Các tin tức tại MEDlatec
Nguyên nhân đột quỵ là gì và cách phòng ngừa hiệu quả
- 25/06/2024 | Thời gian vàng trong đột quỵ: yếu tố quyết định di chứng và sự sống cho người bệnh
- 27/06/2024 | Giải đáp băn khoăn: tai biến và đột quỵ liệu có phải là một bệnh hay không?
- 03/07/2024 | Dấu hiệu đột quỵ não: nhận biết và phòng ngừa
1. Như thế nào là đột quỵ?
Đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần não bộ bị gián đoạn hoặc giảm đi đáng kể. Điều này khiến cho các tế bào não không nhận đủ oxy và dưỡng chất cần thiết để hoạt động nên bị tổn thương và chết dần.
Thiếu máu cục bộ là nguyên nhân đột quỵ thường gặp nhất
Có hai loại đột quỵ chính:
- Đột quỵ thiếu máu não
Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có sự xuất hiện của một cục máu đông hoặc mảng xơ vữa trong mạch máu, làm tắc nghẽn dòng chảy của máu đến não.
- Đột quỵ xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, máu chảy vào mô não và gây tổn thương các tế bào não. Nguyên nhân đột quỵ xuất huyết não chủ yếu là do tăng huyết áp và phình động mạch. Có hai loại đột quỵ xuất huyết não chính là:
+ Xuất huyết trong não: tình trạng chảy máu xảy ra bên trong não.
+ Xuất huyết dưới màng nhện: tình trạng chảy máu xảy ra trong không gian giữa não và màng nhện.
2. Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?
Đột quỵ là hậu quả của các nguyên nhân khiến dòng máu lưu thông đến não bị giảm hoặc tắc nghẽn. Kết quả là tình trạng thiếu máu cục bộ và tổn thương tế bào thần kinh không có khả năng phục hồi.
2.1. Yếu tố nguy cơ
- Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: tuổi tác, giới tính, chủng tộc, di truyền, loạn sản xơ cơ, tiền sử đau nửa đầu migraine.
- Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi gồm: huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim, rối loạn lipid máu, thiếu máu não thoáng qua, hẹp động mạch cảnh, tăng homocysteine máu, lối sống, béo phì, dùng thuốc tránh thai hoặc dùng hormone sau mãn kinh, hồng cầu hình liềm.
2.2. Bệnh lý mắc phải
2.2.1. Tắc động mạch lớn
- Vỡ xơ vữa động mạch.
- Huyết khối từ tim: rung nhĩ, hẹp van hai lá,...
2.2.2. Đột quỵ ổ khuyết
Đại đa số trường hợp bị đột quỵ ổ khuyết xuất phát từ tình trạng huyết áp. Nguyên nhân đột quỵ ổ khuyết thường do:
- Mảng vữa xơ nhỏ.
- Nhiễm lipo hyalin.
- Hoại tử fibrin thứ phát hậu viêm mạch, huyết áp.
- Vữa xơ động mạch hyaline.
- Bệnh mạch amyloid.
- Bệnh lý mạch máu khác.
2.2.3. Đột quỵ do cục tắc
Có đến 20% nguyên nhân đột quỵ do cục tắc từ tim, thường xuất phát từ các bệnh lý về tim như:
- Bệnh van tim.
- Rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, giãn cơ tim, suy tim sung huyết nặng.
- U nhầy nhĩ trái.
2.2.4. Đột quỵ do huyết khối
Cục máu đông trong não là yếu tố dẫn đến sự xuất hiện cơn đột quỵ
Nguyên nhân đột quỵ do huyết khối là do các tình trạng:
- Nứt vỡ mảng vữa xơ động mạch khiến các tế bào nội mô bị tổn thương và mất đi, làm cho lớp dưới nội mạc bị lộ ra, hoạt hóa tiểu cầu kết hợp đông máu, ức chế tiêu sợi huyết.
- Hẹp động mạch làm tăng tốc độ dòng máu chảy, tăng kết dính tiểu cầu, cục máu đông hình thành gây tắc nghẽn mạch.
3. Biện pháp phòng ngừa đột quỵ
Kiểm soát huyết áp tốt giúp phòng ngừa nguy cơ bị đột quỵ
Phòng ngừa đột quỵ là một quá trình liên tục và toàn diện của biện pháp được đưa ra dựa trên các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như:
3.1. Kiểm soát huyết áp
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm ít muối.
- Hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều cholesterol và chất béo bão hòa.
- Tiêu thụ không quá 1.500 - 2.300 mg muối/ ngày.
- Dành tối thiểu 30 phút/ngày để thực hiện các bài tập vận động vừa sức như chạy bộ, đi bộ, đạp xe, bơi lội,...
- Kiểm tra huyết áp định kỳ để theo dõi sự biến động bất thường. Trong trường hợp cần thiết hãy điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
3.2. Quản lý bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một trong các nguyên nhân gây đột quỵ. Thực hiện các biện pháp sau giúp kiểm soát tiểu đường để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ:
- Đo đường huyết thường xuyên và duy trì trong ngưỡng cho phép đã được bác sĩ hướng dẫn.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, tránh ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
- Hoạt động thể chất đều đặn.
- Uống thuốc hoặc tiêm insulin đúng với chỉ định của bác sĩ.
3.3. Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá là một quá trình tương đối khó khăn, đòi hỏi quyết tâm và sự kiên trì. Để đạt được mục tiêu này, bạn có thể áp dụng lộ trình sau:
- Xác định ngày cụ thể để bắt đầu ngừng hút thuốc và chuẩn bị tinh thần.
- Có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ như kẹo cao su nicotine, miếng dán nicotine hoặc các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Tham gia vào các chương trình hỗ trợ cai thuốc lá để có thêm động lực và được hướng dẫn cách cai thuốc hiệu quả.
3.4. Một số biện pháp khác
- Tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày để duy trì cân nặng ổn định, giúp giảm áp lực lên tim và mạch máu, nhờ đó giảm nguy cơ đột quỵ.
- Thực hiện các phương pháp như yoga, thiền hoặc tham gia các hoạt động giải trí yêu thích để thư giãn, giảm stress, giảm nguy cơ đột quỵ.
Hy vọng nội dung trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về nguyên nhân đột quỵ để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách tốt nhất, tránh rơi vào tình huống nguy hiểm do đột quỵ gây ra.
Quý khách hàng có nhu cầu tầm soát đột quỵ có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn chi tiết, hướng dẫn đặt lịch nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!