Các tin tức tại MEDlatec
Tìm hiểu về dây thần kinh quay và bệnh lý liên quan
- 12/08/2024 | Phẫu thuật thần kinh - Những thông tin cần biết
- 15/09/2024 | Điều trị đau dây thần kinh số 5 như thế nào hiệu quả?
- 17/10/2024 | Tìm hiểu về chất dẫn truyền thần kinh và các yếu tố liên quan
1. Đặc điểm, chức năng của dây thần kinh quay
Dây thần kinh quay là nhánh thần kinh lớn nhất, được bắt nguồn từ đám rối cánh tay. Dây này đi từ vùng nách qua phần sau cánh tay rồi chạy dọc xuống dưới bàn tay. Đây là dây thần kinh quan trọng điều khiển các cơ giúp cánh tay, khuỷu tay và cổ tay hoạt động bình thường.
Dây thần kinh quay đảm nhận các chức năng chính:
- Chức năng vận động: Điều khiển các cơ duỗi khuỷu tay, cổ tay và ngón tay.
- Chức năng cảm giác: Cung cấp cảm giác cho một phần da của cánh tay và bàn tay, đặc biệt là mặt sau của cánh tay và ngón tay.
Hình ảnh giúp xác định vị trí của dây thần kinh quay
2. Bệnh thần kinh quay là bệnh gì, nguyên nhân và triệu chứng
2.1. Bệnh thần kinh quay là bệnh gì?
Bệnh thần kinh quay là tình trạng dây thần kinh bị tổn thương do viêm. Tình trạng này thường xảy ra do chấn thương và chèn ép gây kẹt dây thần kinh quay. Tổn thương thường gặp nhất ở bệnh thần kinh là mặt trước bên dưới khớp khuỷu hoặc phía trên cẳng tay.
2.2. Nguyên nhân gây bệnh thần kinh quay
Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến việc dây thần kinh quay bị tổn thương hoặc chèn ép là:
- Chấn thương ở cánh tay.
- Chấn thương ở hõm nách.
- Dây thần kinh quay tại rãnh dây thần kinh bị chèn ép do các tư thế không thích hợp duy trì trong thời gian dài.
- Đứt dây thần kinh quay do mảnh xương gãy hoặc dị vật.
- Khớp khuỷu bị trật.
- Bao hoạt dịch ở khớp khuỷu tay chịu tổn thương.
- Ngộ độc chì.
2.3. Triệu chứng thường gặp ở bệnh thần kinh quay
Bệnh dây thần kinh quay thường gây nên các triệu chứng đặc trưng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động và cảm giác của cánh tay, cổ tay và bàn tay:
- Yếu cơ
Người bệnh cảm thấy khó duỗi cổ tay, ngón tay, cổ tay rơi thõng xuống chứ không thể giữ thẳng được như bình thường.
- Tê hoặc mất cảm giác
Khu vực mặt sau của cánh tay, cẳng tay và bàn tay (đặc biệt là ngón cái và ngón trỏ) có thể bị tê, mất cảm giác hoặc có cảm giác như kiến bò.
- Đau nhức
Một số bệnh nhân có thể bị đau dọc theo dây thần kinh quay, từ cánh tay xuống đến bàn tay. Tính chất cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói, thường đau mạnh khi chạm vào vùng bị ảnh hưởng hoặc khi vận động tay.
- Giảm khả năng vận động
Thần kinh quay chịu trách nhiệm cho các hoạt động cơ cánh tay và cổ tay. Do đó, bệnh thần kinh quay sẽ khiến người bệnh khó thực hiện động tác nắm đồ vật, lái xe, hoặc thực hiện các thao tác trong đời sống thường ngày.
Bị đau dọc cánh tay do bệnh thần kinh quay khiến khả năng vận động tay bị hạn chế
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh thần kinh quay
3.1. Chẩn đoán
- Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra vận động và cảm giác để xác định mức độ tổn thương của dây thần kinh quay như:
+ Kiểm tra khả năng duỗi tay.
+ Đánh giá cảm giác ở cánh tay và bàn tay.
- Kiểm tra cận lâm sàng
+ Điện cơ đồ (EMG)
Điện cơ EMG là kỹ thuật đo hoạt động điện xảy ra ở hệ thần kinh và cơ. Nhờ phương pháp này, bác sĩ sẽ xác định được vị trí bị tổn thương và mức độ thương tổn thần kinh quay.
+ Chụp X-quang tay
Hình ảnh từ phim chụp X-quang giúp phát hiện gãy xương cánh tay kèm trật khớp khuỷu hoặc chèn ép dây thần kinh quay do dị vật.
+ Chụp MRI
Hình ảnh chụp MRI giúp bác sĩ quan sát rõ để phát hiện bất thường cấu trúc dây thần kinh, chèn ép hoặc viêm.
3.2. Điều trị
- Điều trị không phẫu thuật
+ Thuốc chống viêm: Giúp giảm viêm và giảm đau do tổn thương dây thần kinh quay.
+ Dùng nẹp: Người bệnh được nẹp ngón tay hoặc cổ tay để bảo vệ và tăng khả năng hồi phục cho dây thần kinh quay.
+ Vật lý trị liệu: Các bài tập giúp tăng vận động cơ và phục hồi chức năng của cánh tay, cổ tay.
Trường hợp dây thần kinh quay bị tổn thương nặng, sợi thần kinh đã đứt thì quá trình tái tạo rất chậm, thậm chí mất hoàn toàn khả năng hồi phục.
Việc điều trị bằng đeo nẹp hay vật lý trị liệu giúp khôi phục dần khả năng hoạt động tay. Bài tập cải thiện vận động thụ động được khuyến khích thực hiện cho đến khi sợi thần kinh bị tổn thương nối được với sợi cơ.
- Điều trị phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị trên không đáp ứng hoặc tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật sửa chữa tổn thương hoặc giải phóng dây thần kinh bị chèn ép.
Tùy vào mức độ tổn thương thần kinh quay bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ trị liệu cụ thể
4. Phòng ngừa bệnh thần kinh quay bằng cách nào?
- Duy trì tư thế đúng
Khi làm việc hoặc nghỉ ngơi, hãy chú ý đến tư thế của cánh tay và cổ tay. Tránh những tư thế đè ép lên dây thần kinh quay trong thời gian dài.
- Tập luyện đúng cách
Khi thực hiện hoạt động thể thao hoặc công việc cần cánh tay cử động liên tục cần có bài tập khởi động và giãn cơ để dây thần kinh quay được bảo vệ, tránh yếu tố gây tổn thương đột ngột.
- Điều trị kịp thời chấn thương
Nếu bị chấn thương ở tay, người bệnh cần được chẩn đoán để điều trị ngay nhằm tránh nguy cơ tổn thương dây thần kinh quay.
Dây thần kinh quay đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát vận động và cảm giác ở cánh tay, bàn tay. Khi dây thần kinh này bị chèn ép trong thời gian dài hoặc bị tổn thương có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến vận động. Vì thế, nhận diện sớm và thực hiện điều trị ngay sẽ đảm bảo duy trì chức năng vận động tay.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!