Các tin tức tại MEDlatec

Sưng khớp gối kéo dài – Đừng chủ quan với những dấu hiệu âm thầm

Ngày 05/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Sưng khớp gối là tình trạng thường gặp trong nhiều bệnh lý cơ xương khớp, nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh. Đây không chỉ là tình trạng của người lớn tuổi mà ngày nay, người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc cao. Hiểu rõ về nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị sưng khớp gối là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe xương khớp lâu dài.

1. Sưng khớp gối là gì?

khớp gối là một trong những khớp lớn và phức tạp nhất của cơ thể, gồm ba xương chính: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Giữa các đầu xương là lớp sụn giúp hấp thụ lực và giảm ma sát khi cử động. Khớp gối được bao bọc bởi màng hoạt dịch – nơi sản xuất dịch khớp giúp bôi trơn và nuôi dưỡng sụn khớp.

Sưng khớp gối là hiện tượng vùng quanh khớp gối bị phù nề do tích tụ dịch khớp, máu hoặc phản ứng viêm khiến khớp gối sưng, kèm theo cảm giác đau, nóng, đỏ, cứng khớp và khó vận động. Đây không chỉ là biểu hiện đau nhức thông thường mà còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý cơ xương khớp nghiêm trọng như viêm khớp, thoái hóa khớp, chấn thương dây chằng. 

Sưng khớp gối là hiện tượng vùng quanh khớp gối bị phù nề do tích tụ dịch khớp, máu hoặc phản ứng viêm

2. Nguyên nhân gây sưng khớp gối

Tình trạng sưng đau khớp gối có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Thoái hóa khớp gối: Thoái hoá khớp thường gặp ở người cao tuổi, nguyên nhân do sụn khớp bị bào mòn gây viêm và tràn dịch.
  • Chấn thương: Tình trạng do bong gân, rách dây chằng, rách sụn chêm hay gãy xương,… đều có thể gây sưng, đau khớp gối.
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, trong đó khớp bị viêm kéo dài gây sưng đau và cứng khớp vào buổi sáng.
  • Gút: Tinh thể urat lắng đọng trong khớp gây phản ứng viêm cấp tính và sưng tấy đỏ.
  • Nhiễm khuẩn: Viêm khớp nhiễm trùng (septic arthritis) do vi khuẩn gây viêm mủ cấp tính tại khớp. 

Một số yếu tố nguy cơ khác như béo phì, vận động sai tư thế, di truyền hay tiền sử bệnh lý tự miễn cũng góp phần làm tăng khả năng bị sưng khớp gối.

Tình trạng sưng đau khớp gối có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau

3. Triệu chứng sưng khớp gối

Sưng khớp gối có thể diễn ra âm ỉ hoặc cấp tính tùy thuộc vào nguyên nhân. Một số triệu chứng điển hình gồm:

  • Sưng tấy quanh khớp gối: Bạn có thể quan sát thấy vùng gối phồng to, da căng bóng, đôi khi nóng đỏ.
  • Đau nhức khớp gối: Cơn đau khớp gối có thể âm ỉ hoặc dữ dội, tăng khi vận động hoặc đứng lâu.
  • Cứng khớp buổi sáng: Gối khó gập, khó duỗi, đặc biệt là sau khi ngủ dậy. Người bệnh thường phải vận động nhẹ nhàng tại chỗ một lúc lâu trước khi xuống giường.
  • Hạn chế vận động: Sưng khớp gối khiến vận động hạn chế, đi lại, leo cầu thang hoặc ngồi xổm gặp nhiều khó khăn.
  • Lạo xạo hoặc kêu lục khục: Khớp gối có thể phát ra tiếng lạo xạo, lục khục khi cử động do sụn bị bào mòn.
  • Có thể sốt nhẹ hoặc mệt mỏi: Trong các trường hợp viêm hoặc nhiễm trùng, người bệnh có thể gặp biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi.

4. Phương pháp điều trị sưng khớp gối

Điều trị sưng khớp gối phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể, nhưng có các hướng điều trị thường được áp dụng sau:

4.1. Điều trị nội khoa

Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc, tuỳ vào nguyên nhân đau khớp gối như:

  • Thuốc giảm đau, kháng viêm: Paracetamol, NSAIDs (Ibuprofen, Diclofenac), Corticoid uống hoặc tiêm nội khớp.
  • Thuốc điều trị bệnh: Thuốc ức chế miễn dịch trong viêm khớp dạng thấp, Allopurinol trong bệnh Gút.
  • Kháng sinh: Điều trị kháng sinh nếu có viêm khớp nhiễm khuẩn.

Tuỳ vào nguyên nhân đau khớp gối mà bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc

4.2. Vật lý trị liệu

Bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu để hỗ trợ giảm đau, giảm viêm khớp gối:

  •  Điện xung, sóng ngắn, siêu âm điều trị giúp giảm đau, chống viêm, tăng tuần hoàn.
  • Tập luyện vận động khớp gối phù hợp dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.

4.3. Điều trị ngoại khoa

Khi các phương pháp điều trị nội khoa như dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc chăm sóc tại nhà không còn hiệu quả, đặc biệt trong các trường hợp sưng khớp gối kéo dài hoặc có biến chứng nghiêm trọng, điều trị ngoại khoa có thể là chỉ định bắt buộc.

  • Chọc hút dịch khớp: Bác sĩ sẽ sử dụng kim vô trùng để hút dịch khớp ra ngoài, giúp giảm áp lực nội khớp, cải thiện đau và sưng. Đồng thời, dịch khớp cũng được đưa đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân như viêm, nhiễm trùng hay tinh thể urat (gout).
  • Tiêm nội khớp: Tiêm corticosteroid hoặc acid hyaluronic trực tiếp vào khớp gối là một biện pháp nhằm chống viêm, giảm sưng và cải thiện vận động.
  • Nội soi khớp gối: Nội soi khớp là cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong khớp gối thông qua camera nhỏ được đưa vào khớp. Ngoài mục đích chẩn đoán, bác sĩ có thể tiến hành xử lý các tổn thương bên trong như: cắt lọc màng hoạt dịch viêm, lấy dị vật, xử lý rách sụn chêm hoặc tổn thương dây chằng.
  • Phẫu thuật thay khớp gối: Phẫu thuật chỉ định cho các trường hợp sưng khớp gối mạn tính, mất chức năng vận động nghiêm trọng, thoái hóa khớp gối không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.

Tiêm nội khớp là một biện pháp nhằm chống viêm, giảm sưng và cải thiện vận động khớp gối.

5. Phòng ngừa sưng khớp gối

Việc chủ động phòng ngừa sẽ giúp hạn chế nguy cơ tái phát hoặc tiến triển bệnh nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số biện pháp được các chuyên gia khuyến nghị:

  • Duy trì cân nặng hợp lý để tránh tạo áp lực quá lớn lên khớp gối.
  • Tập luyện đều đặn các bài tập thể dục, môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga,… giúp tăng cường cơ quanh khớp, duy trì độ linh hoạt và lưu thông dịch khớp
  • Tránh mang vác nặng hoặc gập gối sâu như ngồi xổm, quỳ gối lâu.
  • Bổ sung dinh dưỡng hợp lý như tăng cường canxi, vitamin D, omega-3 từ cá hồi, trứng, sữa, rau xanh,…
  • Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, đặc biệt ở người có bệnh lý mạn tính hoặc có yếu tố di truyền về cơ xương khớp.
  • Sử dụng giày dép hỗ trợ nhằm giảm lực dồn vào khớp gối khi đi lại.

Sưng khớp gối không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn tiềm ẩn nhiều bệnh lý nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Việc nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp điều trị – phòng ngừa là yếu tố then chốt giúp người bệnh cải thiện sức khỏe xương khớp, duy trì cuộc sống năng động và không đau đớn.

Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ, đừng chần chừ mà hãy đến chuyên khoa Cơ xương khớp của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được thăm khám và can thiệp kịp thời. Bạn có thể liên hệ với tổng đài tư vấn: 1900 56 56 56

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.