Các tin tức tại MEDlatec

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Những vấn đề cơ bản cần ghi nhớ

Ngày 18/05/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Văn Quang
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là dạng rối loạn chức năng đường tiêu hóa mạn tính, gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nắm được khái quát về bệnh lý này để chủ động thăm khám, chẩn đoán, tránh được những hệ lụy cho sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.

1. Hội chứng ruột kích thích (IBS): Khái niệm và phân loại

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng rối loạn chức năng của ruột già mạn tính, rối loạn chức năng của đường tiêu hóa, đặc biệt là ruột non và ruột già, đặc trưng bởi sự rối loạn trong vận động và cảm giác của đường ruột mà không có tổn thương rõ ràng về mặt giải phẫu hay sinh hóa.

IBS không gây ra tổn thương ở đường tiêu hóa, nhưng lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động co bóp và cảm giác của ruột. Điều này vừa làm giảm chất lượng sống vừa làm ảnh hưởng nhiều đến công việc hàng ngày của bệnh nhân.

Dựa trên biểu hiện về đại tiện, hội chứng IBS được chia thành các loại sau:

- IBS thể tiêu chảy (IBS-D): Chủ yếu gây tiêu chảy mạn tính, nhất là sau khi ăn hoặc vào buổi sáng sớm.

- IBS thể táo bón (IBS-C): Người bệnh thường xuyên bị táo bón, phân cứng và có cảm giác không thoải mái khi đi tiêu.

- IBS thể hỗn hợp (IBS-M): Luân phiên giữa tiêu chảy và táo bón, khiến người bệnh khó đoán trước tình trạng của mình.

- IBS thể không xác định (IBS-U): Triệu chứng không điển hình hoặc không đủ tiêu chuẩn để phân loại vào một trong ba nhóm trên.

Hình ảnh mô phỏng về tình trạng rối loạn vận động đường ruột trong hội chứng ruột kích thích (IBS)

2. Nguyên nhân gây nên và triệu chứng gặp phải ở hội chứng ruột kích thích (IBS)

2.1. Nguyên nhân mắc phải hội chứng ruột kích thích

Hiện chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích (IBS). Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng những yếu tố sau kết hợp góp phần vào sự hình thành bệnh:

- Rối loạn nhu động ruột:

IBS liên quan mật thiết đến sự rối loạn trong co bóp của cơ trơn thành ruột. Sự rối loạn co bóp có thể dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón, thường kèm theo rối loạn cảm giác đại tràng như tăng cảm nhận đau.

- Sự nhạy cảm của dây thần kinh tiêu hóa:

Người mắc IBS thường có dây thần kinh tiêu hóa nhạy cảm hơn bình thường, dễ phản ứng mạnh với các kích thích như thức ăn, căng thẳng hoặc thay đổi môi trường sống.

- Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột:

Sự thay đổi thành phần hệ vi sinh đường ruột hoặc sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn có hại làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và gây ra các biểu hiện của IBS.

- Tác động tâm lý:

Yếu tố tâm lý như lo âu, căng thẳng, trầm cảm có thể làm nặng thêm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS). 

- Tiền sử bị nhiễm trùng đường tiêu hóa:

Một số trường hợp IBS xuất hiện sau khi bị nhiễm khuẩn đường ruột nghiêm trọng do một số vi khuẩn như Salmonella, Campylobacter,...

Ngoài ra, thói quen ăn uống không điều độ, lạm dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng cùng lối sống ít vận động, thói quen bỏ bữa đều có thể là yếu tố khởi phát hoặc làm nặng thêm hội chứng ruột kích thích (IBS).

2.2. Triệu chứng gặp phải khi mắc hội chứng ruột kích thích (IBS)

Người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) dễ xuất hiện các triệu chứng như:

- Đau bụng hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới, có thể giảm sau khi đi tiêu hoặc thay đổi thói quen đại tiện.

- Đại tiện nhiều lần, phân lỏng, thường gặp nhất vào buổi sáng hoặc sau khi ăn xong.

- Đại tiện < 3 lần/ tuần, phân khô, cứng, khó đi.

- Xen kẽ tiêu chảy và táo bón.

- Cảm thấy bụng căng, đầy hơi, nhất là sau khi ăn. 

- Thường xuyên cảm giác còn phân trong ruột dù trước đó đã đi đại tiện.

Ngoài những triệu chứng trên đây thì hội chứng ruột kích thích (IBS) cũng có thể gây nên các triệu chứng không liên quan đến tiêu hóa như: đau đầu, mệt mỏi kéo dài, đau khớp nhẹ, rối loạn giấc ngủ,...

Khái quát về sự bất thường trong thói quen đại tiện ở bệnh nhân bị IBS

3. Hội chứng ruột kích thích (IBS) chẩn đoán bằng cách nào?

3.1. Vì sao hội chứng ruột kích thích (IBS) cần được chẩn đoán sớm?

Việc chẩn đoán sớm IBS giúp:

- Người bệnh hiểu rõ về tình trạng của mình để tránh gặp phải những lo lắng không cần thiết.

- Xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp bao gồm thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng thuốc (nếu cần).

3.2. Phương pháp nào được áp dụng trong chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS)?

3.2.1. Dựa trên triệu chứng lâm sàng

Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích thường được dựa trên việc có triệu chứng đau bụng lặp lại (recurrent abdominal pain) - xuất hiện ít nhất 1 ngày/tuần trong 3 tháng gần đây, kèm ≥ 2 trong 3 tiêu chí sau:

- Liên quan đến việc đi tiêu: Đau bụng giảm hoặc thay đổi sau khi đi tiêu.

- Liên quan đến thay đổi tần suất đại tiện: Đau xuất hiện khi tăng hoặc giảm số lần đi ngoài.

- Liên quan đến thay đổi hình dạng phân: Đau đi kèm phân thay đổi: lỏng, nát hoặc rắn, nhỏ viên.

- Thời gian khởi phát triệu chứng: Triệu chứng phải xuất hiện ít nhất 6 tháng trước chẩn đoán (dù không liên tục).

3.2.2. Các chẩn đoán cận lâm sàng

Ngoài ra, bác sĩ cũng chỉ định những kiểm tra sau để có kết quả chẩn đoán, tránh nhầm lẫn hội chứng ruột kích thích (IBS) với các bệnh lý khác, như:

- Xét nghiệm máu: Xác định thiếu máu, tìm dấu hiệu viêm.

- Xét nghiệm phân: Tìm vi khuẩn, ký sinh trùng.

- Nội soi đại tràng: Thường thực hiện cho bệnh nhân trên 50 tuổi đã xuất hiện những triệu chứng bất thường nhu đại tiện có máu, giảm cân nhanh, bị đau bụng dữ dội,...

- Chụp CT-Scanner hoặc siêu âm bụng: Nhằm loại trừ tắc ruột hoặc tổn thương cấu trúc.

Bệnh nhân trong quá trình siêu âm bụng chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS)

Nếu thường xuyên lặp lại các triệu chứng như: khó nuốt, tiêu chảy trên 2 tuần, nôn, sốt, có máu trong phân, giảm cân nhanh,... người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để tiến hành các kiểm tra giúp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc các bệnh lý tiêu hóa khác.

Quý khách hàng đang gặp phải triệu chứng như đã cảnh báo, cần thăm khám nhanh chóng, hãy liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.