Các tin tức tại MEDlatec

Điều trị thủy đậu tại nhà có được không?

Ngày 01/03/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Thủy đậu được xếp vào dạng bệnh lành tính, không gây ra những triệu chứng nặng nề cho người mắc. Chính vì thế, nhiều người vẫn băn khoăn rằng có nên điều trị thủy đậu tại nhà không. Bài viết sau có thể mang tới cho bạn những thông tin cần thiết để trả lời cho câu hỏi này.

1. Một số nét chính về bệnh thủy đậu

Trước khi trả lời cho câu hỏi có nên điều trị thủy đậu tại nhà không, hãy cùng tìm hiểu một số thông tin chính về bệnh.

Bệnh gây ra bởi loại virus có tên Varicella virus, có thể được gọi một cách dân dã là trái rạ. Bệnh có thể xảy ra với mọi lứa tuổi khác nhau, song phổ biến hơn ở trẻ em và vào thời điểm thời tiết nồm ẩm với biểu hiện thường gặp nhất là mụn nước nổi lên trên nhiều vùng của cơ thể.

Mụn nước có thể nổi ở nhiều vùng trên cơ thể

Bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp qua các giọt bắn tiết ra từ đường hô hấp trong quá trình ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc động chạm vào chất dịch tại các nốt mụn.

Ngoài ra, nếu bạn dùng chung những đồ cá nhân của người nhiễm bệnh có dính dịch của nốt mụn như khăn mặt, bàn chải đánh răng, đồ ăn thức uống,... bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh.

2. Những triệu chứng của bệnh

Tùy từng giai đoạn phát triển mà bệnh biểu hiện thành các triệu chứng khác nhau. Theo đó, có thể chia thành 4 giai đoạn với những triệu chứng điển hình gồm:

Giai đoạn ủ bệnh

Là khi virus tấn công vào cơ thể  và bệnh chưa biểu hiện thành các triệu chứng điển hình có thể nhận ra được bằng mắt thường. Giai đoạn này thường kéo dài từ 10 tới 20 ngày.

Giai đoạn khởi phát (phát bệnh)

Có thể biểu hiện ra bằng một số triệu chứng như: sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, đầu đau nhức. Thời kỳ này cũng có thể xuất hiện các nốt ban đỏ với đường kính khoảng vài milimet trong khoảng từ 24 tới 48 giờ đầu. Một số trường hợp còn có thể xuất hiện viêm họng và hạch ở vùng sau tai.

Giai đoạn toàn phát

Lúc này, các biểu hiện trở nên rõ ràng hơn. Bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt cao, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau các cơ, đau đầu. Tại các nốt ban có thể xuất hiện phỏng nước với đường kính khoảng 1 tới 3 mm, hình tròn và gây ngứa ngáy, khó chịu.

Những nốt mụn ngứa này có thể mọc kín trên cơ thể, trong niêm mạc miệng, họng khiến cho việc ăn uống gặp nhiều khó khăn. Những trường hợp nhiễm trùng, các nốt mụn này sẽ trở nên to hơn, đục hơn do có mủ bên trong.

Cần thận trọng với các nốt thủy đậu để tránh nguy cơ nhiễm trùng

Giai đoạn hồi phục

Sau khoảng 7 tới 10 ngày kể từ khi phát bệnh, các nốt mụn này sẽ tự vỡ, khô lại rồi bong tróc vảy, bệnh nhân sẽ dần phục hồi. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn nếu người bệnh không chú ý tới việc vệ sinh sẽ rất dễ gây ra nhiễm trùng. Cùng với vệ sinh, nên sử dụng các loại thuốc trị thâm, ngừa sẹo để tránh gặp phải hiện tượng sẹo rỗ khi bệnh khỏi.

3. Thủy đậu có thể gây nên những biến chứng như thế nào cho người mắc?

Thông thường thì bệnh sẽ khỏi sau một thời gian, tuy nhiên, nguy cơ biến chứng vẫn có thể xảy ra nếu việc chữa trị không được người bệnh thực hiện đúng cách. Một số biến chứng có thể gặp của bệnh bao gồm:

●       Nhiễm trùng, loét và chảy máu tại các nốt mụn: nguyên nhân là do bệnh thường gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu nên những người mắc, đặc biệt là trẻ em thường dùng tay để gãi.

●       Viêm não, viêm màng não: thường xảy ra nhiều hơn ở đối tượng người lớn. Các triệu chứng kèm theo gồm co giật, sốt cao, hôn mê, rụng nhãn cầu, rối loạn tri giác,... Biến chứng này rất nguy hiểm bởi có thể gây tử vong cho người mắc.

●       Viêm phổi thủy đậu: thường xảy ra vào thời điểm từ ngày thứ 3 tới 5 sau khi bệnh phát. Viêm phổi thủy đậu có thể biểu hiện ra với các triệu chứng như tức ngực, ho ra máu, khó thở.

●       Viêm thận và viêm cầu thận cấp: với các biểu hiện như suy thận, tiểu ra máu.

●       Với những phụ nữ đang mang thai mà bị mắc bệnh: có thể gây nguy cơ tử vong hoặc khuyết tật cho thai nhi.

●       Viêm tai giữa, viêm thanh quản: do các nốt thủy đậu có thể mọc cả ở trong tai, thanh quản nên nguy cơ nhiễm trùng dễ xảy ra, dẫn tới viêm tai, viêm thanh quản.

4. Có nên thủy đậu tại nhà không?

Tìm hiểu về cách điều trị thủy đậu, có thể giúp bạn giải đáp thắc mắc rằng có nên điều trị thủy đậu tại nhà hay không.

Theo đó, bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị chuyên biệt mà chủ yếu là dùng các biện pháp hỗ trợ điều trị  triệu chứng. Bởi là bệnh lành tính nên người bệnh có thể điều trị thủy đậu tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Những trường hợp biến chứng, cần tới bệnh viện để đảm bảo an toàn.

Khi điều trị thủy đậu tại nhà, bạn cần lưu ý:

●       Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt để  không cọ xát, gây vỡ các nốt mụn.

●       Tránh ra gió.

●       Không cào, gãi, động chạm vào các nốt mụn, tránh nguy cơ vỡ.

●       Giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng dung dịch sát khuẩn, tắm nước ấm, không sử dụng nước lạnh cũng không sử dụng nước quá nóng.

●       Chủ động cách ly, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt cá nhân  riêng, tránh tiếp xúc khiến lây lan cho người khác.

●       Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường, cần tới ngay cơ quan y tế để được chẩn đoán, khắc phục.

Người mắc nên cách ly để tránh lây cho người khác

Việc dùng thuốc để điều trị thủy đậu cần lưu ý:

●       Đối với các nốt mụn chưa vỡ, có thể dùng thuốc tím để bôi nhằm phòng ngừa viêm nhiễm và ngừa sẹo.

●       Khi mụn đã vỡ, có thể dùng dung dịch xanh Methylen để bôi lên, không dùng thuốc đỏ hoặc thuốc mỡ penicillin hoặc tetracyclin.

●       Không dùng kem trị ngứa có thành phần Phenol đối với phụ nữ đang mang thai hoặc trẻ dưới 6 tháng.

5. Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa thế nào?

Đối với bệnh này, việc tiêm chủng vắc xin là biện pháp có thể mang tới hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt, với trẻ em, cha mẹ cần tuân thủ lịch tiêm chủng theo quy định.

●       Mũi 1: tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.

●       Mũi 2: tiêm khi trẻ được từ 1 tới 13 tuổi với hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tháng, trẻ trên 13 tuổi, hai mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.

Nếu bạn chưa tiêm phòng mà tiếp xúc với người nhiễm bệnh, cần tiêm ngay trong thời gian 3 ngày sau đó.

 

Trẻ cần được tiêm vắc xin ngừa thủy đậu đúng thời gian

Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm thủy đậu, bạn nên tới cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ hướng dẫn điều trị. Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ tin cậy dành cho bạn để chăm sóc sức khỏe nói chung và điều trị thủy đậu nói riêng, cũng như tiêm chủng phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có tiêm phòng thủy đậu. Để được tư vấn về dịch vụ khám chữa bệnh tại MEDLATEC hoặc đặt lịch khám, tiêm chủng tại bệnh viện, bạn hãy gọi tới số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.