Các tin tức tại MEDlatec

Cục máu đông hình thành trong mạch máu não: Mối nguy hiểm tiềm ẩn cần xử lý kịp thời

Ngày 15/12/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Cục máu đông trong não là một tình trạng nguy hiểm cần được phát hiện sớm. Nếu được điều trị kịp thời có thể giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng. Dưới đây là những thông tin quan trọng giúp bạn hiểu rõ về cục máu đông trong não để có phương pháp điều trị hiệu quả.

1. Tại sao cục máu đông hình thành trong mạch máu não?

Cục máu đông hình thành trong mạch máu não là hiện tượng một cục máu đông hình thành trong các mạch máu cung cấp máu cho não. Khi cục máu đông xuất hiện, nó có thể gây tắc nghẽn mạch máu, gây thiếu máu não và có thể gây biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ. Cục máu đông có thể hình thành ở bất kỳ đâu trong hệ thống mạch máu, nhưng đặc biệt nguy hiểm khi chúng xuất hiện trong các mạch máu não.

Cục máu đông hành thành trong mạch máu não nguy hiểm cho sức khỏe

1.1. Cục máu đông trong não được hình thành do đâu?

Cục máu đông trong não có thể được gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Tăng huyết áp: Huyết áp cao làm tổn thương thành mạch máu, khiến mảng bám dễ dàng hình thành, từ đó dễ dẫn đến tình trạng hình thành cục máu đông.
  • Mỡ trong máu cao: Cholesterol cao trong máu có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn tới tắc nghẽn các mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Bệnh tim mạch: Các bệnh lý như rối loạn nhịp tim (ví dụ như rung nhĩ) hoặc suy tim, xơ vữa động mạch…làm tăng khả năng hình thành cục máu đông trong não.
  • Tiểu đường: Người mắc bệnh này có rất nhiều nguy cơ dẫn đến bị tổn thương các mạch máu, từ đó dễ hình thành cục máu đông.
  • Hút thuốc lá và uống rượu: Thuốc lá và rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề về mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Lối sống ít vận động: Thiếu vận động và ít hoạt động thể chất là một yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến tình trạng cục máu đông trong não.
  • 1.2. Phân loại cục máu đông trong não

    Phân loại cục máu đông trong não giúp xác định mức độ nguy hiểm và phương pháp điều trị hiệu quả. Cục máu đông trong não được phân thành hai loại chính:

    • Cục máu đông do tắc nghẽn (thrombosis): Loại này xảy ra khi một cục máu đông hình thành trong một động mạch não và làm tắc nghẽn dòng máu.
    • Cục máu đông do embolism: Loại này xảy ra khi một cục máu đông từ các bộ phận khác của cơ thể (như tim hoặc động mạch) di chuyển qua các mạch máu và đến não, gây tắc nghẽn.

    huyết áp là một trong những lý do hình thành cục máu đông trong não

    2. Biểu hiện của người bị cục máu đông trong não

    Khi nhớ được cụm từ “BE FAST”, bạn và gia đình sẽ dễ dàng nhận biết các dấu hiệu khi bị cục máu đông trong não (đột quỵ). Vậy BE FAST là gì?

    BE FAST có 6 chữ cái, ở mỗi chữ này sẽ cho bạn nhận diện một dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ:

    • B (BALANCE): Là trạng thái đột nhiên chóng mặt, đứng không vững, xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, khó vận động.
    • E (EYESIGHT): Diễn tả việc mắt của người bệnh bị mờ hoặc mất thị lực. 
    • F (FACE): Trên khuôn mặt người bệnh bắt đầu xuất hiện tình trạng lệch miệng, có thể bị liệt cơ mặt, lệch nhân trung.
    • A (ARM): Chân tay cử động khó, thậm chí không cử động được. Bạn có thể nhận biết bằng cách yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên, giữ một lúc, bên yếu liệt sẽ từ từ hạ xuống so với bên lành.
    • S (SPEECH): Bệnh nhân đột nhiên nói ngọng, không rõ lời. Kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh nói chuyện với mình.
    • T (TIME): Ngay lập tức gọi 115 khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên, hoặc trực tiếp đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

    Đừng quên những dấu hiệu nhận biết đơn giản này bởi nó có thể cứu sống bạn và gia đình bất cứ lúc nào 

    3. Cách điều trị cục máu đông trong não

    Việc điều trị cục máu đông trong não phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Các phương pháp điều trị điển hình như:

    3.1. Đánh tan cục máu đông bằng thuốc

    Một trong những phương pháp điều trị chính để giải quyết cục máu đông trong não là sử dụng thuốc, gọi là thuốc tiêu sợi huyết (thrombolytics). Các loại thuốc này có thể giúp làm tan cục máu đông, giúp cải thiện tình trạng lưu thông máu trong não, giảm thiểu tổn thương tế bào não.

    3.2. Phẫu thuật

    Nếu cục máu đông quá lớn hoặc thuốc tiêu sợi huyết không hiệu quả, các bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để lấy cục máu đông ra khỏi não. Phẫu thuật này có thể bao gồm mở hộp sọ để lấy cục máu đông hoặc sử dụng các thủ thuật như can thiệp nội mạch để loại bỏ cục máu đông qua một ống thông nhỏ.

    3.3. Điều trị hỗ trợ

    Sau khi cục máu đông được xử lý, bệnh nhân có thể cần phải điều trị hỗ trợ để phục hồi chức năng não. Mặc dù vật lý trị liệu không thể làm tan cục máu đông trực tiếp, nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi chức năng, cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ tái phát cục máu đông. Việc phối hợp vật lý trị liệu với các phương pháp điều trị y tế là rất cần thiết để phục hồi sức khỏe tối ưu cho bệnh nhân.

    3.4. Dùng thuốc chống đông máu

    Sau khi điều trị cục máu đông trong não, bệnh nhân có thể cần sử dụng thuốc chống đông máu (như warfarin hoặc dabigatran) để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông mới. Khi dùng thuốc này bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ và theo dõi tình trạng cơ thể để kịp thời điều trị khi có biến chứng xảy ra.

    Việc điều trị cục máu đông trong não phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố

    4. Phòng ngừa cục máu đông trong não

    Phòng ngừa cục máu đông trong não chủ yếu dựa vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Một số biện pháp phòng ngừa bao gồm:

    • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính đối với cục máu đông trong não. Việc duy trì huyết áp ổn định sẽ giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
    • Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau quả, hạn chế chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn giúp duy trì sức khỏe mạch máu.
    • Tập thể dục đều đặn: Vận động giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
    • Ngừng hút thuốc và hạn chế rượu bia: Hút thuốc và uống rượu quá mức làm tăng nguy cơ bị cục máu đông và các bệnh lý tim mạch.

    Cục máu đông trong não là một tình trạng nguy hiểm có thể gây ra đột quỵ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp giảm thiểu tổn thương não bộ và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải các triệu chứng như yếu tay chân, khó nói, đau đầu đột ngột, hoặc mất thăng bằng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

    Để được thăm khám và điều trị chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến cục máu đông trong não, bạn có thể đến Hệ thống y tế MEDLATEC. Các bác sĩ tại MEDLATEC sẽ tư vấn và cung cấp phương pháp điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của bạn. Bạn có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tư vấn 24/7 và đặt lịch thăm khám bởi đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn tại đây.

    Lựa chọn dịch vụ

    Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

    Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

    Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

    Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

    Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.