Các tin tức tại MEDlatec

Dùng Ambroxol điều trị long đờm sao cho hiệu quả?

Ngày 03/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Khi mắc các bệnh cấp, mãn tính có đi kèm tăng tiết dịch nhầy, Ambroxol là loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn để điều trị triệu chứng này. Vậy dùng thuốc long đờm Ambroxol sao cho hiệu quả nhất? Bạn đọc đừng bỏ qua những thông tin hữu ích trong bài viết này nhé!

1. Thông tin khái quát về Ambroxol

Ambroxol là một thuốc long đờm mạnh, được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý đường hô hấp liên quan đến đờm nhớt hoặc tăng tiết đờm. 

Ambroxol thường được tìm thấy dưới dạng thành phần chính trong nhiều loại thuốc ho, đặc biệt là các siro ho. Thuốc có thể được sử dụng cho nhiều đối tượng, từ trẻ em đến người lớn, tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Ambroxol được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp

Ambroxol được bào chế dưới nhiều dạng nhằm đáp ứng cao khả năng điều trị bệnh ở từng đối tượng khác nhau: 

  • Viên nén. 
  • Dung dịch uống.
  • Viên nang giải phóng chậm. 
  • Khí dung. 
  • Thuốc tiêm.

2. Công dụng của Ambroxol

Nếu bạn đang gặp phải khó thở, thở khò khè do tăng tiết dịch nhầy trong đợt cấp của viêm phế quản mạn, hen phế quản hay các bệnh đường hô hấp khác thì Ambroxol là “trợ thủ đắc lực” giúp bạn thoát khỏi tình trạng này. 

Ambroxol có công dụng giúp long đờm hiệu quả

Cơ chế hoạt động của Ambroxol là làm lỏng dịch tiết từ niêm mạc khí quản - phế quản, giúp giảm độ nhớt và độ đặc của đờm nhầy. Nhờ đó, đờm nhầy di chuyển dễ dàng hơn, được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển hoặc khạc nhổ.

Bên cạnh công dụng tiêu đờm, một số nghiên cứu còn cho thấy Ambroxol giúp cải thiện triệu chứng và giảm số đợt cấp tính trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng. 

3. Chỉ định & Chống chỉ định

Chỉ định: 

  • Người bị viêm khí phế quản: bao gồm các tình trạng cấp tính, mạn tính, tái phát.
  • Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), khí phế thũng.
  • Bệnh nhân bị bụi phổi.
  • Người bị viêm phổi mạn tính, giãn phế quản.
  • Người bị hen phế quản, đặc biệt trong các trường hợp có kèm co thắt phế quản.
  • Bệnh nhân điều trị các đợt cấp của bệnh phổi, nên kết hợp Ambroxol với kháng sinh phù hợp để tăng hiệu quả điều trị. 

Người bị viêm đường hô hấp, viêm phế quản là đối tượng được chỉ định dùng Ambroxol

Chống chỉ định: 

  • Người dị ứng với thành phần của thuốc hoặc Ambroxol.
  • Người bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở giai đoạn tiến triển.

 4. Liều dùng & Cách dùng

Liều dùng: 

Đối tượng

Đường dùng                

Liều lượng        

Tần suất                

Người lớn

Uống

30 - 60 mg

2 lần/ngày

Tiêm bắp/tĩnh mạch

15 mg

2 - 3 lần/ngày

Khí dung

15 mg

1 - 2 lần/ngày

Trẻ em trên 10 tuổi

Uống

30 - 60 mg

2 lần/ngày

Tiêm bắp/tĩnh mạch

15 mg

2 - 3 lần/ngày

Khí dung

15 mg

1 - 2 lần/ngày

Trẻ em 5 - 10 tuổi

Uống

15 - 30 mg

2 lần/ngày

Tiêm bắp/tĩnh mạch

7,5 mg

2 - 3 lần/ngày

Khí dung

7,5 mg

2 - 3 lần/ngày

 

Lưu ý: 

  • Liều lượng có thể được điều chỉnh tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và đáp ứng của bệnh nhân.
  • Uống thuốc theo liều đã được bác sĩ chuyên môn kê trước đó.
  • Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

Mỗi đối tượng người bệnh sẽ có liều dùng thuốc tương ứng

Cách dùng: 

Để tối đa hóa hiệu quả của thuốc long đờm Ambroxol, bạn nên uống nguyên viên với thật nhiều nước lọc. Lưu ý, bạn không dùng nước trà, nước hoa quả hoặc đồ uống chứa cồn để uống cùng thuốc vì chúng có thể tương tác làm giảm hiệu quả tiêu đờm. 

Đồng thời, bạn không nên bẻ đôi viên thuốc hoặc nghiền nát trước khi uống để đảm bảo dược lực của thuốc nguyên vẹn khi sử dụng. Ngoài ra, với dạng viên uống bạn nên uống thuốc sau bữa ăn để giảm kích ứng dạ dày.

5. Tác dụng phụ của Ambroxol

Tuy không thể phủ nhận công dụng của Ambroxol trong điều trị long đờm, giảm ho và các bệnh liên quan đến phế quản nhưng việc sử dụng thuốc có thể để lại một số tác dụng phụ không mong muốn. 

Để giảm thiểu tình trạng này, điều quan trọng là người bệnh cần nhận biết được những phản ứng thuốc có thể xảy ra: 

Tác dụng phụ nhẹ (có thể tự khỏi sau thời gian ngắn mà không cần điều trị):

  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Miệng hoặc cổ họng khô rát.
  • Nặng đầu, nhức đầu.
  • Cơ thể luôn mệt mỏi.

Nếu bạn gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa sau khi dùng Ambroxol, đừng lo lắng, triệu chứng có thể hết sau vài ngày

Tác dụng phụ nghiêm trọng (hiếm gặp nhưng khi đã có dấu hiệu thì cần điều trị sớm):

  • Phát ban, ngứa.
  • Phản ứng phản vệ.
  • Khó thở, thở mệt.
  • Đau ngực.

Lưu ý quan trọng:

  • Danh sách trên không bao gồm tất cả tác dụng phụ có thể xảy ra.
  • Cơ địa mỗi người phản ứng với thuốc là khác nhau.
  • Luôn theo dõi cơ thể và báo cáo bất kỳ triệu chứng bất thường nào cho bác sĩ.
  • Không tự ý ngưng thuốc khi gặp tác dụng phụ mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

6. Lưu ý khi dùng thuốc

Tương tác thuốc: 

Ambroxol có thể tương tác với một số thuốc khác trong quá trình sử dụng, ảnh hưởng đến cách thức chúng được cơ thể xử lý. Điều này đồng nghĩa với việc kết quả điều trị long đờm của bệnh nhân diễn ra không được như mong đợi. 

Các thuốc có thể làm tăng sự trao đổi chất của Ambroxol có thể kể đến như:

  • Siltuximab.
  • Secukinumab.
  • Metreleptin.
  • Certolizumab pegol.
  • Infliximab.
  • Emapalumab.
  • Etanercept.

Các thuốc có thể làm giảm sự trao đổi chất của Ambroxol:

  • Larotrectinib.
  • Segesterone acetate.
  • Hydrocortisone phosphate.

Danh sách trên là một số loại thuốc thường gặp có khả năng tương tác với Ambroxol. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ để họ nắm rõ được tiền sử dùng thuốc của bạn và kê đơn phù hợp. 

Bạn nên uống đúng và đủ liều lượng thuốc đã được kê đơn

Bạn nên làm gì khi quên liều, thiếu liều hoặc uống quá liều thuốc quy định? 

Quên hoặc thiếu liều: 

Nếu bạn quên uống một liều Ambroxol, hãy uống bổ sung liều càng sớm càng tốt. Nếu liều bổ sung liền kề ngay với liều uống tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều bổ sung và uống thuốc theo lịch bình thường. Tuyệt đối bạn không bổ sung gấp đôi lượng thuốc để bù lại liều bị quên.

Xử lý khi uống quá liều:

Cho đến nay, chưa có báo cáo về trường hợp quá liều Ambroxol. Tuy nhiên, nếu chẳng may xảy ra quá liều, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Nên sử dụng than hoạt tính hoặc rửa dạ dày để loại bỏ thuốc chưa được cơ thể hấp thu.
  • Trong trường hợp uống quá liều dẫn đến các tác dụng phụ, gây mất nhận thức, người bệnh cần được chuyển đi cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn có cách nhìn bao quát về thuốc Ambroxol, tuy nhiên, thông tin chỉ mang tính chất tham khảo. Ambroxol là thuốc kê đơn và bạn cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, nếu bạn đang có những triệu chứng đờm nhiều, ho, tức ngực,.. Hãy đến Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ chuyên môn thăm khám chi tiết. 

Liên hệ ngay Hotline: 1900 56 56 56 để đặt lịch khám dễ dàng hơn!

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.