Các tin tức tại MEDlatec

Nhau bám thấp - Tình trạng bất thường của thai sản mẹ bầu không nên chủ quan

Ngày 02/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nhau bám thấp là tình trạng phát triển bất thường của nhau thai. Cụ thể khi đó, nhau thai bám ở vị trí đoạn dưới của tử cung, nơi gần cổ tử cung dễ gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Vậy chính xác thì mẹ bầu bị nhau bám thấp có ảnh hưởng gì không và hướng điều trị như thế nào?

1. Hiện tượng nhau bám thấp là gì?

1.1. Định nghĩa 

Nhau thai là phần nối giữa bào thai và thành tử cung của mẹ. Chức năng chính của bộ phận này là hỗ trợ vận chuyển oxy, dinh dưỡng từ cơ thể thai phụ cho thai nhi, giúp thai nhi phát triển. Bên cạnh đó, nhau thai còn tham gia vào quá trình loại bỏ tạp chất trong máu, giúp ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng từ bên trong cho thai nhi. 

Còn nhau thai bám thấp là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng bánh rau bị lệch khỏi đáy tử cung. Theo đó, một phần của bánh rau có xu hướng bị lệch xuống dưới, bám vào đoạn dưới tử cung (gần khu vực cổ tử cung). 

Sơ đồ biểu thị sự phát triển bình thường của thai nhi

1.2. Phân loại 

Về mặt bản chất, nhau thai bám thấp là một dạng biến thể của nhau tiền đạo. Dựa theo đặc điểm giải phẫu, tình trạng này có 4 dạng cơ bản, bao gồm: 

  • Nhau thai bám thấp: Bám tới đoạn phía dưới tử cung, nhưng chưa lan đến khu vực lỗ trong của cổ tử cung, cách lỗ trong cổ tử cung dưới 2 cm. 
  • Nhau thai bám mép: Đây thực chất là viền của bờ nhau lan tới sát mép khu vực lỗ trong tử cung. 
  • Nhau thai tiền đạo không trung tâm toàn bộ: Bánh nhau thai không che phủ toàn bộ khu vực lỗ trong tử cung. 
  • Nhau thai tiền đạo trung tâm: Bánh nhau thai che phủ toàn bộ khu vực lỗ trong tử cung. 

Từ tuần thứ 28 trở đi, mẹ bầu nên siêu âm kiểm tra tình trạng nhau thai 

Theo các bác sĩ, nếu tuổi thai chưa lớn, nhau thai bám thấp có thể biến mất khi thai nhi lớn dần tử cung phát triển về phía đáy, kéo theo bánh nhau lên cao. Chính vì thế, bánh nhau bám thấp chủ yếu được chẩn đoán trong khoảng tuần thai thứ 28 trở đi. 

2. Triệu chứng nhận biết nhau bám thấp

Tình trạng bánh nhau bám thấp được cho là biểu hiện rõ nét trong khoảng 3 tháng cuối thai kỳ. Lúc này, thai phụ có thể xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Ra máu bất ngờ, không rõ nguyên nhưng không xuất hiện triệu chứng đau bụng. 
  • Máu ra thường có màu đỏ tươi, vón cục. Lúc đầu lượng máu thường ít, sau đó tình trạng ra huyết âm đạo có thể lặp lại nhiều lần và lần sau thường ra máu nhiều hơn lần trước.
  • Máu hay chảy ra khi vận động, quan hệ hoặc lao động nặng. 
  • Có cảm giác đau nhói, co thắt tại vùng tử cung. 

Nhau thai bám thấp có thể gây đau nhói, co thắt tại vùng tử cung

Ngay khi nhận thấy cơ thể biểu hiện khác lạ như trên, mẹ bầu tuyệt đối không nên chủ quan mà hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông qua quá trình khám lâm sàng kết hợp siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường, đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. 

3. Nhau bám thấp có nguy hiểm không? Có sinh thường được không?

Mẹ bầu tuyệt đối không nên chủ quan khi được chẩn đoán bị nhau thai bám thấp. Bởi nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng này dễ dẫn đến biến chứng sản khoa gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi, đặc biệt là trong quá trình chuyển dạ. Cụ thể: 

  • Nguy hiểm với mẹ bầu: Thai phụ có nguy cơ đối mặt với tình trạng chảy máu trong suốt thai kỳ, dẫn đến thiếu máu, sinh non, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng do mất máu nghiêm trọng. Nếu nhau thai bám sát cổ tử cung, thai phụ dễ bị nhiễm trùng sau sinh do quá trình bóc tách tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Trường hợp bánh nhau thai bám chặt vào vùng cơ phía trong tử cung, không thể bóc tách, mẹ bầu có thể phải cắt tử cung, mất khả năng sinh sản trong tương lai. 
  • Nguy hiểm với thai nhi: Nhau thai bám thấp là một trong những nguyên nhân khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng do không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, máu từ thai phụ. Trong nhiều trường hợp, mẹ bầu buộc phải mổ lấy thai cho dù thai nhi chưa đủ tháng. Những em bé sinh non như vậy có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng suy hô hấp, thể trạng yếu. 

Nhau bám thấp có thể gây nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi

Ngoài ra, nhau thai bám thấp còn dễ dẫn đến hiện tượng ngôi thai không thuận, khiến quá trình sinh nở của chị em khó khăn hơn. Khi đó, mẹ bầu thường được chỉ định mổ lấy thai. 

Nếu nhau bám thai bám thấp không che lấp đường thông để thai nhi chui ra ngoài, mẹ bầu vẫn có thể sinh thường. Thế nhưng trong phần lớn trường hợp, nhau thai bám thấp sẽ gây hiện tượng chảy máu, thời gian chuyển dạ bị kéo dài, làm tăng nguy cơ mất máu, gây nguy hiểm cho thai phụ. Vì thế để đảm bảo an toàn cho cả thai phụ cũng như thai nhi, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ thay vì sinh thường. 

Với trường hợp nhau thai đã bám qua cổ tử cung (bám một phần hoặc bám toàn bộ), mẹ bầu cần được mổ lấy thai ngay khi xuất hiện triệu chứng chảy máu âm đạo. Dựa theo tình hình sức khỏe thực tế của mẹ bầu và thai nhi, bác sĩ sẽ chỉ định thời điểm mổ lấy thai phù hợp. 

4. Phương pháp điều trị khi bị nhau bám thấp

Cách điều trị nhau thai bám thấp cụ thể phụ thuộc vào tình trạng chảy máu, tình hình phát triển của thai nhi. Sau đây là một số hướng điều trị cụ thể: 

  • Điều trị trong trường hợp chưa chảy máu hoặc lượng máu chảy ít: Mẹ bầu được chỉ định nghỉ ngơi tại nhà, không vận động mạnh, chỉ đứng hoặc ngồi khi thực sự cần thiết. Ngoài ra trong thời kỳ này, chị em không nên quan hệ tình dục. Khi phát hiện triệu chứng ra máu, mẹ bầu phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Trường hợp không xuất hiện tình trạng chảy máu hoặc lượng máu chảy ít trong quá trình chuyển dạ, mẹ bầu vẫn có thể sinh nở theo đường dưới âm đạo. 
  • Điều trị trong trường hợp chảy máu nặng: Bác sĩ có thể chỉ định truyền máu, cho mẹ bầu sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát tình trạng chuyển dạ sớm.
  • Điều trị trong trường hợp chảy máu không kiểm soát: Mẹ bầu cần mổ lấy thai khẩn cấp. 

Nếu chưa gặp hiện tượng chảy máu hoặc lượng máu chảy ít, mẹ bầu cần nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ

MEDLATEC vừa cung cấp đến bạn đọc thông tin chung về tình trạng nhau bám thấp. Đây là một trong những tình trạng thai sản nguy hiểm, cần được theo dõi nếu phát hiện, vì vậy, việc mẹ bầu đảm bảo thăm khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ là điều cần thiết. Một địa chỉ mẹ bầu có thể tham khảo để theo dõi thai trong suốt thai kỳ là chuyên khoa Sản phụ khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám, Quý khách có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.