Các tin tức tại MEDlatec
Thủng tạng rỗng - những cảnh báo cần ghi nhớ
- 18/11/2021 | Tràn dịch trong ổ bụng có nguy hiểm không? Chẩn đoán bệnh bằng biện pháp nào?
- 27/11/2021 | Góc giải đáp: Phẫu thuật nội soi ổ bụng là gì?
1. Triệu chứng và nguyên nhân gây thủng tạng rỗng
1.1. Như thế nào là thủng tạng rỗng
Thủng tạng rỗng hiểu đơn giản là có khí tự do ở trong ổ bụng
Thủng tạng rỗng là thuật ngữ dùng để chỉ sự xuất hiện của khí tự do ở bên trong ổ bụng. Đây là một dạng cấp cứu ngoại khoa hay xảy ra, rất nguy hiểm bởi càng chẩn đoán muộn nguy cơ tử vong càng tăng.
1.2. Cảnh báo dấu hiệu bị thủng tạng rỗng
Hầu hết người bị thủng tạng rỗng gặp hiện tượng đau bụng dữ dội và đột ngột, số ít người có dấu hiệu nôn và những giờ đầu của bệnh không có tình trạng bí trung đại tiện. Vào thời điểm cơn đau tăng lên bụng sẽ cứng.
Diễn biến lâm sàng ở người bị thủng tạng rỗng có thể là đau thượng vị dữ dội trong 6 giờ đầu kèm theo sốc, sau đó cơn đau nhanh chóng lan ra khắp ổ bụng rồi trở về trạng thái bình thường trong 6 giờ kế tiếp. Những trường hợp lỗ thủng có kích thước nhỏ, thủng cách xa bữa ăn hoặc lỗ thủng đã được bít lại thì sẽ có ít dịch dạ dày thoát ra lỗ thủng và chảy xuống hố chậu phải theo rãnh đại tràng phải khiến người bệnh bị đau ở hố chậu phải. Đây là lý do khiến nhiều người nhầm tưởng mình bị viêm ruột thừa cấp.
1.3. Nguyên nhân làm thủng tạng rỗng là gì?
Trong các trường hợp bị thủng tạng rỗng thì có đến 90% là do thủng loét dạ dày tá tràng, các trường hợp còn lại do:
- Chấn thương bụng kín vì:
+ Thủng ruột: ở tá tràng, hỗng tràng và đại tràng (hiếm gặp).
+ Vỡ bàng quang.
- Chấn thương đâm xuyên thành bụng xuất phát từ:
+ Nuốt phải hoặc có dị vật rơi vào trong bụng.
+ Nhét dị vật vào trong trực tràng âm đạo.
- Bị viêm hoại tử ống tiêu hóa với các trường hợp: viêm túi thừa đại tràng, viêm ruột thừa hoại tử, viêm ruột hoại tử, viêm ruột do thương hàn, nạo hút thai gây thủng tử cung,...
2. Biện pháp chẩn đoán và điều trị bệnh thủng tạng rỗng
2.1. Các phương pháp chẩn đoán bệnh
Các kỹ thuật dưới đây thường được dùng để chẩn đoán thủng tạng rỗng:
Hình ảnh chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị thủng tạng rỗng
- Siêu âm
Các dấu hiệu cho thấy thủng tạng rỗng qua siêu âm gồm:
+ Hình ảnh tăng âm có bóng lưng hoặc tăng âm của viêm phúc mạc. Vị trí bóng khí này thấp hơn so với bóng khí phổi, di chuyển không đồng bộ với các cử động hô hấp. Thường gặp nhất là ở giữa cơ thành bụng và bề mặt gan. Ngoài ra có thể gặp ở hậu cung mạc nối hoặc rãnh dây chằng liềm.
+ Dấu hiệu bậc thang: hình thành với 2 rèm hơi: tự do và màng phổi. Tuy nhiên hơi màng phổi sẽ nằm cao hơn so với hơi ổ phúc mạc tạo nên hình ảnh bậc thang.
Ngoài ra, thông qua siêu âm có thể tìm thấy dấu hiệu dịch ổ bụng hoặc các tổn thương tạng khác đi kèm.
- Chụp X-quang bụng đứng không chuẩn bị
Đây là phương pháp phổ biến được dùng để xác định thủng tạng rỗng, chỉ định thường xuyên với những trường hợp cấp cứu giúp phát hiện và loại trừ bệnh. Người bệnh sẽ được khảo sát ở tư thế đứng hoặc nửa nằm nửa ngồi để tìm kiếm hơi bên dưới cơ hoành.
- Chụp cắt lớp ổ bụng (CT)
Áp dụng cho những bệnh nhân khó xác định thủng tạng rỗng thông qua 2 phương pháp trên. Hình ảnh thu được từ phim chụp CT cho thấy thủng tạng rỗng dựa trên các dấu hiệu:
+ Có khí ở thượng vị cạnh tá tràng, mặt trước của gan và cạnh tá tràng.
+ Có thâm nhiễm mỡ mạc treo.
+ Xuất hiện tình trạng khu trú dày thành ruột.
+ Ngấm thuốc mạnh ở thành ruột, bị thoát thuốc cản quang ra khỏi ống tiêu hóa.
2.2. Điều trị bệnh thủng tạng rỗng như thế nào?
Trước đây chỉ có một cách duy nhất để điều trị thủng tạng rỗng đó là phẫu thuật mở ổ bụng. Sau phẫu thuật người bệnh sẽ phải tốn rất nhiều thời gian chờ đợi thì mới hồi phục về được như bình thường. Ngày nay, nhờ sự phát triển nhanh của y học, người bệnh đã có thể điều trị thông qua mổ nội soi. So với phương pháp phẫu thuật truyền thống thì phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, ít làm tác động đến các tạng bên trong ổ bụng hơn, vết mổ nhỏ hơn, do đó thời gian hồi phục của người bệnh cũng nhanh hơn, nguy cơ nhiễm trùng được giảm thiểu tối đa.
Bệnh nhân thủng tạng rỗng cần được điều trị kịp thời để bảo vệ tính mạng
Thủng tạng rỗng có nguy cơ cao hơn ở nam giới trong độ tuổi 35 - 65 (phổ biến nhất là 30 - 40 tuổi) và vẫn có những trường hợp trên 80 tuổi cũng thủng tạng rỗng. Tình trạng cấp cứu y khoa này vô cùng nguy hiểm với tính mạng của người bệnh và không hề dễ phát hiện.
Vì thế, nếu bị chấn thương dẫn đến xuất huyết ổ bụng hay có các triệu chứng đau bụng bất thường, có dấu hiệu của viêm loét dạ dày thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra ngay lập tức. Thông qua chẩn đoán hình ảnh bác sĩ sẽ kịp thời phát hiện thủng tạng rỗng để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Nếu bạn đang gặp phải những dấu hiệu được cảnh báo trên đây, hãy đến ngay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu trực tiếp thăm khám, chỉ định phương pháp chẩn đoán bệnh phù hợp và chính xác. Bệnh viện không những quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn mà còn sở hữu hệ thống trang thiết bị y khoa tiên tiến bậc nhất cùng chất lượng dịch vụ hàng đầu nên đảm bảo sẽ giúp bạn nhanh chóng xác định chính xác tình trạng sức khỏe của mình.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chia sẻ các băn khoăn về thủng tạng rỗng thông qua tổng đài 1900 56 56 56, chuyên gia y tế của bệnh viện luôn sẵn lòng cung cấp đầy đủ mọi thông tin để tháo gỡ mọi lo lắng mà bạn đang gặp phải.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!