Các tin tức tại MEDlatec

Tìm hiểu nguyên nhân giảm bạch cầu trung tính

Ngày 01/07/2023
Có rất nhiều nguyên nhân giảm bạch cầu, ví dụ như là do quá trình sản xuất bạch cầu gặp trục trặc, hay tế bào bạch cầu trong máu bị phá hủy do một tình trạng bệnh lý nào đó. Xác định rõ nguyên nhân giảm bạch cầu là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều trị bệnh sau này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn một số thông tin cần thiết về tình trạng giảm bạch cầu, nguyên nhân gây bệnh cũng như các biện pháp điều trị hiện nay.

1. Tổng quan về bệnh giảm bạch cầu

Bệnh giảm bạch cầu xảy ra khi số lượng bạch cầu trong máu bị giảm xuống dưới mức bình thường. Bạch cầu chính là thành viên hoạt động tích cực trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại sự xâm nhập của nhiều tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng. Bạch cầu bao gồm nhiều phân loại khác nhau, trong đó bạch cầu trung tính chính là loại chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Vì vậy bài viết này sẽ tập trung phân tích về tình trạng giảm bạch cầu trung tính.

Tùy thuộc vào độ tuổi số lượng bạch cầu trung tính trong cơ thể sẽ ở mức khác nhau. Sau đây là 3 mức độ giảm bạch cầu người bệnh cần lưu ý:

●       Bạch cầu giảm nhẹ: 1.000 - 1.500 tế bào/µl máu;

●       Bạch cầu giảm vừa: 500 – 1.000 bạch cầu/µl máu;

●       Bạch cầu giảm nặng: < 500 bạch cầu/µl máu.

Bệnh giảm bạch cầu xảy ra khi số lượng bạch cầu trong máu bị giảm xuống dưới mức bình thường

Ngoài ra bạch cầu giảm còn được phân thành 2 cấp độ đó là giảm bạch cầu cấp tính và giảm bạch cầu mạn tính. Trong đó giảm bạch cầu cấp tính thường là khi số lượng bạch cầu đột nhiên giảm hoặc tình trạng này diễn ra trong thời gian ngắn. Còn giảm bạch cầu mạn tính là khi hiện tượng này kéo dài, xuất hiện lặp lại theo chu kỳ, bị bẩm sinh hoặc bệnh nhân giảm bạch cầu tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

2. Những dấu hiệu cảnh báo tình trạng giảm bạch cầu

Thường thì những trường hợp bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính thể nhẹ sẽ ít khi bộc lộ triệu chứng. Để chắc chắn thì bệnh nhân cần phải tiến hành xét nghiệm máu mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng này.

Khi bạch cầu bị thiếu hụt nhiều thì sẽ dẫn tới các biểu hiện rõ ràng hơn trên cơ thể. Lúc này bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn, vi khuẩn không bị các tế bào bạch cầu tiêu diệt sẽ thỏa sức tấn công và gây bệnh tại nhiều cơ quan như niêm mạc (da, nướu lợi, miệng, xoang) cùng các nội quan khác dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng toàn thân.

Bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng bất thường khác như ăn không ngon, đau họng, sưng hạch bạch huyết, tiểu buốt, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, mệt mỏi, loét hậu môn hoặc loét miệng, sốt cao. Khi xuất hiện các biểu hiện lâm sàng như vậy thì bệnh nhân nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Khi gặp các triệu chứng giảm bạch cầu bệnh nhân nên đi khám ngay

3. Nguyên nhân giảm bạch cầu trung tính là do đâu?

Có những trường hợp bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính bẩm sinh, tức là từ khi sinh ra đã bị mắc căn bệnh này và đó có thể là tình trạng bệnh lý liên quan tới yếu tố di truyền. Một số nguyên nhân chính dẫn đến bệnh giảm bạch cầu trung tính đó là:

●       Cơ thể bị các loại virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng tấn công;

●       Suy tủy xương (còn gọi là thiếu máu bất sản), xơ tủy, rối loạn sinh tủy, hay gặp vấn đề trong quá trình sản xuất bạch cầu ở tủy xương (bẩm sinh hoặc tự mắc phải);

●       Thiếu hụt dưỡng chất cần thiết như vitamin B12, axit folate;

●       Mắc các bệnh lý ác tính như ung thư ảnh hưởng tới chức năng tủy xương như bệnh bạch cầu, u lympho,...;

●       Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư: xạ trị, hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch hay cấy ghép tế bào gốc,...;

●       Do dùng các loại thuốc như: kháng sinh, thuốc kháng giáp, thuốc chống loạn thần,...;

●       Mắc các bệnh tự miễn: viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, Lupus ban đỏ hệ thống,...

4. Những phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh giảm bạch cầu

4.1. Biện pháp chẩn đoán giúp xác định tình trạng giảm bạch cầu

Một số chỉ định dành cho bệnh nhân khi cần chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh giảm tiểu cầu đó là:

●       Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu: nhằm kiểm tra định lượng bạch cầu trung tính có trong máu. Xét nghiệm này sẽ được thực hiện liên tục để đánh giá về sự thay đổi của số lượng bạch cầu, tần suất 3 lần/tuần, tiến hành trong 6 tuần liên tiếp;

●       Xét nghiệm kháng thể: điều này giúp xác định xem bạch cầu giảm số lượng có phải là do mắc bệnh tự miễn;

●       Sinh thiết tủy xương;

●       Chọc hút tủy xương;

●       Xét nghiệm sinh học phân tử và di truyền học tế bào.

Xét nghiệm sẽ giúp kiểm tra nguyên nhân giảm bạch cầu

4.2. Điều trị giảm bạch cầu bằng phương pháp gì?

Phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn dựa trên nguyên nhân giảm bạch cầu là gì và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Đối với những bệnh nhân giảm bạch cầu nhẹ thì có thể chưa cần phải điều trị ngay mà sẽ tiến hành theo dõi. Nhiều trường hợp bị giảm bạch cầu mức độ nhẹ có thể tự khỏi khi tủy xương đã khỏe lại và có thể bắt đầu sản xuất bạch cầu như bình thường.

Các biện pháp điều trị sẽ áp dụng cho những trường hợp bị giảm bạch cầu từ vừa đến nặng kết hợp với điều trị nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:

●       Truyền bạch cầu;

●       Điều trị nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân giảm bạch cầu bắt nguồn từ việc cơ thể bị nhiễm phải các vi sinh vật gây bệnh;

●       Thay đổi loại thuốc cho phù hợp hơn nếu giảm bạch cầu là do tác dụng phụ của các thuốc này;

●       Kích thích hoạt động của bạch cầu hạt Colony để tủy xương tăng cường sản xuất thêm nhiều bạch cầu;

●       Nếu bệnh nhân bị mắc bệnh bạch cầu hay bị suy tủy xương dẫn tới giảm bạch cầu nghiêm trọng thì có thể cân nhắc áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc để làm tăng lượng bạch cầu trong máu. 

Hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong những địa chỉ uy tín được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn khi thăm khám sức khỏe và thực hiện xét nghiệm chẩn đoán mọi loại bệnh lý, bao gồm cả các bệnh về máu như giảm bạch cầu. Bạn hãy liên hệ ngay đến tổng đài 1900565656 của MEDLATEC để được tư vấn viên giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ đăng ký đặt lịch khám cùng các bác sĩ chuyên khoa.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.