Các tin tức tại MEDlatec

Liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai: mọi thông tin mẹ bầu nên biết

Ngày 16/09/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai rất dễ gây nên tâm lý lo lắng cho mẹ bầu. Đặc biệt, các triệu chứng đau, yếu hoặc liệt một bên mặt do bệnh gây ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và chất lượng cuộc sống của thai phụ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết để mẹ bầu chủ động phát hiện và biết cách bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

1. Liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai: nguyên nhân và triệu chứng

1.1. Nguyên nhân khiến thai phụ bị liệt mặt Bell

Liệt mặt Bell là tình trạng yếu hoặc liệt một bên cơ mặt. Tình trạng này xảy ra khi dây thần kinh số 7 điều khiển cơ mặt bị viêm hoặc tổn thương. Đối với phụ nữ mang thai, sự thay đổi nội tiết tố và hệ miễn dịch có thể góp phần vào sự phát triển của liệt mặt Bell. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng liệt mặt Bell có thể gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của thai phụ.

Nguyên nhân chính xác của liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng có một số yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng này:

- Sự biến đổi hormone trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm tăng nguy cơ bị liệt mặt Bell.

- Phù nề do tăng lượng nước trong cơ thể, làm tổn thương và sưng dây thần kinh vận động cơ mặt, dẫn đến liệt mặt Bell.

- Nhiễm virus như: virus herpes simplex, herpes Zoster, rubella, adenovirus, cúm B,... có thể làm viêm dây thần kinh mặt, gây liệt mặt Bell. 

Phù nề trong thai kỳ có thể tăng nguy cơ liệt mặt Bell ở mẹ bầu

1.2. Triệu chứng cho thấy liệt mặt Bell ở thai phụ

Liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai thường bắt đầu đột ngột và có thể phát triển trong vòng 48 giờ. Các triệu chứng bao gồm:

- Yếu hoặc liệt một bên mặt khiến thai phụ không có khả năng nhắm mắt hoàn toàn, không thể nhăn trán hay cười như bình thường.

- Cơ mặt yếu nên khó nuốt hoặc khó nhai thức ăn.

- Mắt khô hoặc chảy nước mắt do không thể nhắm mắt hoàn toàn.

- Đau quanh vùng hàm hoặc sau tai.

- Nửa lưỡi bên mặt bị ảnh hưởng bởi liệt mặt Bell bị giảm hoặc mất vị giác.

- Nhạy cảm với âm thanh.

Phát hiện sớm liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai để điều trị sớm có thể giảm thiểu biến chứng và tăng cơ hội hồi phục. Vì thế, nếu nghi ngờ thai phụ có triệu chứng của liệt mặt Bell thì nên khám bác sĩ chuyên khoa ngay.

Liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai gây nên các triệu chứng khiến mẹ bầu mệt mỏi, thiếu tự tin

2. Liệt mặt Bell ảnh hưởng như thế nào đối với thai kỳ?

Thai kỳ là giai đoạn rất nhạy cảm nên khi có triệu chứng liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai, mẹ bầu sẽ rất lo lắng về sự ảnh hưởng của bệnh đến thai nhi. Mẹ bầu có thể yên tâm rằng bệnh lý này không gây nên bất cứ tác động nào đến sự phát triển của con. Bệnh lý này chỉ ảnh hưởng đến vùng mặt, không lan sang bộ phận nào của cơ thể. 

Tuy không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng liệt mặt Bell lại gây nên những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và tâm lý của thai phụ.

Vấn đề dinh dưỡng trong thai kỳ rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và cung cấp dưỡng chất cho thai nhi phát triển. Liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai khiến thai phụ bị đau cơ mặt, khó ăn uống nhưng vẫn cần cố gắng ăn uống đầy đủ để đảm bảo sự phát triển cho thai nhi.

Khi bị liệt mặt Bell, thai phụ thường mệt mỏi, thiếu tự tin, thậm chí còn chán nản.

Thai phụ bị liệt mặt Bell cần được điều trị an toàn bởi bác sĩ chuyên khoa

3. Chẩn đoán và điều trị liệt mặt Bell cho thai phụ

3.1. Chẩn đoán

Chẩn đoán liệt mặt Bell thường dựa trên triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng mà thai phụ gặp phải và có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh để loại trừ các nguyên nhân khác như:

- Chụp MRI hoặc CT-Scanner: nhằm loại trừ khối u hoặc đột quỵ có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt.

- Xét nghiệm máu: kiểm tra bệnh nhiễm trùng có thể gây ra triệu chứng tương tự.

3.2. Điều trị

Điều trị liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai cần phải thận trọng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi:

- Dùng thuốc

Corticosteroid là loại thuốc thường được sử dụng để giảm viêm và sưng dây thần kinh mặt. Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai việc sử dụng corticosteroid cần được cân nhắc cẩn thận và chỉ dùng trong trường hợp vô cùng cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng virus nếu đây là nguyên nhân gây liệt mặt Bell cho thai phụ.

- Vật lý trị liệu

Bài tập dành cho cơ mặt có thể giúp cải thiện tình trạng yếu cơ và ngăn ngừa co thắt cơ. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các bài tập phù hợp để tăng cường sức mạnh cơ mặt.

- Chăm sóc mắt

Do mắt không thể nhắm hoàn toàn, phụ nữ mang thai bị liệt mặt Bell có thể cần sử dụng nước mắt nhân tạo để giữ ẩm mắt và bảo vệ mắt khỏi bị khô.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống

Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và nước cho cơ thể để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ quá trình phục hồi.

Thai phụ không được tự ý dùng thuốc điều trị liệt mặt Bell mà cần có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ. Liệt mặt Bell ở phụ nữ mang thai thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng triệu chứng của bệnh lý này có thể gây ra nhiều khó chịu và giảm chất lượng cuộc sống của thai phụ. Việc nhận biết sớm các triệu chứng, chẩn đoán kịp thời và áp dụng các biện pháp điều trị an toàn có thể giúp cải thiện tình trạng này.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, chăm sóc sức khỏe thai kỳ cùng bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.