Các tin tức tại MEDlatec

Huyết áp thấp uống thuốc gì? Nguyên nhân và triệu chứng tụt huyết áp?

Ngày 15/06/2023
Đột nhiên bị hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm,... không rõ nguyên nhân thì rất có thể là bạn đang bị tụt huyết áp. Tình trạng giảm huyết áp quá thấp thì nguy cơ bệnh nhân sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như suy thận, đột quỵ là rất cao, thậm chí có thể gặp tình trạng trụy tim mạch rất nguy hiểm đến tính mạng. Do đó để kiểm soát hiện tượng này thì cần cho người bệnh dùng thuốc trị huyết áp thấp. Vậy huyết áp thấp uống thuốc gì? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu về tụt huyết áp 

Huyết áp được tạo ra khi dòng máu lưu thông tác động một áp lực lên thành động mạch. Sự tuần hoàn máu sẽ do tim co bóp và đẩy đi khắp hệ thống tuần hoàn để cung cấp máu đến mọi cơ quan trong cơ thể. Đơn vị đo huyết áp là mmHg, được chia thành 2 chỉ số huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu. 2 chỉ số này có giới hạn bình thường ở mức 60 - 90 mmHg (huyết áp tâm trương) và 90 - 140 mmHg (huyết áp tâm thu).

Tình trạng hạ huyết áp được xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu ở dưới mức 60 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg. Đây là hệ quả của sự giãn mạch máu bất thường hoặc giảm đột ngột thể tích máu lòng mạch. 

Khị hạ huyết áp xảy ra, lượng máu cung cấp cho các cơ quan không đủ để duy trì hoạt động sống một cách bình thường. Lúc này bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như sau:

  • Choáng váng, chóng mặt, ngất xỉu;

  • Hoa mắt, nhìn mờ, mất tập trung và dễ nhầm lẫn;

  • Buồn nôn và nôn;

  • Suy nhược cơ thể, mệt mỏi;

  • Nhịp thở nông dần, thở nhanh hơn;

  • Trở nên kích động, hành vi bất thường.

Các triệu chứng của huyết áp thấp

Nếu huyết áp thấp không gây triệu chứng thì chưa đáng lo ngại, tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài thì có thể gây suy tim, suy thận, sốc, đột quỵ, tổn thương não thậm chí là tử vong. 

2. Tụt huyết áp là do đâu?

Dưới đây là những nguyên nhân điển hình nhất gây tụt huyết áp:

  • Đột ngột thay đổi tư thế, nhất là đứng dậy quá nhanh nên máu chưa kịp lên não khiến bạn cảm thấy choáng váng;

  • Chế độ ăn nghèo nàn chất dinh dưỡng;

  • Nhiệt độ xung quanh quá lạnh hoặc quá nóng;

  • Cơ thể bị mất nước (do tiêu chảy, nôn mửa, bỏng) hoặc chấn thương dẫn đến giảm thể tích máu;

  • 6 tháng đầu trong giai đoạn thai kỳ hoặc quá trình mang thai có biến chứng xuất huyết;

  • Lạm dụng chất kích thích hoặc sử dụng rượu;

  • Gặp phải các vấn đề trong hệ nội tiết;

  • Sốc phản vệ, nhiễm trùng máu;

  • Mắc bệnh về phổi: thuyên tắc phổi, xẹp phổi;

  • Mắc bệnh tim mạch: suy tim tiến triển, tim đập quá nhanh hoặc quá chậm;

  • Mắc bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương như Parkinson làm mất kiểm soát huyết áp;

  • Do thuốc gây ra tác dụng phụ, cụ thể là thuốc suy tim, thuốc trị cao huyết áp, thuốc trầm cảm, rối loạn cương dương,...

3. Huyết áp thấp uống thuốc gì?

3.1. Thuốc fludrocortisone điều trị huyết áp thấp

Loại thuốc này là một dạng glucocorticoid tổng hợp có tác dụng điều trị huyết áp thấp, hoạt động theo cơ chế cân bằng tỷ lệ nước và muối trong cơ thể để duy trì sự ổn định của huyết áp. 

Tuy nhiên fludrocortison cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như suy tim, sưng phù, huyết áp cao, yếu cơ, hạ kali, khó ngủ, đau đầu, tăng đường huyết, tăng cân, tăng nhãn áp, viêm loét dạ dày,...

Các tác dụng phụ nêu trên nếu ở mức nhẹ thì có thể tự khỏi sau một vài ngày. Nhưng nếu không đỡ thì bạn nên đi khám lại ngay để được xử trí kịp thời. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh hãy tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu kali như cải bó xôi, bơ, chuối, khoai tây, khoai lang, cà chua,...

 

Huyết áp thấp uống thuốc gì? Có nhiều sự lựa chọn phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người

Fludrocortison có khả năng tương tác với các thuốc khác, bao gồm: 

  • Các loại vắc xin;

  • Thuốc Digoxin;

  • Thuốc Mifepristone;

  • Thuốc Aldesleukin;

  • Thuốc chống động kinh (Phenytoin, barbiturates);

  • Thuốc cyclosporine ức chế miễn dịch;

  • Thuốc tác động đến men gan (rifabutin, rifampin);

  • Thuốc điều trị nội tiết (estrogen, tránh thai, androgen);

  • Các thuốc có thể dẫn đến bầm tím hay chảy máu (aspirin, dopigat, ibuprofen, warfarin, clopidogrel, celecoxib).

3.2. Thuốc midodrine

Bị huyết áp thấp uống thuốc gì? Midodrine là một chỉ định thường được áp dụng trong một số trường hợp hạ huyết áp.

Thuốc giúp làm tăng huyết áp bằng cách kích thích hoạt động của các thụ thể trên thành mao mạch. Midodrine phù hợp với những bệnh nhân bị rối loạn chức năng thần kinh gây tụt huyết áp tư thế đứng. Thường thì những người đã áp dụng các cách trị huyết áp tại nhà hay mang cả vớ y khoa nhưng không hiệu quả thì sẽ lựa chọn loại thuốc này như phương án điều trị cuối cùng.

Thuốc hiếm gây ra tác dụng phụ nhưng vẫn có thể để lại một số phản ứng nhẹ như đau dạ dày, ớn lạnh, tiểu nhiều, tiểu buốt, chóng mặt, khô miệng, chuột rút, buồn ngủ,... Hiếm gặp hơn là khó thở, nhịp tim chậm, nhầm lẫn, mờ mắt, lo lắng.

3.3. Thuốc norepinephrine

Loại thuốc này được điều chế dưới dạng tiêm giúp làm co mạch máu, thúc đẩy tăng huyết áp một cách nhanh chóng, thường áp dụng khi bệnh nhân hạ huyết áp nghiêm trọng với nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ sẽ tiêm norepinephrine vào tĩnh mạch của người bệnh khi bị tụt huyết áp khẩn cấp, khi phẫu thuật hoặc trong hồi sức tim phổi.

Tác dụng phụ do norepinephrine khá hiếm gặp nhưng vẫn có khả năng xảy ra, cụ thể là:

  • Phản ứng dị ứng: ngứa ngáy, phát ban, da bong tróc, khó thở, đau thắt ngực, khản giọng, sưng miệng, môi, mặt, lưỡi;

  • Triệu chứng cao huyết áp: chóng mặt, đau đầu, thị lực thay đổi, ngất xỉu;

  • Biểu hiện khác: lo lắng, khó thở, nhịp tim chậm, đau đầu, đột ngột tăng cân. 

Bên cạnh tác dụng phụ, norepinephrine cũng tương tác với các thuốc khác như thuốc trị huyết áp thấp khác, thuốc trầm cảm, nhóm chất ức chế (rasagiline, selegiline, rasagiline, tranylcypromine…).

4. Cách xử trí khi bị tụt huyết áp 

Hạ huyết áp đột ngột có thể khiến người mặt phải đối diện với những biến chứng nguy hiểm. Do đó việc xử trí lúc này cần phải được triển khai đúng cách, nhanh chóng nhất có thể. Trước tiên cần phải nắm được thông tin bệnh nhân tụt huyết áp có bị tiểu đường hay không để loại trừ khả năng tụt huyết áp do hạ đường huyết. Tiếp theo thực hiện các bước dưới đây:

  • Để bệnh nhân nằm hoặc ngồi trên mặt phẳng, kê cao đầu và chân (chân cao hơn đầu);

  • Cho bệnh nhân uống trà gừng, nước sâm hoặc chè đặc, kẹo, socola. Nếu những đồ này không có sẵn thì có thể thay bằng nước lọc;

  • Nếu bệnh nhân đã đỡ hơn, hãy cho bệnh nhân từ từ ngồi dậy, nhắc họ cử động chân tay, hít thở sâu;

  • Trong trường hợp các triệu chứng không được cải thiện thì nên đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

Hãy cho bệnh nhân bị tụt huyết áp uống trà gừng

Những thông tin trên đây đã giúp chúng ta trả lời cho thắc mắc huyết áp thấp uống thuốc gì? Khi được bác sĩ kê đơn thuốc thì người bệnh nên tuân thủ liều lượng và loại thuốc được chỉ định. 

Liên hệ ngay hotline 1900 56 56 56 nếu bạn đang muốn được tư vấn và điều trị các vấn đề về huyết áp. Các bác sĩ tại Chuyên khoa Tim mạch của MEDLATEC sẽ giúp bạn chẩn đoán và hỗ trợ xây dựng kế hoạch cải thiện sức khỏe liên quan đến hệ tim mạch.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.