Các tin tức tại MEDlatec

Da đầu dầu là vì sao? Làm thế nào để da đầu hết bị bết dính?

Ngày 31/12/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Da đầu dầu hay tóc bị nhờn là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là những chị em sở hữu mái tóc dài. Không chỉ khiến bạn cảm thấy khó chịu mà nó còn mang lại cảm giác đầu bẩn, giảm sự tự tin khi giao tiếp mặc dù bạn đã chăm chỉ gội đầu mỗi ngày. Vậy nguyên nhân khiến da đầu tiết ra nhiều dầu thừa là do đâu? Cách để khắc phục tình trạng này là gì? Đáp án có ngay trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân khiến da đầu dầu

Da đầu dầu là hiện tượng các bã nhờn ở dưới chân tóc tiết ra nhiều dầu thừa hơn bình thường. Khi da đầu có quá nhiều dầu sẽ làm bết dính các phần tóc, kết hợp với đó là bụi bẩn khiến cho gàu phát triển gây ngứa ngáy đầu tóc.

Nếu mái tóc của bạn chắc khỏe thì lượng dầu thừa sẽ tiết ra vừa đủ giúp tóc được cung cấp đủ độ ẩm, tránh sự xâm nhập và tác động từ các tác nhân làm hư tổn tóc. Và lượng dầu nhờn do chân tóc tiết ra còn tùy thuộc vào lối sống, chế độ dinh dưỡng, thói quen gội đầu cũng như chất tóc.

Da đầu dầu là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là những chị em sở hữu mái tóc dài

Nguyên nhân khiến da đầu tiết nhiều dầu có thể là do:

●       Gội đầu quá nhiều lần và dùng nước quá nóng khi gội: thường xuyên gội đầu với tần suất hơn 4 lần/tuần sẽ khiến cho các nang tóc càng tiết ra nhiều dầu hơn. Ngoài ra khi sử dụng nước nóng để gội đầu còn dẫn đến tình trạng khô da đầu. Theo phản ứng tự nhiên, các tuyến bã nhờn sẽ tăng cường tiết dầu để duy trì độ ẩm cho tóc.

●       Do bị viêm da tiết bã: còn được gọi là bệnh chàm da mỡ hay viêm da đầu, dùng để mô tả hiện tượng da đầu bị viêm do kích ứng với biểu hiện điển hình là xuất hiện các mảng da màu hồng. Bệnh nhân luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu, chân tóc có rất nhiều dầu thừa.

●       Sản phẩm chăm sóc tóc không hợp cơ địa: các sản phẩm như dầu xả, dầu gội đầu, nước xịt dưỡng tóc,... sẽ cần phải được lựa chọn cẩn thận phù hợp với da đầu của từng người. Nếu bạn sử dụng những sản phẩm có tính chất tẩy mạnh hoặc cấp ẩm quá mức thì sẽ khiến da bị mất cân bằng độ ẩm và gây bết đầu.

●       Rối loạn nội tiết: hormone giữ vai trò điều tiết và sản xuất dầu. Khi trải qua những thời điểm đặc biệt, ví dụ như dậy thì, hành kinh, tiền mãn kinh, mãn kinh, mang thai, sinh nở, mãn dục nam,... thì nội tiết tố sẽ thay đổi và sinh ra nhiều dầu thừa hơn.

●       Các nguyên nhân khác: gội đầu không sạch, liên tục đội mũ, dùng thuốc có chứa steroid, mắc bệnh tuyến thượng thận, tuyến yên và buồng trứng, hay vuốt tóc và chải tóc, ăn nhiều chất béo,...

Da đầu dầu khiến bạn cảm thấy khó chịu và sinh ra nhiều gàu

2. Cách giảm bết dính cho da đầu dầu

Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến da đầu bị dầu, chúng ta sẽ có những cách khắc phục khác nhau:

2.1. Điều chỉnh tần suất gội đầu

Nếu bạn đang có tần suất gội đầu dày đặc (ngày nào cũng gội) thì hãy thử giảm số lần gội đầu xuống. Thói quen này sẽ giúp duy trì một mái tóc khỏe mạnh, ít dầu thừa và bóng khỏe hơn. Ngoài ra, nhiệt độ nước gội đầu cũng nên ở mức vừa phải, không quá nóng hoặc quá lạnh để hạn chế tình trạng khô da đầu.

Bên cạnh việc giảm số lần gội đầu, bạn nên chú ý đến việc gội đầu đúng cách:

●       Chà xát da đầu với một lực nhẹ nhàng, vừa đủ, có thể kết hợp massage để giảm stress và tránh làm tổn thương niêm mạc da đầu.

●       Dùng một lượng dầu gội vừa phải và dùng loại dầu có thành phần phù hợp cho da đầu.

●       Xả nhẹ tóc với nước, đảm bảo đã rửa sạch bọt rồi lau tóc bằng khăn bông mềm mại. Bạn nên tránh không dùng máy sấy mà hãy để tóc khô một cách tự nhiên.

Một điểm cần lưu ý nữa đó là việc dùng dầu xả. Tuy rằng có thể đem lại cho bạn một chất tóc mềm mượt nhưng dầu xả cũng là nguyên nhân khiến mái tóc dễ bị bết dính hơn bình thường. Vì vậy, khi bôi dầu xả bạn nên tránh để dầu tiếp xúc với da đầu.

2.2. Thường xuyên vệ sinh lược chải tóc

Bụi bẩn và dầu thừa có thể từ lược bám vào tóc của bạn. Do đó sau mỗi lần chải tóc, bạn nên vệ sinh lược sạch sẽ để dùng cho những lần tiếp theo. Ngoài ra, thao tác chải tóc cần được thực hiện nhẹ nhàng, không nên giựt quá mạnh vì sẽ làm kích thích tuyến bã nhờn ở dưới chân tóc và khiến dầu thừa bị tiết ra nhiều hơn.

2.3. Hạn chế tác động nhiệt và dùng những sản phẩm tạo kiểu cho tóc

Mái tóc có thể bị những sản phẩm tạo kiểu cũng như nhiệt độ cao làm ảnh hưởng và bị hư tổn. Không những các sản phẩm này khiến tóc bị xơ yếu, gãy rụng nhiều mà còn khiến cho tóc mất đi độ ẩm tự nhiên, da đầu vì thế mà bị tiết nhiều dầu hơn gây nhờn rít cho mái tóc.

Hãy thay đổi thói quen gội đầu để giảm tình trạng da đầu dầu

2.4. Giảm rụng tóc cho da nhờn bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt

Có thể bạn chưa biết rằng lối sống cũng có tác động ít nhiều đến việc điều tiết lượng dầu trong các nang tóc. Nhìn chung bất kể vì lý do gì thị việc duy trì một lối sống lành mạnh cũng là điều quan trọng.

●       Bạn nên giảm căng thẳng, luôn cân bằng cảm xúc và giữ tinh thần ở trạng thái tích cực, thoải mái.

●       Không nên vuốt tóc hay xoa tay lên đầu quá thường xuyên vì bàn tay chúng ta thường chứa nhiều mồ hôi, bụi bẩn và vi khuẩn.

●       Dầu gội mà bạn sử dụng nên có các thành phần giúp kiềm dầu. Hoặc bạn có thể cân nhắc chuyển sang loại dầu gội thảo dược thiên nhiên để tránh sự ảnh hưởng của hóa chất, giúp tóc duy trì độ pH ổn định.

●       Lịch gội đầu nên là cách nhật thì sẽ hợp lý. Tuy nhiên nếu công việc của bạn yêu cầu cần phải làm ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm và ra nhiều mồ hôi thì việc gội đầu hàng ngày là hợp lý.

●       Bạn nên ăn uống điều độ nhưng lành mạnh hơn, tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ, thay thế những đồ ăn nhanh bằng các loại rau xanh, trái cây tươi.\

●       Những trường hợp mắc phải các bệnh về buồng trứng, tuyến yên hoặc tuyến thượng thận thì tốt nhất nên tuân thủ phương án điều trị do bác sĩ chỉ định. Khi những căn bệnh này được điều trị ổn định thì tình trạng da đầu dầu sẽ được cải thiện đáng kể.

●       Bảo vệ tóc dưới những tác động của ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng các phương pháp chống nắng như ô, mũ mỗi khi đi ra ngoài.

Những thông tin trên đây đã gợi ý các cách giúp khắc phục tình trạng da đầu dầu tại nhà. Nếu sau khi đã áp dụng nhưng không thành công, da đầu lại có những biểu hiện như rụng nhiều tóc, ngứa bết và viêm da,... thì tốt nhất là bạn nên đi khám da liễu. Trong trường hợp bạn cần được hỗ trợ và tư vấn kỹ hơn về phương pháp điều trị da đầu dầu thì có thể liên hệ đặt lịch khám Chuyên khoa Da liễu của MEDLATEC ngay qua hotline 1900565656.

Từ khoá: da đầu dầu

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.