Các tin tức tại MEDlatec

Sâu răng trẻ em: chuyện thường gặp nhưng dễ bị ngó lơ

Ngày 01/03/2024
Sâu răng trẻ em đang có xu hướng ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan gây ra. Tình trạng sâu răng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng, khả năng nhai cắn mà còn làm giảm tính thẩm mỹ và gây ra nhiều bất tiện trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Vậy cha mẹ cần đối phó với tình trạng sâu răng ở trẻ như thế nào? Phòng ngừa ra sau? Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ giải đáp những băn khoăn này.

1. Sâu răng trẻ em là do nguyên nhân gì?

Sâu răng là khi vi khuẩn xâm nhập vào khoang miệng và làm tổn thương ngà răng, men răng của trẻ. Chúng có thể trú ngụ trong cặn thức ăn, mảng bám dư thừa không được làm sạch trong các kẽ răng. Vi khuẩn sau đó sẽ tiết ra các men để biến những thành phần có trong thức ăn thành một loại axit. Khi độ pH trong môi trường khoang miệng có chỉ số dưới 5 thì sẽ gây ra phản ứng hủy khoáng làm mòn men răng và dần dần dẫn đến sâu răng.

Ngoài vi khuẩn thì những yếu tố dưới đây cũng làm tăng nguy cơ sâu răng trẻ em:

●       Cấu trúc men răng: những trẻ có men răng thiểu sản hoặc kém khoáng hóa sẽ dễ gặp phải tình trạng hủy khoáng, phát triển tình trạng sâu răng.

●       Cấu trúc của răng: ví dụ như răng hàm có rãnh sâu dẫn đến khó làm sạch mảng bám, thức ăn thừa khiến vi khuẩn dễ bề sinh sôi ở khu vực này. Ngoài ra, nếu hình dạng răng của trẻ bất thường như có núm phụ, răng sinh đôi thì khả năng sâu răng cũng lớn hơn.

●       Tình trạng mọc răng: răng mọc lệch, chen chúc nhau khiến thức ăn dễ dắt vào kẽ răng nên trẻ cũng dễ bị sâu răng trong các trường hợp này.

●       Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ: trẻ lười đánh răng hoặc vệ sinh răng không sạch cũng là yếu tố khiến răng dễ bị sâu.

●       Ăn nhiều đồ ngọt: trong các loại hoa quả, bánh kẹo ngọt có chứa nhiều chất tạo ngọt như fructose, glucose,... Khi vi khuẩn và nước bọt tiếp xúc với các chất này sẽ biến đổi thành axit và mài mòn lớp men răng, gây sâu răng.

●       Trẻ mắc các bệnh về răng miệng: viêm tủy răng, viêm nướu có thể hủy hoại thân răng và làm răng bị sâu.

●       Các yếu tố gây sâu răng khác: lo âu, căng thẳng trong thời gian dài, thiếu chất khoáng Fluor trong răng,...

Vệ sinh răng miệng không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây sâu răng trẻ em

2. Triệu chứng báo hiệu nguy cơ sâu răng trẻ em

Dưới đây là những biểu hiện giúp nhận biết tình trạng sâu răng ở trẻ:

●       Xuất hiện những mảng bám và đốm đen ở viền chân răng.

●       Trên răng có lỗ sâu màu đen.

●       Sưng lợi quanh chiếc răng sâu.

●       Trẻ bị đau nhức, ê buốt răng, chán ăn và hay quấy khóc.

●       Bé bị hôi miệng mặc dù đã vệ sinh răng kỹ lưỡng.

Sâu răng sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ăn uống cũng như tâm lý của trẻ. Nếu răng sữa bị sâu và phải nhổ bỏ sớm (trước 6 tuổi) thì sẽ dẫn đến tình trạng mọc lệch của răng vĩnh viễn sau này.

3. Cách điều trị tình trạng sâu răng trẻ em

Trước khi điều trị trẻ sẽ được thăm khám và dựa trên mức độ răng sâu bác sĩ sẽ tư vấn phương án điều trị phù hợp:

●       Răng mới bị sâu: trám răng sẽ là phương pháp được áp dụng trong trường hợp này với mục đích là bảo tồn các răng được nguyên vẹn trong hàm. Đây là biện pháp tái khoáng, lấp đầy chỗ sâu bằng các chất như phosphat, calcium, fluoride giúp ngăn ngừa sự phát triển của sâu răng.

●       Trường hợp bị sâu răng nặng: là răng của trẻ đã xuất hiện các lỗ sâu đen, khiến trẻ đau nhức, mẻ, gãy vỡ răng. Nếu sâu răng đã lan tới phần tủy thì bác sĩ sẽ điều trị nội khoa trước, sau đó mới áp dụng trám.

●       Nếu sâu răng gây viêm tủy cấp, xương ổ răng hình thành áp xe: thường xảy ra khi trẻ bị viêm tủy lâu ngày khiến tủy răng bị nhiễm trùng, dần dần xuất hiện những túi mủ ở chân răng (áp xe răng). Tình trạng này sẽ khiến trẻ đau đớn không ngừng, nếu không điều trị sẽ lây lan sang những răng lân cận, kéo theo hàng loạt biến chứng như sưng hàm, lợi, mặt, hạch bạch huyết vùng cổ, thậm chí là ảnh hưởng đến dây thần kinh trung ương. Các biện pháp có thể được áp dụng đối với trường hợp này có thể là bọc răng sứ, nhổ răng hoặc trồng răng implant.

Sâu răng sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ăn uống cũng như tâm lý của trẻ

Nhìn chung dựa trên độ nặng nhẹ của răng sâu, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định nên điều trị bảo tồn hay nhổ bỏ phần răng sâu đó. Bởi vì nhổ răng sữa quá sớm sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc hàm sau này nên nếu phải nhổ bỏ thì trẻ sẽ cần phải dùng một khí cụ là bộ giữ khoảng để ngăn không cho những răng xung quanh mọc xô lệch về vị trí răng bị trống.

4. Phòng ngừa sâu răng ở trẻ

Để giúp trẻ sở hữu một hàm răng chắc khỏe, cha mẹ nên tìm hiểu thêm những cách chăm sóc và bảo vệ răng cho bé dưới đây:

●       Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng đúng cách: từ khi trẻ đã đủ nhận thức và có thể tự vệ sinh răng cho mình, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách chải răng khoa học như chải dọc kẽ răng, mỗi lần chải sẽ kéo dài ít nhất trong 2 phút, đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày sáng và tối. Loại kem đánh răng của trẻ không nên chứa đường, 2 tháng/lần định kỳ thay bàn chải cho bé.

●       Cho trẻ súc miệng bằng nước muối mỗi ngày: nước muối có tác dụng kháng viêm, khử trùng rất hiệu quả nên thường được các nha sĩ khuyên thực hiện để phòng chống sâu răng. Cha mẹ nên cho bé súc miệng với nước muối pha loãng sau mỗi lần đánh răng xong.

●       Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong thực đơn của trẻ: trẻ nên ăn những loại thực phẩm tốt cho hệ xương và răng như sữa bò, sữa chua, trái cây, rau xanh, nước lọc. Bên cạnh đó cần hạn chế đồ ngọt, nước ngọt, nước có gas để không làm hại men răng.

●       Đưa trẻ đi khám răng định ký ít nhất 6 tháng/lần: điều này sẽ giúp phát hiện kịp thời nguy cơ sâu răng ở trẻ.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần

Hy vọng rằng thông qua bài viết này, cha mẹ đã có thêm những kiến thức bổ ích về tình trạng sâu răng trẻ em. Nếu trẻ đang có những biểu hiện của sâu răng, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám và điều trị ngay.

Chuyên khoa Răng Hàm mặt trực thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong những địa chỉ thăm khám uy tín, chất lượng được hàng triệu khách hàng đánh giá cao. MEDLATEC quy tụ đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn cao, kết hợp với đó là hệ thống máy móc hiện đại sẽ giúp quá trình thăm khám và điều trị các vấn đề về răng miệng trở nên nhanh chóng và chính xác hơn rất nhiều.

Quý bậc phụ huynh có thể liên hệ ngay với hotline 1900565656 để được nhân viên y tế của MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn, đồng thời hỗ trợ đặt lịch khám cùng bác sĩ ngay hôm nay.

Từ khoá: sâu răng trẻ em

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.