Các tin tức tại MEDlatec

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới: Chi tiết phương pháp chẩn đoán và phòng ngừa

Ngày 16/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay còn gọi là suy giãn hệ thống tĩnh mạch chân, nếu tiến triển nặng dễ làm giảm sút khả năng vận động. Bệnh lý này cần được phát hiện sớm để kịp thời thực hiện biện pháp cải thiện triệu chứng, ngăn chặn biến chứng. Vậy bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách nào, bạn có thể tìm hiểu cụ thể trong những thông tin được cung cấp trong bài viết dưới đây.

1. Khái quát về nguyên nhân gây nên bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng các tĩnh mạch ở chân bị giãn nở, căng phồng và không thể tuần hoàn máu như bình thường. Điều này thường xảy ra khi các van trong tĩnh mạch bị suy yếu, khiến máu không thể di chuyển ngược về tim. Máu bị ứ lại tại các tĩnh mạch chân, gây ra các triệu chứng sưng tấy, đau, mỏi và nổi các mạch máu nhỏ trên bề mặt da.

Yếu tố nguy cơ gây xuất hiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường do:

- Có yếu tố di truyền từ gia đình có người đã từng bị suy giãn tĩnh mạch.

- Tính chất công việc ngồi lâu hoặc đứng lâu một chỗ.

- Quá trình mang thai khiến áp lực trong lòng tĩnh mạch gia tăng.

- Suy yếu tĩnh mạch do lão hóa cơ thể theo độ tuổi.

- Bị thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch chân.

Hình ảnh mô phỏng tình trạng lưu thông máu bất thường trong bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

2. Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng những phương pháp nào?

Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới là cơ sở để bác sĩ xác định mức độ của bệnh, nguy cơ xảy ra biến chứng và có phương án điều trị phù hợp. Thông thường, quá trình chẩn đoán gồm:

2.1. Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tổng quát để đánh giá các triệu chứng mà người bệnh gặp phải và đặt ra một số câu hỏi:

- Quan sát vùng da để phát hiện tình trạng giãn nở, sưng tấy hoặc biến dạng trên bề mặt da.

- Bác sĩ thăm khám lâm sàng để kiểm tra phù, căng cứng, màu sắc da thay đổi (ví dụ như độ cứng, sắc tố, chàm) và cảm giác chi phối, phát hiện các búi giãn tĩnh mạch.

- Bác sĩ sẽ đặt ra câu hỏi về các triệu chứng như cảm giác nặng chân, đau nhức hoặc sưng chân mà họ gặp phải, nhất là vào thời điểm cuối ngày.

2.2. Siêu âm Doppler

Siêu âm Doppler giúp bác sĩ phát hiện chính xác suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Phương pháp này sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh và kiểm tra dòng máu trong tĩnh mạch, giúp bác sĩ phát hiện tình trạng máu ứ đọng hoặc tắc nghẽn trong tĩnh mạch.

Ngoài ra, quá trình siêu âm còn giúp bác sĩ biết được tốc độ lưu thông dòng máu ở tĩnh mạch. Nếu phát hiện tình trạng máu chảy ngược thì chứng tỏ van tĩnh mạch bị suy yếu.

Người bệnh được siêu âm Doppler chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới

3. Các biện pháp giúp phòng ngừa hiệu quả nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Một số cách sau có thể giúp chân được bảo vệ chân trước nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới:

3.1. Thường xuyên vận động

Những người thường xuyên ngồi, đứng quá lâu một chỗ rất dễ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Vì thế, tạo thói quen vận động thường xuyên được khuyến nghị nên thực hiện để phòng ngừa bệnh lý này:

+ Tập thể dục thường xuyên bằng những bài tập yêu thích, phù hợp với sức khỏe như: đạp xe, đi bộ,... để giúp tuần hoàn máu được cải thiện, khả năng đàn hồi của tĩnh mạch được tăng lên. 

+ Sau 30 - 60 phút nên đứng dậy để đi lại để không gặp phải tình trạng tĩnh mạch chân bị dồn nén do ngồi quá lâu.

+ Nếu làm công việc có tính chất đứng một chỗ, hãy thay chú ý thường xuyên nhón gót để kích thích lưu thông máu.

3.2. Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tĩnh mạch khỏi nguy cơ suy giãn. Vì thế, để phòng ngừa nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bạn nên điều chỉnh chế độ ăn bằng cách:

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám để tránh bị táo bón làm tăng áp lực trong tĩnh mạch chi dưới.

- Bổ sung thực phẩm giàu flavonoid như: Nho, chanh, cam,... để cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.

- Giảm tiêu thụ muối để tránh nguy cơ giữ nước và sưng phù chân.

- Tránh chế độ ăn nhiều đường và chất béo để không bị béo phì - nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch.

3.3. Kiểm soát cân nặng

Thừa cân hoặc béo phì là yếu tố tạo áp lực lớn lên tĩnh mạch, nhất là chi dưới, gây suy giãn tĩnh mạch. Để ổn định trọng lượng, tránh tăng cân mất kiểm soát, bạn cần:

- Đảm bảo chế độ ăn đa dạng và cân bằng dinh dưỡng.

- Duy trì vận động thể dục để giảm calo và mỡ dư thừa.

- Thường xuyên kiểm tra chỉ số BMI để có sự điều chỉnh, ổn định cân nặng.

3.4. Tránh các tư thế gây áp lực lên chân

Không nên thực hiện các tư thế sau để tránh tình trạng tăng áp lực cho vùng tĩnh mạch chi dưới:

- Tư thế ngồi bắt chéo chân: Tạo áp lực làm cản trở dòng chảy của máu.

- Ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu khiến máu không lưu thông thuận lợi.

Ngoài ra, nếu ngồi hoặc nằm, hãy kê chân lên gối hoặc ghế để máu dễ dàng quay trở về tim.

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa giúp chẩn đoán và có hướng điều trị sớm suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Hiện nay, sự tiến bộ trong công nghệ chẩn đoán đã giúp việc phát hiện bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới trở nên dễ dàng. Vì thế, nếu nghi ngờ dấu hiệu của bệnh lý này, người bệnh nên sớm thăm khám bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các kiểm tra cần thiết. Trường hợp cần điều trị, người bệnh nên tuân thủ chỉ định từ bác sĩ để kiểm soát tốt nguy cơ bệnh tiến triển nghiêm trọng, gây biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám, chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng hãy liên hệ trực tiếp Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.