Các tin tức tại MEDlatec

Thuốc nhỏ mũi và những tác dụng phụ cần hết sức cảnh giác

Ngày 05/01/2023
Thuốc nhỏ mũi nghe qua thì có vẻ là thuốc lành tính và ít gây nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ những tác  dụng phụ khôn lường  nếu dùng thuốc sai cách và lạm dụng để điều trị các vấn đề về hô hấp đường mũi. 

1. Có những loại thuốc nhỏ mũi nào?

Nguyên nhân gây sổ mũi, nghẹt mũi có thể là do viêm mũi dị ứng, viêm hầu họng, viêm mũi vận mạch, viêm mũi xoang,...

Nhiều người cho rằng dùng thuốc nhỏ mũi chỉ là phương pháp điều trị bổ trợ đơn giản, sẽ không tác dụng sâu vào cơ thể như các thuốc dạng uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên cần phải đặc biệt lưu ý, nếu dùng thuốc nhỏ mũi không đúng cách và lạm dụng nhiều lần vẫn có thể gây ra những tác hại nhất định đến niêm mạc mũi.

Hiện nay có 2 loại thuốc nhỏ mũi đó là thuốc dạng nhỏ giọt và thuốc dạng xịt. Bên cạnh tác dụng tại chỗ, khi dùng các thuốc này thành phần hóa chất chứa trong thuốc có khả năng thẩm thấu qua niêm mạc mũi, đi vào các mạch máu và gây ra nhiều tác dụng toàn thân khác, điển hình là thuốc corticoid dùng trong điều trị viêm mũi và thuốc co mạch trị sổ mũi, nghẹt mũi.

Thuốc nhỏ mũi cũng được bào chế theo dạng xịt tiện lợi

2. Những tác hại khi lạm dụng thuốc co mạch chữa nghẹt mũi

Đối với những người có triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi thì có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi gồm các dược chất giúp gia tăng giao cảm gây co mạch như oxymetazolin, naphazolin, xylometazolin,… Những dược chất này có tác dụng giảm sung huyết, gây co mạch trong niêm mạc mũi, từ đó mũi sẽ tiết chế chảy dịch mỗi lần sổ mũi. Nhờ công dụng này mà người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu ngay tức thì sau khi dùng thuốc.

Tuy nhiên nếu dùng trong thời gian dài, thuốc sẽ gây ra phản ứng ngược và đặc biệt nguy hiểm đối với những người đang mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, cường giáp, thai phụ hoặc phụ nữ đang cho con bú. Nhìn chung thuốc nhỏ mũi co mạch chỉ nên được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, loại thuốc này khi dùng lâu dài không những không giúp hạn chế tình trạng sổ mũi mà còn khiến người bệnh bị chảy nước mũi nhiều hơn, thậm chí triệu chứng này còn trở thành dạng mạn tính khó điều trị dứt điểm trong tương lai. Lúc này bệnh sẽ được gọi là viêm mũi do thuốc, quá trình điều trị bệnh vô cùng khó khăn bởi vì hệ thống màng nhầy - lông chuyển và niêm mạc mũi đã bị thuốc làm cho tổn thương vĩnh viễn. Do đó phần lớn các bác sĩ sẽ chỉ kê đơn cho bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mũi co mạch trong vòng 5 ngày trở xuống.

Trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ nhũ nhi thì những thuốc nhỏ mũi gây co mạch không chỉ tác động riêng ở vùng mũi mà còn có thể gây co mạch trên toàn thân, bao gồm các bộ phận như tim, gan, thận,... Hậu quả là dẫn tới các biến chứng như vã mồ hôi, tím tái, choáng váng phải nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.

Dùng thuốc nhỏ mũi không đúng cách có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm

Theo thống kê của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), từ năm 1985 đến 2012 đã ghi nhận có khoảng 96 trường hợp trẻ em Mỹ trong độ tuổi từ 1 tháng đến 5 tuổi bị ngộ độc vì cha mẹ cho sử dụng thuốc nhỏ mũi gây co mạch là naphazolin.

Chính vì những lý do trên nên thuốc nhỏ mũi với tác dụng co mạch không được khuyến cáo sử dụng cho những trẻ dưới 8 tuổi.

3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc nhỏ mũi chứa corticoid

Corticoid nổi tiếng là một loại dược chất có tác dụng chống viêm. Nếu được dùng theo đúng chỉ định khi điều trị các vấn đề Tai Mũi Họng, trong đó có viêm mũi dị ứng thì hiệu quả do thuốc mang lại là rất khả quan. Tuy nhiên corticoid bào chế theo dạng thuốc nhỏ mũi nếu dùng sai cách có khả năng dẫn tới những tác dụng phụ như: chảy máu cam, loét vách mũi, teo niêm mạc mũi, kích ứng và làm khô niêm mạc mũi.

Không chỉ có vậy, corticoid còn có khả năng thẩm thấu vào niêm mạc mũi, ngấm vào mạch máu tuần hoàn đi khắp cơ thể và gây ra các phản ứng toàn thân rất nguy hiểm như cườm nước, cườm khô, suy thượng thận, tăng huyết áp, làm loãng xương, gây hội chứng Cushing, viêm loét dạ dày, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, đồng thời có thể làm suy giảm sức đề kháng và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Biểu hiện của hội chứng Cushing - biến chứng có thể xảy ra nếu dùng thuốc nhỏ mũi sai cách

Do đó, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc nhỏ mũi chứa corticoid nếu không có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

4. Loại thuốc nhỏ mũi nào thường được khuyến khích sử dụng?

Một trong những loại thuốc nhỏ mũi có độ an toàn cao đó là dung dịch nước muối đẳng trương Natri clorid (NaCl 0,9%). Dung dịch này còn được biết đến với tên gọi là nước muối sinnh lý với thành phần chính bao gồm muối ăn NaCl nồng độ 0,9% (nghĩa là cứ 1 lít dung dịch sẽ chưa khoảng 9g muối ăn). Tỷ lệ này tương đương với hàm lượng dịch sinh lý bình thường của cơ thể.

Natri Clorid thường được dùng khi cần súc miệng trong trường hợp bị viêm họng, rửa mũi nếu bị viêm mũi xoang nhưng hầu như không có tác dụng sát khuẩn cao. Nếu điều trị với mục đích sát khuẩn, bác sĩ sẽ kê thêm dung dịch sát khuẩn chuyên dụng.

Nếu bạn muốn vệ sinh mũi thì nên mua thuốc nhỏ mũi sinh lý NaCl 0,9% ở các hiệu thuốc thay vì tự pha muối loãng dùng ở nhà. Lý do là vì muối ở nhà không đảm bảo vệ sinh và chúng ta khó có thể pha trộn đúng tỷ lệ tiêu chuẩn như nước muối đẳng trương có mặt trên thị trường dược phẩm. Đồng thời nhà sản xuất có đủ điều kiện để bào chế dung dịch nước muối sinh lý vô trùng, pha chế theo đúng công thức, tỷ lệ và giá thành của loại thuốc nhỏ mũi này cũng rất phải chăng, hầu như ai cũng có thể mua được.

Ngoài ra, dung dịch NaCl 0,9% được sản xuất theo các dạng nhỏ mũi, nhỏ mắt, nhỏ tai hoặc chai lớn dùng để súc miệng, rửa họng. Do đó bạn nhớ phải mua đúng loại tùy theo mục đích sử dụng.

Như vậy bài viết đã tóm tắt công dụng của các loại thuốc nhỏ mũi và những lưu ý cần thiết khi sử dụng. Đối với các thuốc có tác dụng gây co mạch, thuốc chứa thành phần corticoid thì chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ và thời gian sử dụng không quá 5 ngày. Nếu không người bệnh sẽ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng sai cách.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.