Các tin tức tại MEDlatec
Giảm tiểu cầu miễn dịch: Những vấn đề người bệnh không nên bỏ lỡ
- 01/07/2023 | Báo động tiểu cầu giảm còn 90 - nguy cơ biến chứng tiềm tàng
- 23/10/2024 | Tư vấn: Giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu hay không?
- 24/10/2024 | Điểm danh những nguyên nhân giảm tiểu cầu và dấu hiệu nhận biết
1. Về khái niệm giảm tiểu cầu miễn dịch
Giảm tiểu cầu miễn dịch xảy ra khi hệ miễn dịch nhận diện nhầm tiểu cầu trong máu là kẻ thù. Khi đó, cơ thể sẽ tự động sản sinh kháng thể tấn công vào tiểu cầu, khiến cho số lượng tiểu cầu trong máu bị giảm sút nhanh chóng.
Có hai loại giảm tiểu cầu miễn dịch thường gặp:
- Immune Thrombocytopenic Purpura (ITP) cấp tính: Thường xảy ra ở trẻ em, thường xuất hiện sau nhiễm virus và tự hồi phục sau vài tuần đến vài tháng.
- Immune Thrombocytopenic Purpura (ITP) mạn tính: Thường gặp ở người lớn, kéo dài hơn 6 tháng và cần điều trị lâu dài.
2. Nguyên nhân nào gây giảm tiểu cầu miễn dịch?
2.1. Cơ chế bệnh sinh
Nguyên nhân để kích hoạt cơ chế này là do nhiễm khuẩn, thuốc, di truyền, thai kỳ,... khiến:
- Cơ thể sản sinh ra kháng thể tấn công và phá hủy tiểu cầu.
- Tiểu cầu bị phá hủy chủ yếu ở lách, gan và các cơ quan khác.
- Tốc độ phá hủy tiểu cầu vượt xa khả năng sản sinh của tủy xương, dẫn đến số lượng tiểu cầu giảm đáng kể trong máu.
Rối loạn hệ miễn dịch góp phần gây giảm tiểu cầu miễn dịch
2.2. Nguyên nhân gây bệnh
2.2.1. Nhiễm trùng
Cơ thể sẽ kích hoạt miễn dịch khi có sự xâm nhập của một số loại virus, vi khuẩn và gây nên phản ứng tự miễn làm giảm tiểu cầu. Các loại nhiễm trùng thường liên quan đến giảm tiểu cầu miễn dịch bao gồm: virus cúm, EBV, virus viêm gan C, H. pylorim,...
2.2.2. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây giảm tiểu cầu bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch tấn công tiểu cầu hoặc làm giảm sản sinh tiểu cầu như: thuốc chống đông máu, thuốc kháng sinh, thuốc hóa trị,...
2.2.3. Thai kỳ
Ở một số phụ nữ mang thai, giảm tiểu cầu miễn dịch có thể xảy ra do:
- Thay đổi nội tiết tố khiến hệ miễn dịch bị ảnh hưởng.
- Tăng cường hoạt động của lách, dẫn đến phá hủy nhiều tiểu cầu hơn.
- Các biến chứng sản khoa như tiền sản giật hoặc hội chứng HELLP cũng có thể liên quan đến giảm tiểu cầu.
2.2.4. Bệnh lý nền hoặc di truyền
Các bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ phát triển giảm tiểu cầu miễn dịch, bao gồm: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, AIDS,...
Mặc dù giảm tiểu cầu miễn dịch thường không mang tính di truyền, một số trường hợp hiếm có liên quan đến yếu tố di truyền. Những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh tự miễn có thể có nguy cơ cao hơn phát triển ITP.
Trong nhiều trường hợp, giảm tiểu cầu miễn dịch xảy ra mà không tìm thấy nguyên nhân cụ thể. Những trường hợp này thường được gọi là giảm tiểu cầu miễn dịch vô căn, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong nhóm bệnh nhân mắc ITP.
3. Triệu chứng ở bệnh nhân giảm tiểu cầu miễn dịch
- Xuất huyết dưới da
Xuất hiện các chấm đỏ nhỏ hoặc vết bầm tím không rõ nguyên nhân, thường thấy trên chân, tay hoặc thân mình. Tình trạng này được gọi là ban xuất huyết hoặc mảng xuất huyết, đặc biệt dễ nhận biết ở những vùng da mỏng.
- Dễ bị chảy máu
Người bệnh dễ bị chảy máu khi bị va đập nhẹ hoặc tổn thương nhỏ. Ngoài ra, họ cũng thường xuyên bị chảy máu mũi, nướu răng, hoặc xuất huyết kéo dài sau khi nhổ răng.
- Chảy máu nhiều trong kỳ kinh
Phụ nữ có thể gặp kinh nguyệt kéo dài hoặc lượng máu kinh nhiều hơn bình thường (rong kinh).
- Xuất huyết nội tạng (rất ít khi gặp)
Nếu tiến triển nghiêm trọng, người bệnh có thể bị xuất huyết não hoặc đường tiêu hóa. Lúc này, người bệnh thường bị đau dữ dội hoặc có triệu chứng bất thường về thần kinh.
- Triệu chứng khác
+ Mệt mỏi, suy nhược do thiếu máu nhẹ.
+ Sưng đau ở vùng lách do cơ quan này phải hoạt động quá mức để phá hủy tiểu cầu.
Xuất huyết da do giảm tiểu cầu miễn dịch
4. Phương pháp chẩn đoán giảm tiểu cầu miễn dịch
4.1. Khám lâm sàng và hỏi thông tin tiền sử bệnh
Người bệnh sẽ được bác sĩ đặt ra những câu hỏi để thu thập thông tin cần thiết cho quá trình chẩn đoán:
- Các triệu chứng xuất huyết mà người bệnh đang gặp: chảy máu ở bất cứ vùng nào của cơ thể hoặc xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân.
- Tiền sử mắc các bệnh tự miễn, nhiễm trùng hoặc sử dụng thuốc có khả năng gây giảm tiểu cầu.
- Các yếu tố nguy cơ như thai kỳ, nhiễm trùng gần đây hoặc tiêm vắc xin.
- Bác sĩ tiến hành thăm khám để:
+ Phát hiện ban hoặc mảng xuất huyết trên da.
+ Kiểm tra kích thước lách vì lách phình to có thể là dấu hiệu phá hủy tiểu cầu bất thường.
+ Đánh giá các dấu hiệu khác liên quan đến bệnh lý nền, chẳng hạn như lupus hoặc viêm khớp dạng thấp.
4.2. Kiểm tra cận lâm sàng
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần
Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ chú ý vào kết quả số lượng tế bào máu, nhất là tiểu cầu. Trong trường hợp ITP, chỉ số tiểu cầu thường giảm thấp (dưới 100.000/μL) trong khi các thành phần máu khác bình thường.
- Kiểm tra hình thái tiểu cầu
Qua kính hiển vi, giúp xác định tiểu cầu có bị tổn thương hoặc biến dạng bất thường hay không.
- Xét nghiệm bổ sung (với những trường hợp cần thiết)
+ Xét nghiệm tủy đồ
Kiểm tra khả năng sản xuất tiểu cầu của tủy xương, đặc biệt khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị hoặc có dấu hiệu bất thường.
+ Xét nghiệm kháng thể chống tiểu cầu
Được thực hiện nhằm mục đích phát hiện sự hiện diện của kháng thể tự miễn tấn công tiểu cầu.
+ Xét nghiệm vi sinh
Xác định sự hiện diện của các tác nhân nhiễm trùng như virus Epstein-Barr, HIV hoặc viêm gan C.
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch
Chẩn đoán ITP không phải lúc nào cũng có thể xác định ngay lần đầu. Một số bệnh nhân cần được theo dõi trong thời gian dài để loại trừ các nguyên nhân khác và xác nhận chính xác tình trạng.
Giảm tiểu cầu miễn dịch cần được nhận diện và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến xuất huyết, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh nhất.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!