Các tin tức tại MEDlatec

Mẹ bỉm sữa nên biết: tất tật vấn đề về căng sữa sau sinh

Ngày 15/10/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Căng sữa sau sinh không phải là hiện tượng hiếm gặp nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà biểu hiện ở mỗi người phụ nữ sẽ có sự khác nhau. Ở mức độ nặng nhất, căng sữa gây ra viêm hoặc áp xe vú khiến chất lượng nguồn sữa mẹ giảm sút và sức khỏe cũng như tâm lý của mẹ bị ảnh hưởng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến gây ra và mẹ nên làm gì để chấm dứt tình tình trạng này?

1. Căng sữa sau sinh - căn nguyên và biểu hiện

1.1. Nguyên nhân nào gây ra căng sữa sau sinh?

Căng sữa sau sinh là thuật ngữ miêu tả tình trạng bầu vú của mẹ đang quá đầy sữa, thường xảy ra sau khi sinh khoảng 3 - 5 ngày. Đây là kết quả của sự mất cân bằng giữa hormone prolactin và oxytocin trong cơ thể mẹ.

Prolactin đảm nhận vai trò tạo sữa còn oxytocin đảm nhận vai trò co bóp tuyến sữa cho dòng sữa lưu thông và theo núm vú để giải phóng sữa ra ngoài. Khi mới sinh, hormone prolactin có nhiều nhưng cơ thể người mẹ chưa thể sản xuất đủ lượng oxytocin nên sữa dễ bị ứ đọng và không thể đẩy ra ngoài hết được từ đó sinh ra hiện tượng căng tức sữa.

Cho trẻ bú sai cách là một trong các nguyên nhân khiến cho mẹ bị căng sữa sau sinh

Ngoài ra, nguyên nhân gây ra hiện tượng căng sữa sau sinh còn gồm:

- Trẻ bú mẹ không đúng cách

Cho con bú thường xuyên và đúng cách sẽ giúp mẹ sớm khỏi căng sữa vì trẻ có thể bú hết được lượng sữa tích trữ trong ngực mẹ. Vì thế, nếu ngay sau khi sinh mẹ không cho con bú hoặc cho con bú nhưng sai cách thì rất dễ bị căng sữa.

- Bị tắc tia sữa

Có những mẹ dù đã cho con bú khá đều đặn nhưng vẫn bị căng sữa sau sinh vì tắc tia sữa. Điều này khiến cho sữa bị ngăn không chảy ra ngoài nên ứ đọng và nghẽn lại trong tuyến dẫn sữa. Càng tích tụ lâu thì lượng sữa này càng khiến cho ngực mẹ bị đau tức và căng cứng.

- Mẹ mặc áo lót quá chật

Sau khi sinh, nếu mẹ mặc loại áo quá chật rất dễ làm cho vùng ngực bị chèn ép và kết quả là tắc tia sữa.

1.2. Biểu hiện căng sữa sau sinh như thế nào?

Các biểu hiện căng sữa sau sinh không hoàn toàn tương đồng trong mọi trường hợp, mẹ sẽ thấy:

- Bị sưng tấy và đau nhức ngực.

- Ngực căng cứng rất khó chịu.

- Có cảm giác ngực nóng hơn so với nhiều vùng da khác của cơ thể.

- Sờ vào ngực thấy có các u cục lổn nhổn.

- Có thể gây viêm hạch nách.

- Bầu ngực mẹ rất căng sữa nhưng lại không thể hút sữa được.

2. Bị căng sữa sau sinh có ảnh hưởng gì không?

Hiện tượng căng sữa sau sinh nếu kéo dài sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của cả mẹ và trẻ:

- Ảnh hưởng đến trẻ

Căng sữa sinh lý khiến cho ngực mẹ luôn ở trạng thái căng tức, tích tụ dịch quanh tuyến sữa nên quầng và núm vú bị sưng. Những điều này làm cho trẻ khó ngậm bắt vú, bú không hiệu quả và quấy khóc nhiều vì bị đói bụng.

Mẹ bị căng sữa dễ khiến trẻ bú khó ngậm vú nên bú không đủ no và thường xuyên quấy khóc

- Ảnh hưởng đến mẹ

Bị căng sữa kéo dài không chỉ khiến mẹ cảm thấy đau đớn mà còn dễ bị mất sữa vì tuyến sữa không hoạt động được. Ngoài ra, mẹ còn có nguy cơ bị viêm tuyến vú, áp xe vú,...

3. Giải pháp chấm dứt căng sữa sau sinh hiệu quả

Hiện tượng căng sữa sau sinh nếu chỉ là xuất phát từ nguyên nhân sinh lý thì nó sẽ chấm dứt khi trẻ bú mẹ hoặc lượng sữa ứ đọng trong ngực mẹ được hút hết (khoảng 1 - 2 ngày). Lúc này, việc mẹ cần làm là cho trẻ bú nhiều, bú đúng cách hoặc dùng máy hút sữa đều đặn theo giờ là sẽ khỏi. Đặc biệt, những ngày đầu, tốt nhất mẹ nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp để kích thích tuyến sữa hoạt động tốt hơn.

Trong thời điểm bị căng sữa sau sinh, nếu mẹ muốn can thiệp bằng tác dụng nhiệt (chườm ấm hoặc lạnh) thì chỉ nên trong khoảng thời gian tối đa 3 phút trước khi cho trẻ bú để giúp kích thích dòng sữa nhanh chảy hơn. Khi bị căng tức ngực đến mức sữa không thể tự chảy ra ngoài được thì mẹ có thể dừng cho con bú để dùng máy hút sữa.

Có những mẹ bị căng sữa là do quá nhiều sữa. Trường hợp này mẹ cần xem lại thực đơn hàng ngày để loại bỏ tạm thời các món ăn lợi sữa ra khỏi bữa ăn của mình. Nếu mẹ căng sữa nhưng lại có ít sữa thì nên tăng cường bổ sung các món ăn lợi sữa vào thực đơn của từng bữa ăn.

Cách massage giúp giảm căng sữa sau sinh nhanh chóng

Ngoài ra, việc massage ngực nhẹ nhàng trước khi cho con bú cũng sẽ giúp ngực mềm ra, sữa nhanh tiết ra hơn. Việc thực hiện động tác massage có tác dụng đánh tan phần sữa bị tắc, kích thích dòng sữa chảy và giảm cảm giác căng đau ở ngực mẹ. Cách massage rất đơn giản: mẹ chỉ cần dùng một tay đỡ ngực, tay còn lại nhẹ nhàng xoa bóp vùng dưới của núm vú là được.

Khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm căng sữa sau sinh, mẹ cần chú ý:

- Không nên chườm nóng hay chườm lạnh quá lâu.

- Không được ấn hay day mạnh vào bầu ngực vì nó dễ làm cho da bị tổn thương, các mạch máu xung quanh tuyến vú bị vỡ, ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến sữa của mẹ.

- Không áp dụng phương pháp để người lớn bú mút cho mẹ vì khớp ngậm của người lớn khác hoàn toàn khớp ngậm của trẻ và miệng người lớn tích tụ rất nhiều vi khuẩn nên dễ làm cho ngực mẹ bị viêm nhiễm.

- Có thể dùng thuốc giảm đau nếu mẹ thấy đau nhiều và kéo dài nhưng cần phải tham vấn bác sĩ chuyên khoa để có liều dùng phù hợp và tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi bú sữa mẹ.

- Không nên mặc áo lót quá chật, thay vào đó mẹ nên chọn loại áo dành riêng cho con bú, chọn vừa size.

Nếu đã áp dụng các phương pháp giúp giảm căng sữa tại nhà mà sau 48 giờ không thấy cải thiện, tốt nhất mẹ nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và có biện pháp xử lý nhanh chóng.

Hy vọng những nội dung được chia sẻ trên đây sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích cho các mẹ bị căng sữa sau sinh. Nếu còn băn khoăn nào khác có liên quan đến sữa mẹ, hãy liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp chi tiết.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.