Các tin tức tại MEDlatec

Nguyên nhân tiêu chảy cấp và những cách điều trị bệnh

Ngày 01/01/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Tiêu chảy cấp là hiện tượng tiêu chảy không quá 14 ngày và người bệnh thường đi ngoài phân lỏng hơn 3 lần trong một ngày. Người bệnh cần được theo dõi và chăm sóc đúng cách. Nếu để xảy ra tình trạng mất nước và điện giải, có thể dẫn đến những biến chứng rất nghiêm trọng, nguy cơ cao gây tử vong. Vậy nguyên nhân tiêu chảy cấp là gì và cách điều trị bệnh như thế nào?

1. Nguyên nhân tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy cấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, những nguyên nhân tiêu chảy cấp dưới đây được đánh giá là phổ biến nhất:

Tiêu chảy cấp có thể là do các loại virus, vi khuẩn

- Rotavirus: Đây chính là tác nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Rotavirus gây ra những biến chứng rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.

- Một số loại vi khuẩn cũng có thể gây tiêu chảy cấp, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli, Vibrio Cholerae, Shigella, hay Salmonella và nhiều loại vi khuẩn khác,...

- Tiêu chảy cấp cũng có thể xuất phát từ một số loại ký sinh trùng như Giardia, amip và Cryptosporidium,...

- Một số viêm nhiễm khác như nhiễm khuẩn hô hấp, viêm màng não hay tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng có thể dẫn đến tiêu chảy cấp.

- Dị ứng, thuốc hay một số loại thức ăn cũng chính là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tiêu chảy cấp.

- Ngoài những nguyên nhân tiêu chảy cấp kể trên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh có thể kể đến như sau:

+ Độ tuổi: Trẻ dưới 2 tuổi là nhóm tuổi dễ tiêu chảy cấp.

Trẻ dưới 2 tuổi rất dễ bị tiêu chảy cấp.

+ Những trẻ bị một số bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch như suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS hay sau khi mắc sởi,... cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị tiêu chảy cấp.

+ Mùa hè thường có nguy cơ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, trong khi đó các trường hợp bị tiêu chảy vào mùa đông thường là do Rotavirus.

+ Một số yếu tố nguy cơ khác như cho trẻ bú sữa bằng bình, không nuôi con bằng sữa mẹ trong khoảng 4 đến 6 tháng đầu tiên, mẹ cho bé cai sữa quá sớm, ăn phải những loại thức ăn hay nước uống bị ô nhiễm hoặc chưa được nấu chín, không rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh,...

2. Triệu chứng của tiêu chảy cấp

Khi bị tiêu chảy cấp, người bệnh thường gặp phải những biểu hiện như sau:

- Đối với những trường hợp bị tiêu chảy cấp xâm nhập: Người bệnh thường đi ngoài phân lỏng, lẫn máu trong phân và có thể kèm theo sốt,...

- Đối với những trường hợp tiêu chảy cấp không xâm nhập: Thông thường người bệnh sẽ không bị sốt mà chỉ bị đi ngoài phân lỏng và trong phân không lẫn máu.

- Ngoài những triệu chứng điển hình nêu trên, bệnh nhân ở cả hai nhóm đều có thể xuất hiện kèm theo những biểu hiện bệnh như sau:

Người bị tiêu chảy cấp đi tiêu phân lỏng hoặc lẫn máu

+ Đau bụng: Những cơn đau nhói hoặc âm ỉ. Khi đi đại tiện, cảm giác đau sẽ càng nghiêm trọng hơn.

+ Nôn mửa: Một số bệnh nhân chỉ nôn ra nước hay thức ăn. Tuy nhiên, một số khác có thể nôn ra cả dịch mật.

+ Người bệnh liên tục bị khát nước và da rất khô ráp.

+ Đi tiểu ít hoặc thậm chí không đi tiểu. Nước tiểu có màu vàng đậm.

+ Chóng mặt, cơ thể mệt mỏi và sụt cân.

3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị tiêu chảy cấp tính

3.1. Chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán chính xác về tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ không chỉ kiểm tra những triệu chứng lâm sàng mà còn khai thác những thông tin về tiền sử bệnh, những loại thuốc đang sử dụng, các loại thực phẩm tiêu thụ,... Đồng thời, người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện những phương pháp xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh chính xác và từ đó, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị bệnh hiệu quả:

- Xét nghiệm máu 

- Xét nghiệm phân để kiểm tra có vi khuẩn hay virus hoặc ký sinh trùng trong phân hay không.

- Nội soi hậu môn và tràng sigma.

3.2. Điều trị tiêu chảy cấp

Thông thường, tiêu chảy cấp sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách khắc phục và theo dõi bệnh tại nhà. Tuy nhiên, nếu bệnh không thuyên giảm thì người bệnh cần đi khám sớm để được khắc phục kịp thời. Dưới đây là những phương pháp điều trị tiêu chảy cấp phổ biến:

- Đối với những trường hợp bị tiêu chảy cấp do vi khuẩn hay ký sinh trùng: Cần dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu thuốc kháng sinh gây tiêu chảy thì bệnh nhân cần được giảm liều hoặc thay thế bằng loại thuốc khác. Lưu ý, người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi đã có chỉ định của bác sĩ.

- Đối với những trường hợp uống nhiều nước gây ra đau dạ dày hoặc gây nôn ói, bác sĩ sẽ tiến hành truyền dịch qua tĩnh mạch để hạn chế nguy cơ bị mất nước.

- Bên cạnh đó, cần cho người bệnh uống nước điện giải hoặc một số loại nước ép trái cây để bổ sung vitamin, khoáng chất, muối và các chất điện giải cho cơ thể.

4. Phải làm sao để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp?

Cần chủ động phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp bằng những phương pháp sau:

Rửa tay bằng xà phòng để phòng ngừa bệnh

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

- Thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh không gian sống.

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 

- Không đi tiêu hay đổ rác bừa bãi, không dùng phân tươi để tưới cây.

- Hạn chế ra vào những nơi đang có dịch tiêu chảy cấp.

- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bằng những cách sau:

+ Ăn chín uống sôi, tuyệt đối không uống nước lã.

+ Không ăn những món ăn dễ bị nhiễm khuẩn như nem chua, tiết canh, gỏi,...

+ Lựa chọn mua những loại thức ăn có nguồn gốc rõ ràng. Nếu thực phẩm đã bị quá hạn sử dụng thì không nên ăn.

+ Không nên để thức ăn từ ngày này qua ngày khác.

+ Trước khi chế biến thức ăn cần rửa tay bằng xà phòng.

+ Dùng nước sạch để nấu ăn và sinh hoạt.

Hi vọng những thông tin về tiêu chảy cấp, những triệu chứng bệnh và cách điều trị cũng như phòng ngừa tiêu chảy cấp đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Nếu có những biểu hiện nghi ngờ bệnh và cần đặt lịch khám sớm, mời bạn liên hệ với tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn chi tiết.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.