Các tin tức tại MEDlatec
Phòng ngừa nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B cho thai nhi
- 14/05/2021 | Viêm họng do liên cầu khuẩn nguy hiểm không và triệu chứng bệnh
- 27/10/2022 | Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ mang thai có quan trọng không?
- 20/12/2022 | Mẹ bầu nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B nguy hiểm như thế nào?
- 29/08/2022 | Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B - những thông tin thai phụ cần biết
1. Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?
Liên cầu khuẩn nhóm B là nhóm vi khuẩn quá quen thuộc, chúng được biết tới với tên gọi quốc tế là Group B streptococcus, viết tắt là GBS. Loại vi khuẩn này chủ yếu trú ngụ, phát triển tại đường tiết niệu, đường sinh dục hoặc đường tiêu hóa. Theo các số liệu thống kê, vi khuẩn trên thường xuất hiện ở phụ nữ đang mang bầu và gây hại tới sức khỏe trong một thời gian dài mà không để lại bất cứ triệu chứng bất thường nào.
Liên cầu khuẩn nhóm B phát triển tự nhiên trong cơ thể chúng ta
Vậy liên cầu khuẩn thuộc nhóm B lây nhiễm vào cơ thể của phụ nữ mang thai bằng cách nào? Nhiều người cho rằng vi khuẩn lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, tuy nhiên đây là quan niệm chưa thực sự chính xác. Cho tới nay, khoa học chưa thể chính minh con đường lây truyền của liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ mang thai. Loại vi khuẩn này tồn tại trong cơ thể của tất cả chúng ta, bao gồm cả những người khỏe mạnh và ít khi gây ra dấu hiệu. Do đó, việc phát hiện và tiêu diệt vi khuẩn gặp nhiều khó khăn.
Phụ nữ mang thai nếu không may nhiễm liên cầu khuẩn có thể lây truyền bệnh cho thai nhi, bởi vì vi khuẩn có thể truyền từ mẹ sang con thông qua đường âm đạo. Lúc này, cả mẹ và bé đều phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, tính mạng bị đe dọa trực tiếp. Do đó, thai phụ không thể chủ quan, bỏ qua việc theo dõi và điều trị nếu họ bị nhiễm liên cầu khuẩn.
2. Thai phụ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B thường gặp triệu chứng nào?
Phụ nữ mang thai nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B sẽ phải đối mặt với triệu chứng như thế nào? Như đã nêu trên, loại vi khuẩn này thường không gây ra các triệu chứng rõ rệt, chính vì thế thai phụ rất khó phát hiện bệnh sớm. Nhiều trường hợp bệnh nhân phát hiện nhiễm liên cầu khuẩn trong giai đoạn chuẩn bị sinh nở. Điều này gây ra không ít khó khăn với bác sĩ trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.
Thai phụ nhiễm vi khuẩn GBS cần có kế hoạch chăm sóc và điều trị thích hợp
Thông thường, phụ nữ mang thai nhiễm liên cầu khuẩn có xu hướng chuyển dạ sớm, từ khoảng tuần thứ 35 - 37 của thai kỳ. Ngoài ra, một số bệnh nhân có hiện tượng vỡ ối từ rất sớm, trước tuần thứ 37 và không có dấu hiệu chuẩn bị chuyển dạ. Trong những tháng cuối của thai kỳ, chị em nên chủ động theo dõi các triệu chứng của cơ thể để kịp thời xử lý và đảm bảo em bé và mẹ cùng mạnh khỏe.
Khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, thai phụ rất dễ sốt cao tại thời điểm chuyển dạ. Bác sĩ cần lưu ý vấn đề này để chuẩn bị tốt nhất cho ca đỡ đẻ, hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn sang thai nhi.
Các chị em đã từng nhiễm vi khuẩn GBS trong những lần mang thai trước cần thận trọng, họ là đối tượng có nguy cơ nhiễm cực kỳ cao. Tốt nhất, trong giai đoạn mang bầu, người phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm nước tiểu để phát hiện sớm vi khuẩn, có kế hoạch chăm sóc và điều trị thích hợp.
Mẹ bầu nên đi xét nghiệm tầm soát liên cầu khuẩn nhóm B sớm
3. Ảnh hưởng của liên cầu khuẩn nhóm B đối với mẹ và bé
Không thể phủ nhận rằng liên cầu khuẩn nhóm B là loại vi khuẩn nguy hiểm đối với mẹ bầu và thai nhi. Phụ nữ nhiễm vi khuẩn GBS khi đang mang thai thường chuyển dạ sớm và sinh non. Bên cạnh đó, họ phải đối mặt với nguy cơ vỡ ối sớm hoặc viêm màng ối. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người phụ nữ.
Thậm chí, vi khuẩn GBS còn để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng cho phụ nữ sau khi sinh, có thể kể tới tình trạng viêm nội mạc tử cung hoặc viêm vú,… Nhiều chị em được chẩn đoán viêm đài bể thận hoặc nhiễm trùng tiểu do nhiễm liên cầu khuẩn và không được điều trị kịp thời, đúng cách.
Không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ, vi khuẩn GBS cũng đe dọa tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Đối với trẻ sơ sinh nhiễm trùng sớm, các triệu chứng thường gặp là: trẻ hô hấp kém, có dấu hiệu hạ huyết áp, thường xuyên rơi vào tình trạng lơ mơ. Lúc này, trẻ có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi hoặc viêm màng não, việc điều trị gặp nhiều khó khăn do trẻ còn quá yếu. Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B sớm.
Trẻ sơ sinh từ 7 tới 90 ngày tuổi cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn GBS, tình trạng này được gọi là nhiễm trùng sơ sinh muộn. Thông thường, trẻ nhiễm GBS muộn khi bú sữa mẹ bị viêm vú sau sinh. Ở giai đoạn này, vi khuẩn thường gây bệnh viêm màng não ở trẻ và để lại những biến chứng nghiêm trọng, đó là kém phát triển về não bộ, khả năng vận động hạn chế,…
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của vi khuẩn đối với sức khỏe mẹ và bé, chúng ta cần chủ động phòng ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn GBS cho phụ nữ đang mang thai.
4. Kinh nghiệm phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B từ mẹ sang con
Liên cầu khuẩn nhóm B thường phát triển trong cơ thể chúng ta, do đó, việc phòng ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn cho mẹ bầu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế khả năng lây nhiễm vi khuẩn từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Đầu tiên, thai phụ nên đi tầm soát vi khuẩn GBS trong giai đoạn mang bầu để phát hiện vi khuẩn sớm. Thông thường, xét nghiệm kiểm tra được bác sĩ khuyến khích thực hiện trong giai đoạn từ tuần thứ 35 - 37 của thai kỳ. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra dịch ở âm đạo và hậu môn của người phụ nữ để phát hiện liên cầu khuẩn.
Đối với thai phụ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân truyền kháng sinh khi họ bắt đầu vỡ ối hoặc chuyển dạ đến khi em bé sinh ra đời. Cách làm này giúp hạn chế nguy cơ lây truyền vi khuẩn từ mẹ sang bé trong khi sinh nở.
Thai phụ nhiễm vi khuẩn được truyền kháng sinh trong quá trình sinh nở
Sau khi sinh, trẻ cần được theo dõi sức khỏe ít nhất là 90 ngày. Nếu phát hiện em bé có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên chủ động đưa con đi kiểm tra để xác định xem bé có nhiễm vi khuẩn hay không.
Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp mẹ bầu chú ý hơn tới việc chăm sóc sức khỏe, chủ động theo dõi và phát hiện kịp thời khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B. Nhờ việc phát hiện sớm, chúng ta có thể kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cho trẻ sơ sinh. Do đó, các mẹ nên đi thăm khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín và Hệ thống Y tế MEDLATEC là một lựa chọn đáng tin cậy. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!