu lá nhọn và không có cuống.
Hình ảnh cây nọc rắn
Hoa cây nọc rắn mọc đôi từ kẽ lá hoặc mọc đơn, màu hồng hoặc trắng nhạt. Tràng hoa có độ dài 2.5cm, đài hoa có độ dài 2mm. Xung quanh hoa là 4 lá đài mọc nhọn như ngọn giáo.
Quả nọc rắn hình bán cầu, dạng nang, đỉnh quả hơi phồng, đài quả có xu hướng dẹt. Trong mỗi quả có nhiều hạt nhỏ chia thành 2 ngăn. Hạt nọc rắn màu nâu, có góc cạnh, nhỏ, nhiều gợn sóng ở bề mặt.
Trên thế giới, cây nọc rắn mọc nhiều ở châu Phi, châu Mỹ, miền Nam Trung Quốc. Ở nước ta, cây nọc rắn mọc hoang, dễ tìm, nhiều nhất ở đồng bằng hoặc các cánh rừng khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Sa Pa,...
2. Khai thác dược liệu cây nọc rắn
2.1. Bộ phận sử dụng và thu hái
Trong y học cổ truyền, dược liệu này có tên là Bạch hoa xà thiệt thảo. Có thể dùng mọi bộ phận của cây nọc rắn, thu hoạch quanh năm để làm dược liệu. Sau khi thu hoạch, cây nọc rắn sẽ được rửa sạch rồi thái khúc, phơi khô hoặc sao vàng để làm thuốc.
2.2. Bảo quản dược liệu
Dược liệu cây nọc rắn cần được bảo quản trong túi kín, ở nơi không bị ẩm mốc, không có côn trùng. Khi trời nắng nên mang dược liệu ra phơi để đảm bảo khô ráo.
3. Thành phần hóa học và công dụng của dược liệu cây nọc rắn
3.1. Thành phần hóa học
Một số nghiên cứu đã xác định được thành phần hóa học trong cây nọc rắn gồm:
Corymbosin, Scandosid, Stigmasterol, Axit Geniposidic, Asperulosid, Asperglavcid, B - sitosterol, C - sitosterol-o-glucose.
Thành phần cây nọc rắn có nhiều hoạt chất có thể chữa bệnh
3.2. Công dụng dược liệu
3.2.1. Theo y học cổ truyền
Y học cổ truyền xem cây nọc rắn là dược liệu có tính mát, vị ngọt xen chút đắng, hàn nhẹ. Dược liệu này có công dụng hoạt huyết tán ứ, giải độc, giảm đau, tiêu viêm,...
Tại Trung Quốc, người dân dùng cây nọc rắn để chữa một số bệnh ở trẻ nhỏ như viêm phổi, sốt cao, kinh phong, đau dạ dày. Dược liệu này cũng có thể kết hợp vừa uống vừa thoa ngoài da để chữa mề đay, mụn nhọt, rắn cắt, ứ huyết, chấn thương, gãy xương,...
Đại học Y học Cổ truyền Phúc Kiến - Trung Quốc đã có công trình nghiên cứu chứng minh rằng cây nọc rắn có thể khống chế tế bào ung thư đại tràng.
3.2.2. Theo y học hiện đại
Nhiều nghiên cứu lâm sàng và dược lý đã chứng minh được rằng dùng nước sắc đặc của cây nọc rắn có thể làm ức chế sự phát triển của trực khuẩn mủ xanh, thương hàn,... Đây cũng là dược liệu có thể cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường chức năng hoạt động của lớp vỏ tuyến thượng thận.
Có thể dùng cây nọc rắn để chữa vết thương do rắn cắn
4. Bài thuốc sử dụng cây nọc rắn để chữa bệnh
- Chữa lở ngứa, ung nhọt
Sắc 1 lít nước với 20g bách liên hoa, 50g xạ đen, 40g cây nọc rắn rồi chắt lấy nước để chia thành nhiều lần uống trong ngày.
- Chữa vàng da
Người bị vàng da nên sắc 25g hạ thảo, 15g cam thảo, 30g cây nọc rắn với lượng nước vừa đủ để xâm xấp bề mặt sau đó lấy nước sắc được uống cho đến khi khỏi hẳn dấu hiệu vàng da.
- Chữa u phổi
Sắc 1.5 lít nước cùng với 40g mỗi vị: cây nọc rắn, bạch mao căn và 20g xạ đen. Phần nước thuốc sau khi sắc uống thành 3 lần trong ngày.
- Chữa rắn cắn
Người bị rắn cắn cần được sơ cứu khẩn cấp bằng cách buộc garô thật chặt để ngăn không cho chất độc lan ra hệ tuần hoàn. Tiếp sau đó hãy kéo căng một sợi tóc rồi nhẹ nhàng gạt qua gạt lại vùng bị rắn cắn cho ống nọc bật ra.
Rửa sạch 100g cây nọc rắn tươi rồi nhai nhuyễn, nuốt phần nước, trừ lại phần bã để đắp trực tiếp lên vết cắn. Chờ khoảng 5 phút rồi tháo bỏ garô và 2 - 3 giờ sau đó hãy nấu nước cây nọc rắn để uống.
- Chữa sốt rét
Dùng 6g mỗi vị: thường sơn, mã tiên thảo, cây nọc rắn đem sắc lấy nước, uống khi nước còn nóng.
- Chữa viêm thận cấp
Đem các dược liệu sau: 30g bạch mao căn, 6g tô diệp, 9g chi tử; 15g mỗi vị: xa tiền thảo, cây nọc rắn sắc nước uống.
- Chữa ho do viêm phổi
Sắc 8g trần bì, 40g nọc rắn tươi lấy nước uống.
- Chữa amidan cấp
Dùng 12g mỗi vị: xa tiền thảo, cây nọc rắn sắc cùng nước để lấy thuốc uống.
- Chữa viêm gan cấp
Dùng 40g cây nọc rắn sắc cùng với lượng nước vừa đủ rồi lấy phần nước thuốc này uống.
- Giải độc sởi
Rửa sạch 20g cây nọc rắn khô hoặc 50g cây nọc rắn tươi rồi sắc với nước và một ít đường phèn. Lấy nước này uống 2 - 3 lần/ngày vào trước bữa ăn. Trường hợp có triệu chứng ho thì sắc cây nọc rắn cùng 6g bách bộ.
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về những tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng cây nọc rắn. Vì thế, không áp dụng bài thuốc từ dược liệu này cho thai phụ và người đang cho con bú. Trước khi dùng cây nọc rắn chữa bệnh, nên hỏi ý kiến của thầy thuốc để được hướng dẫn chi tiết về hàm lượng, cách sử dụng phù hợp với từng mục đích chữa trị cụ thể.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng, chính xác.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!