Các tin tức tại MEDlatec
Liệt dây thanh quản: phương pháp điều trị và chăm sóc người bệnh
Liệt dây thanh quản: phương pháp điều trị và chăm sóc người bệnh
Khi dây thanh quản bị liệt, người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhưng nhìn chung, cần có phương pháp điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách để người bị liệt dây thanh quản mau chóng hồi phục, phòng tránh biến chứng.
1. Tổng quan về liệt dây thanh quản
Nhiệm vụ chính của dây thanh quản là tạo ra âm thanh khi nói và ngăn không cho thức ăn, đồ uống, nước bọt,… xâm nhập vào khí quản để bảo vệ đường thở. Khi dây thanh quản không thực hiện được các chức năng này thì gọi là liệt dây thanh quản.
Sẽ có 2 trường hợp xảy ra khi liệt dây thanh quản, đó là liệt dây thanh 1 bên và liệt dây thanh 2 bên. Trong đó, liệt dây thanh 1 bên (có thể là phải hoặc trái) phổ biến hơn, xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng thường thì nữ có tỷ lệ bị cao hơn nam. Còn liệt dây thanh 2 bên thì hiếm gặp hơn nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn.
Dây thanh quản bị liệt sẽ không làm tốt chức năng tạo phát âm, bảo vệ đường thở
Nguyên nhân liệt dây thanh quản
Các nguyên nhân khiến dây thanh quản bị liệt là rất nhiều, bao gồm:
● Đột quỵ: Thường gây liệt dây thanh 1 bên, nguyên nhân do quá trình lưu thông máu đến não bị gián đoạn khiến các dây thần kinh chi phối dây thanh quản bị tổn thương, làm tê liệt dây thanh quản.
● Khối u: Khối u xuất hiện trong não hay xung quanh các cơ, sụn, dây thần kinh chi phối dây thanh quản cũng có khả năng làm liệt dây thanh 1 bên.
● Chấn thương: Những chấn thương ở vùng cổ ngực hay biến chứng do phẫu thuật tuyến giáp, thực quản, đặt nội khí quản… có thể gây liệt dây thanh 2 bên.
● Mắc bệnh nhiễm trùng làm các dây thần kinh chi phối dây thanh quản bị viêm nhiễm, tổn thương, dẫn đến liệt dây thanh.
Triệu chứng liệt dây thanh quản
Biểu hiện của liệt dây thanh quản là khác nhau theo tình trạng bệnh. Ở mức độ nhẹ thì người bệnh cảm thấy đau họng, khó nuốt, khó thở và khó nói. Sau một thời gian, triệu chứng có thuyên giảm và tự hết. Nhưng ở mức độ nặng thì các triệu chứng này kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn, cụ thể như sau.
● Đau họng: Dù đã uống thuốc và áp dụng các biện pháp vệ sinh họng, giữ ấm cơ thể, ăn uống điều độ nhưng vẫn không hết.
● Khó nuốt: Cảm thấy bị nghẹn khi nuốt thức ăn, thậm chí là nuốt nước bọt. Ngoài ra, người bệnh cảm thấy trong cổ họng luôn có dịch nhầy nên thường xuyên hắng giọng, khạc nhổ để đẩy dịch nhầy ra ngoài.
● Khó thở: Nhất là khi hít vào hoặc khi lấy hơi mạnh để vận động.
● Khó nói: Giọng nói trở nên yếu ớt, khàn đi và khó nghe. Trường hợp nặng hơn là nói không ra tiếng, chỉ nghe thấy âm thanh của không khí và gió trong lời nói.
Người bị liệt dây thanh quản có thể bị đau họng, khó nuốt, khó nói và khó thở
2. Điều trị liệt dây thanh quản
Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên thì bạn cần nhanh chóng đi khám và điều trị để phòng tránh biến chứng nguy hiểm. Các phương pháp chẩn đoán liệt dây thanh quản bao gồm nội soi, điện cơ và xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh. Các phương pháp điều trị bao gồm:
Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu
Mục đích của xoa bóp, bấm huyệt và châm cứu là tăng cường lưu thông máu và giúp các cơ co thắt được thư giãn. Nhờ đó mà dây thanh quản được co giãn, đàn hồi cũng như loại bỏ được các tác nhân gây viêm nhiễm, tổn thương. Khi xoa bóp, bấm huyệt hay châm cứu, người thực hiện (là người có chuyên môn) sẽ tác động một lực vừa phải vào vùng dưới cằm và 2 bên cổ gáy bị liệt dây thanh.
Trị liệu bằng ngữ âm (giọng nói)
Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp liệt dây thanh quản nhẹ. Lúc này, người bệnh sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn thực hiện vật lý trị liệu (bài tập và hoạt động) để điều chỉnh và kiểm soát giọng nói, ngoài ra, cải thiện hơi thở và ngăn chặn những bất thường khác xảy ra ở nhóm cơ gần dây thanh quản.
Phương pháp trị liệu bằng ngữ âm cho người bị liệt dây thanh quản nhẹ
Phẫu thuật
Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp liệt dây thanh quản nặng và tiềm ẩn nhiều biến chứng, có thể khiến người bệnh mất giọng nói và gặp nhiều khó khăn khi thở, nuốt.
● Tiêm chất làm đầy: Chất làm đầy ở đây có thể là mỡ tự thân hoặc collagen, acid hyaluronic,… Khi tiêm vào, những chất này sẽ giúp cho cơ xung quanh dây thanh quản bị liệt trở nên dày và khỏe hơn.
● Chuyển vị dây thanh: Dây thanh bị liệt sẽ được di chuyển và “tái định vị” ở vị trí giữa thanh quản nhằm mục đích định hình nếp gấp của dây thanh, từ đó, cải thiện chức năng phát âm.
● Mở khí quản: Trường hợp này áp dụng khi dây thanh 2 bên bị liệt và khép hoàn toàn khiến người bệnh khó thở do lượng không khí từ ngoài vào phổi bị suy giảm. Lúc này, người bệnh sẽ được phẫu thuật mở khí quản rồi đặt ống thở vào để hỗ trợ hoạt động thở.
3. Chăm sóc người bị liệt dây thanh
Để quá trình hồi phục được nhanh chóng và hiệu quả thì sau khi điều trị, người bị liệt dây thanh cần tích cực luyện tập ngữ âm. Có thể tập với kỹ thuật viên, người chăm sóc hoặc tập một mình theo hướng dẫn trước đó. Tập luyện tích cực sẽ giúp người bệnh cải thiện được chức năng của dây thanh quản, từ đó, hoạt động nói, nuốt và thở sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Luôn khuyến khích người bị liệt dây thanh tập ngữ âm và chia sẻ, động viên họ
Ngoài ra, người bệnh nên được động viên và khích lệ mỗi ngày để có thêm động lực và tinh thần trong quá trình điều trị bệnh, Bởi nếu căng thẳng, lo âu sẽ khiến cho nhóm cơ gần dây thanh quản có nguy cơ tổn thương và phát sinh nhiều vấn đề.
Trên đây là những chia sẻ giúp bạn hiểu hơn về cách điều trị và chăm sóc người bị liệt dây thanh quản. Nếu cũng đang có những triệu chứng bất thường nghi mắc bệnh lý này, bạn có thể đến gặp bác sĩ tại Chuyên khoa Tai Mũi Họng của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được kiểm tra, thăm khám.
Quý khách có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC, tổng đài viên của bệnh viện sẽ tư vấn và hỗ trợ khách hàng đặt lịch trước nhanh chóng.
BS Chỉnh đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!