Các tin tức tại MEDlatec
Nhịp tim 110 có nguy hiểm không? Các biện pháp ổn định nhịp tim
- 05/08/2024 | Đo nhịp tim bằng iPhone có chuẩn không? Cách đo để theo dõi sức khỏe
- 01/04/2024 | Chỉ số nhịp tim như thế nào là bình thường?
- 01/10/2023 | Nhịp tim trẻ em như thế nào là bình thường?
1. Nhịp tim trung bình bao nhiêu?
Nhịp tim khác nhau theo độ tuổi, cụ thể tuổi càng cao, nhịp tim càng giảm. Trẻ sơ sinh có nhịp tim cao nhất, từ 120 - 160 lần/phút. Đến khi trưởng thành, sức khỏe bình thường, nhịp tim khoảng 60 - 100 lần/phút. Từ 60 tuổi trở lên, không mắc bệnh lý, nhịp tim thấp hơn, chỉ khoảng 60 - 80 lần/phút.
Ngoài ra, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim của mỗi người, chẳng hạn thói quen tập luyện, tính chất công việc, trạng thái cảm xúc, môi trường sống, bệnh lý,… Nhưng nếu nhịp tim luôn trong khoảng trung bình thì không có vấn đề lo ngại. Còn nhịp tim thường xuyên thấp hay cao hơn bình thường, cần có biện pháp theo dõi, kiểm soát.
Nhịp tim là một chỉ số quan trọng của sức khỏe
2. Nhịp tim 110 có nguy hiểm không?
Rối loạn nhịp tim tiềm ẩn nhiều biến chứng, vì vậy, nhiều người lo ngại không biết nhịp tim 110 có nguy hiểm không. Theo bác sĩ Tim mạch, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhịp tim 110 lần/phút là bình thường, không nguy hiểm. Còn với người trưởng thành và người già, nhịp tim 110 lần/phút là tim đập nhanh hay nhịp tim cao. Để biết có nguy hiểm hay không, cần xác định đâu là nguyên nhân.
Các trường hợp không nguy hiểm
Nếu nhịp tim của bạn tăng lên 110 lần/phút sau khi vận động mạnh với cường độ cao thì không nguy hiểm. Bởi lúc này, tim phải co bóp liên tục để tăng cường bơm máu đến các cơ quan, dẫn đến nhịp tim tăng.
Ngoài ra, tim đập nhanh 110 lần/phút được cho là bình thường nếu bạn vừa trải qua cảm giác hồi hộp, lo lắng, căng thẳng. Lúc này, phản ứng của cơ thể là tiết ra hormone cortisol và adrenaline nhiều hơn để tăng cường hoạt động của tim, dẫn đến nhịp tim nhanh. Đối với các trường hợp này, sau khi nghỉ ngơi và ổn định cảm xúc, nhịp tim sẽ nhanh chóng trở về bình thường.
Nhịp tim 110 sau khi tập luyện thường không nguy hiểm
Các trường hợp nguy hiểm
Nhịp tim 110 có nguy hiểm không? Câu trả lời là có nếu nguyên nhân khiến tim đập nhanh là do:
Sử dụng chất kích thích
Nhịp tim có thể tăng lên 110 lần/phút hay thậm chí cao hơn nếu bạn vừa sử dụng chất kích thích hoặc lạm dụng chất kích thích trong thời gian dài. Chất kích thích ở đây bao gồm heroin, cocaine, caffeine, nicotine,… gây rối loạn nhịp tim và huyết áp, có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Mắc bệnh lý tim mạch
Có nhiều bệnh lý tim mạch làm tim đập nhanh hơn bình thường, có thể kể đến như hở van tim, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, suy tim sung huyết,… Ngoài tăng nhịp tim, bạn còn gặp các triệu chứng như khó thở, đau thắt ngực, choáng váng, ngất xỉu,… Nếu không được theo dõi sẽ rất nguy hiểm.
Mắc các bệnh lý khác
Bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, bệnh phổi (hen suyễn, viêm phổi, thuyên tắc phổi,…) cũng có thể là nguyên nhân làm nhịp tim tăng lên 110 lần/phút. Nếu nguyên nhân do các bệnh lý này, bạn cũng không được chủ quan mà cần điều trị tốt và theo dõi tình hình sức khỏe chặt chẽ.
Không được chủ quan nếu nhịp tim 110 do bệnh lý
3. Làm gì khi nhịp tim 110 lần/phút?
Dựa vào nguyên nhân mà bạn có cách xử trí khi thấy nhịp tim tăng lên 110 lần/phút. Nói chung, đối với các trường hợp không gây nguy hiểm, bạn cần chỉ cần tập trung nghỉ ngơi, thư giãn và hít thở sâu. Đồng thời, loại bỏ những tác nhân ảnh hưởng đến tinh thần, tâm trạng, cảm xúc.
Còn với những trường hợp tim đập 110 lần/phút do các yếu tố nguy hiểm gây ra như chất kích thích, bệnh lý, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ, đặc biệt là khi tim đập nhanh kèm theo các biểu hiện như đau tức ngực, khó thở, chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng, giảm thị lực, tay chân tê,… Khi đến gặp bác sĩ, bạn cần cung cấp đầy đủ các triệu chứng này cũng như chỉ số nhịp tim của những lần đo gần nhất.
4. Biện pháp ổn định nhịp tim
Ngoài nắm bắt nhịp tim 110 có nguy hiểm không, bạn cũng cần trang bị cho mình những kiến thức giúp ổn định nhịp tim.
Uống đủ nước
Uống ít nước khiến cơ thể thiếu nước, máu trở nên “đậm đặc”. Lúc này, tim phải hoạt động mạnh để máu được lưu thông thuận lợi. Khi tim co bóp mạnh và liên tục, nhịp tim sẽ tăng. Do đó, để ổn định nhịp tim, bạn cần uống đủ nước, từ 1,5 - 2 lít mỗi ngày.
Cân bằng điện giải
Hoạt động của tim chịu ảnh hưởng từ các chất điện giải như natri, kali, canxi, magie,… trong máu. Vì vậy, ngoài uống đủ nước, bạn cũng cần chú ý cân bằng điện giải, nhất là trong các trường hợp cơ thể bị mất nước và mất cân bằng điện giải do đổ mồ hôi nhiều sau tập luyện, sốt cao, tiêu chảy. Để cân bằng điện giải, bạn có thể uống nước dừa, nước cam, sữa hoặc ăn phô mai, yến mạch, ngũ cốc, hải sản,…
Nước dừa cân bằng điện giải, ổn định nhịp tim
Làm mát cơ thể
Tim có xu hướng đập nhanh hơn nếu bạn ở trong không gian bí bách, nóng nực hoặc sau khi tập luyện. Lúc này, thân nhiệt tăng, đổ mồ hôi nhiều làm cơ thể mất nước, gây nhịp tim cao. Do đó, hãy làm mát cơ thể bằng cách lau khô người, thay quần áo bị mồ hôi làm ướt bằng đồ thông thoáng, sau đó dùng máy lạnh, máy quạt, ăn nhiều trái cây,…
Tập thể dục
Nhiều người cho rằng khi tim đập nhanh không nên luyện tập. Điều này không sai, nhưng không hẳn là đúng. Bạn chỉ chú ý không tập luyện quá sức hay tập những bộ môn nặng, còn với những bài tập nhẹ nhàng như hít thở sâu, ngồi thiền, đi bộ,… sẽ giúp điều hòa nhịp tim hiệu quả.
Ngủ đủ giấc
Đây là cách giúp ổn định nhịp tim cho những người bị cao huyết áp, tim đập nhanh vào ban đêm. Để ngủ đủ giấc, bạn cần đi ngủ sớm, đúng giờ cũng như loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực trước khi đi ngủ.
Hy vọng bài viết trên giúp bạn biết được nhịp tim 110 có nguy hiểm không. Để đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh tại Chuyên khoa Tim mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!